Những cuốn sách hay về Bác Hồ (2)

Tên Người là Hồ Chí Minh. Trẻ em Việt Nam gọi Người với cái tên thân thương là Bác Hồ. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, chuyên mục Sách hay báo Ngoisao tiếp tục giới thiệu với độc giả yêu sách những tác phẩm đáng chú ý viết về người lãnh tụ vĩ đại của đất nước.

15.5957

9. Theo chân Bác
- Tác giả: Tố Hữu - Văn Thơ
- Số trang: 40  
- Giá bán: 25.000 đồng

Đây là tập thơ viết để tưởng nhớ Bác.

Tháng năm ơi, có thể nào quên
Hàng bóng cờ tang thắt dải đen
Rủ nhau giữa lòng đau. Ta nhớ mãi
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên

Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác
Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn
Chắc như thường lệ, Người đi vắng
Để mọi lời ca tặng nước non.

Tôi viết bài thơ cho các con
Mai sau được thấy Bác như còn
Phơ phơ tóc bạc, chòm râu mát
Đôi dép mòn đi, in dấu son.

10. Cháu Bác Hồ
- Tác giả: Lâm Quang Ngọc
- Số trang: 68 
- Giá bán: 8.000 đồng

Cháu Bác Hồ là câu chuyện cảm động mà nhà văn Lâm Quang Ngọc viết cách đây đã trên 40 năm. Trải qua mấy chục năm như vậy nhưng tình cảm trong trẻo, hồn nhiên của cháu bé làng quê ngày chống Pháp cùng với đám bạn bè đối với Bác kính yêu thì vẫn tươi mới và đầy xúc động.

"Ngọc theo mẹ tản cư, đến ở nhờ nhà mẹ con Duẫn. Nhà Duẫn rất nghèo, Duẫn phải đi chăn trâu mướn cho địa chủ. Một hôm, có bộ đội hành quân qua làng. Duẫn và Ngọc được một anh bộ đội kể cho nghe chuyện Bác Hồ, chuyện Kim Đồng... Từ đó hình ảnh Bác Hồ và Kim Đồng cứ khắc sâu vào tâm trí các em.

Duẫn muốn viết được thư cho Bác Hồ nên đã cố học chữ. Lần khác, anh bộ đội quen biết lại trở về làng, đem cho các em một tấm ảnh Bác. Cả đám trẻ chăn trâu em nào cũng muốn viết được thư cho Bác nên đã tổ chức học chữ trong những lúc đi chăn trâu. Nhưng rồi một hôm địch đến đốt phá làng. Duẫn theo người lớn chạy giặc, chợt nhớ đến bức ảnh Bác, em rủ Ngọc chạy về lấy. Lúc trở ra Duẫn bị trúng đạn của địch những vừa lúc ấy bộ đội ta kéo về làng chống càn...

11. Thư ký Bác Hồ kể chuyện - Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc
- Tác giả: Vũ Kỳ
- Số trang: 120
- Giá bán: 12.000 đồng

Bàn luận về tác phẩm của Vũ Kỳ - nguyên thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Dương Trung Quốc viết: Chúng ta nói nhiều đến việc bảo tồn các di tích lịch sử, cái mà ngày nay người ta hay dùng thuật ngữ "di sản vật thể", nhưng không mấy ai quan tâm đến một di sản vô cùng quý giá khác, thuộc phạm trù "phi vật thể", đó là ký ức của con người. Một phế tích dù có to lớn đến mấy, một khi có tiền, có kỹ thuật và có thời gian thì đều phục dựng lại được. Nhưng mỗi con người một khi đã nằm xuống thì mãi mãi mọi cái ở trong đầu con người ấy sẽ tan biến và không bao giờ có thể lấy lại được nữa. Chẳng có người từng ví, mỗi người gia nằm xuống là mất đi một pho sách quý. Mà với Vũ Kỳ, hẳn đó phải là một pho sách rất quý. Bởi lẽ như một định mệnh, cuộc đời ông gắn bó với tên tuổi của một còn người gắn với cả cả một thời đại lịch sử của dân tộc, một người đã được thế giới đánh giá là góp phần làm thay đổi diện mạo hành tinh của chúng ta trong thế kỷ XX. Đó là chủ tịch Hồ Chí Minh.

12. Người ném bóng một mình
- Tác giả: Phạm Đức 
- Số trang: 68
- Giá bán: 5.000 đồng

Tập sách là những câu chuyện nhỏ hết sức cảm động về Bác Hồ được nhà thơ Phạm Đức ghi lại chân thực, đằm thắm qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ.

