Dù ở đây, là tự truyện cay đắng của một trong những nhà văn vĩ đại nhất và cũng được coi là khó hiểu nhất của thế kỷ 20, mà những bức thư để lại (trong đó “Thư của bố” chiếm vị trí quan trọng nhất) được coi là một trong những chiếc chìa khóa giúp giải mã...

“Các bạn tôi ở trên ấy”


Bút ký. Tác giả: Nguyên Ngọc. NXB Trẻ.

“Người Tây Nguyên chính xác mà hóm hỉnh: Họ bảo đàn ông là sấm (mà đàn ông cũng biết thân phận của mình là thế, chẳng thể hơn). Sấm thì ồn ào, ầm ĩ, trợn trạo, hung hăng, nhưng… ai mà chẳng biết, sấm nào có đánh chết được ai bao giờ đâu, chỉ là tiếng vang thôi, to mà rỗng, tiếng vang của một cái khác không nhìn thấy được nhưng ghê gớm, chết người, là sức mạnh thực sự: Sét.

Người đàn bà là sét, làm sét, phái kẻ đại diện hữu danh vô thực của mình là người đàn ông ra bên ngoài làm sấm, thực thi quyền lực thực mà bà nắm chặt trong tay, trong gia đình và ngoài xã hội. Vậy đó, ơi những người đàn ông tội nghiệp chúng ta, cần biết để mà chẳng nên kiêu ngạo chút nào!”. Vậy đấy, quả là một cuốn sách “không nên” đọc một chút nào, trừ khi bạn chính là “người đàn ông tội nghiệp” nọ!

“Con giai phố cổ

Tạp văn. Tác giả: Nguyễn Việt Hà. NXB Trẻ.


Rất “không nên” đọc, trừ khi bạn là “con giai phố cổ”, hoặc định (hay đã trót) làm vợ “giai phố cổ”. Trăm sự chỉ bởi “thực tế phũ phàng” này: “Bọn con giai khi có vợ bỗng trở nên hiền lành, tuy gia trưởng nhưng bọn chúng chung thủy ít “mèo mỡ”, hầu hết đều sống chung với cơn lũ hôn nhân cho đến khi cuối đời, mặc dù các thứ lãng mạn trót cưa được kia đích thị là một của nợ.

Rồi ngày qua ngày, tất cả giờ đây đã quá trung niên. Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán càphê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội”…
    
“Thư gửi bố”

Tác giả: Franz Kafka. Người dịch: Đinh Bá Anh. Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn.


Đúng là “không nên” đọc, trừ khi bạn là… Tôn Hiếu Anh, tác giả bức thư gửi bố (cố GS Tôn Thất Bách) gây xúc động và xôn xao cộng đồng mạng vừa qua. Dù ở đây, là tự truyện cay đắng của một trong những nhà văn vĩ đại nhất và cũng được coi là khó hiểu nhất của thế kỷ 20, mà những bức thư để lại (trong đó “Thư của bố” chiếm vị trí quan trọng nhất) được coi là một trong những chiếc chìa khóa giúp giải mã.

Bức thư dài 103 trang viết tay được viết trong khoảng hai tuần của tháng 11 năm 1919, khi dự định hôn nhân của anh con trai bị người bố phản đối quyết liệt.

Tuy nhiên khi viết, Kafka còn nhắm tới một mục đích lớn hơn, đó là: Nhìn lại toàn bộ mối quan hệ đau khổ giữa hai cha con (mà nói như lời người dịch là “cuộc đấu giữa kẻ cai trị và người bị trị”, chỉ vì một trong hai người là “niềm hy vọng lớn nhất của người kia”), với hy vọng kiếm tìm sự hòa giải. Dù rốt cuộc, nó đã không được gửi đi...

“Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản”

Tác giả: Akehashi Daiji. Người dịch: Thu Hằng – Minh Huệ. NXB Phụ Nữ.


Kỳ vọng quá lớn vào con hóa ra không là sai lầm của riêng ai. Trong một câu chuyện khác, dĩ nhiên là không chứa đựng nhiều uẩn ức như trong “Thư gửi bố”, “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” là lời trấn an cho những ai luôn thấy lo lắng cho tương lai của con mình ngay từ khi nó còn là một đứa trẻ, mà nhiều khi là “lo bò trắng răng”.

“Trẻ dễ nổi khùng thực ra thường rất nhạy cảm, biết quan tâm tới người khác hơn cả. Trẻ không nghe lời là trẻ có sẵn chính kiến riêng của mình. Trẻ có tác phong chậm chạp cũng có thể thuộc týp người tỉ mỉ, nhẫn nại. Trẻ nghịch ngợm là những đứa trẻ nhẫn nại. Trẻ hiền lành thường nhạy cảm, sâu sắc, hay quan tâm tới những thứ mà người khác không để ý…”.

Túm lại cũng là một cuốn sách “không nên” đọc, trừ khi bạn là… người Nhật Bản, hoặc có “quốc tịch” AQ.