13. Nhật ký trong tù 

 - Tác giả: Hồ Chí Minh
 - Số trang: 360
 - Giá: 35.000

Nhà văn Vũ Quần Phương từng nhận định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng. Thơ đối với Người chỉ là một thú chơi, hay một phương tiện cổ động cách mạng. Tập thơ nổi tiếng nhất của Người Nhật ký trong tù cũng ra đời như một sự bất đắc dĩ. Trong tù, không làm gì được thì làm thơ:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
Thơ ghi nhật ký, mà nhật ký thì không bỏ những việc thường ngày. Hồ Chí Minh trung thực với chính mình. Người ghi đủ, từ việc thanh nhã ngắm trăng, thổi sáo đến việc gãi ghẻ, việc ngồi trên hố xí... rất chi là khó nói. Ấy thế mà thành thơ, mà nên thơ. Cách hành xử của con người, ngay trong những việc tầm thường nhất, cũng bộc lộ phẩm cách. Phẩm cách lớn Hồ Chí Minh đã tạo chất thơ mới lạ, đầy bất ngờ cho những việc tầm thường ấy. Bài thơ Mới đến nhà lao Thiên Bảo có bốn câu thì ba câu rưỡi chưa thấy thơ, chỉ toàn lượng thông tin: đi bộ 53 cây số một ngày, rách tan một đôi giày, quần áo đẫm nước mưa, đến nơi, phòng giam chật, không chỗ ngủ, đành phải leo tạm lên ngồi trên hố xí, nhưng đến ba chữ cuối đợi ngày mai, thì chúng ta gặp thơ: Xí khanh tượng tọa đãi triêu lai. Đợi ngày mai nghĩa đen là đợi cho qua cái đêm cụ thể đó, nghĩa bóng gần là đợi lúc được ra tù, nghĩa xa là đợi vận hội mới của cách mạng, là tính đường đi nước bước cho ngày mai của đất nước. Chất thơ mới và cao là ở đó... Đấy cũng là một phương châm sống trong tù Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao đã được đề trên bìa tập nhật ký.

Bài thơ mộc mạc này còn mang một ý nghĩa cách tân cho thơ hiện đại. Ấy là sự mở rộng phạm vi cái nên thơ. Đâu cứ phải mây gió trăng hoa tuyết núi sông... mới có thể vào thơ, thành thơ, mà bất cứ nơi nào có vui buồn của con người thì đều có thể thành thơ. Những người quen đọc thứ thơ mỹ tự chắc không khỏi giật mình khi đọc:
Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở, không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù.
Nhưng thử hỏi có ví dụ nào nói đến đáy nỗi nhục nhã khi bị mất tự do như câu thơ này không? Dòng chữ nối tiếng chạy trên đá hoa cương trong lăng Người "Không có gì quý hơn độc lập tự do" chính là đã kết tinh từ những cảnh ngộ mà đời người đã trải, thơ Người đã tả...

14. Hồi ký về Bác Hồ
- Tác giả: Nhiều tác giả
- Số trang: 140 
- Giá bán: 16.000 đồng

Nhớ lại thời trên chiến khu, có những buổi hoàng hôn se lạnh, cánh rừng chiều u tịch, Bác vun lá cây khô thành một đống nhỏ, châm lửa đốt, rồi một mình trầm ngâm suy tưởng trước những lưỡi lửa chập chờn ngày càng hồng lên trong bóng đêm dần buông xuống.

Nhớ lại Hà Nội thời chống Mỹ, cuối buổi làm việc thứ ba trong ngày, gần 23 giờ, mọi người ra về cùng vợ con, gia đình, nhà sàn của Bác vẫn chiếu ra ánh đèn, nơi ấy có lần Bác bảo đồng chí giúp việc dẫu đã khuya cũng đừng tắt đài đi, cứ để đấy có tiếng người cho đỡ vắng.

Bác đã nghĩ gì trước những lưỡi lửa chiến khu và trong ánh đèn Hà Nội, về những công việc hàng ngày, về những con người quanh mình, về dân tộc, về thế giới, về cái mênh mông sâu thẳm của đời người?

Và còn nữa muôn vàn những điều về Bác Hồ mà có lẽ chúng ta còn chưa biết đến. Tất cả đã được ghi lại trong những trang hồi ký của nhiều tác giả Hồi ký về Bác Hồ.

15. Hồ Chí Minh - Tên Người là cả một niềm thơ
 - Tác giả: Nhiều tác giả
 - Số trang: 152
 - Giá: 20.000 đồng

Từ con người vốn thật đẹp trong cuộc đời, Bác Hồ đã đi vào thơ ca và trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức rung động và toả sáng mạnh mẽ. Đó là con đường đi của quy luật điển hình hoá trong thơ. Và thơ ca đã đem đến cho chúng ta một hình tượng Bác Hồ đẹp đẽ sinh động, đạt đến mức điển hình, bởi vì ở hình tượng Bác, vừa có những phẩm chất chung ưu tú của người lãnh tụ, đồng thời lại mang nét riêng của Bác, mang phong thái Hồ Chí Minh. Và ở những tác phẩm thành công, thì hai yếu tố riêng - chung đó đã hoà làm một trong con người tuyệt đẹp ấy, con người mà sự hài hoà đã trở thành nét bản chất tự nhiên trong cuộc sống.

Đề tài Bác Hồ là một sự hấp dẫn lớn đối với các thi sĩ, là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn, là dòng sông thơ tuôn chảy mãi không ngừng và hoà tan trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè khắp năm châu.

Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ gồm 50 bài thơ hay viết về Bác Hồ, được sắp xếp theo thứ tự thời gian hy vọng sẽ mang lại cho độc giả một món quà tinh thần quý giá.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]