Những dấu hiệu bất thường

Các điều tra viên của Lord John Stevens đang xem xét lại lời tố cáo những sợi dây đai an toàn trong chiếc Mercedes chở công nương Diana đã không hoạt động một cách bình thường do bị phá hoại khiến công nương Diana chết oan

0
Một luật gia thân cận với nhóm điều tra về cái chết của công nương Diana cho báo Daily Express biết: “Chiếc đai an toàn là một vấn đề then chốt. Chúng tôi đã tìm thấy một chiếc móc khóa bị hỏng. Có thể xác định rằng việc các móc khóa chiếc đai an toàn bị hỏng đã khiến bà Diana và Dodi không có cơ may sống sót”. Quên thắt đai an toàn? Đối với người châu Âu, lên xe hơi thắt đai an toàn ngay sau khi ngồi đã trở thành một phản xạ tự nhiên. Công nương Diana luôn luôn nhắc nhở hai con (hoàng tử Wiliams và Harry) thắt đai an toàn khi lên xe. Vì vậy không thể nói bà không có thói quen đó tuy rằng có một số lần báo chí cực lực phê bình bà quên thắt đai an toàn mỗi khi camera truyền hình ghi được hình ảnh đó. Chẳng hạn vào giữa thập kỷ 1990, khi bà ngồi trong chiếc xe chở bà đi dự lễ mà lại không thắt đai an toàn. Vì vậy bà đã ngã chúi mũi khi chiếc xe ủi nhẹ chiếc xe cảnh sát chạy phía trước. Chuyện bất cẩn này đã được các ống kính truyền hình chộp tại chỗ và phát lên sóng. Khi tai nạn xảy ra đêm 31-8-1997, chiếc đai an toàn của công nương Diana đã không phát huy tác dụng. Trường hợp của ông Dodi cũng vậy. Cho nên bà đã bị thương rất nặng. Dodi và tài xế chết ngay. Chỉ có Trevor Ree-Jones, vệ sĩ của Dodi, sống sót nhờ chiếc đai an toàn hoạt động tốt. Mohamed al Fayed, cha của Dodi, cáo buộc có ai đó đã phá hỏng mấy chiếc khóa đai an toàn nhằm triệt hạ con trai ông và công nương Diana. Ông Mohamed nghi ngờ tình báo Anh chủ mưu vụ phá hoại này. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ lời tố cáo của Mohamed bởi chiếc Mercedes màu đen chở công nương Diana từng bị ăn trộm trước đó nhiều tháng. Có thể mấy ổ khóa đã bị hỏng từ lúc đó. Ngoài ra, còn một thực tế khác, có những trường hợp khóa vẫn kêu “click” nhưng không ăn. Tóm lại, câu chuyện chiếc đai an toàn vẫn còn nhiều bí ẩn mà Lord Stevens phải giải mã. Chậm đáng ngờ Công nương Diana không chết ngay sau khi tai nạn xảy ra. Bà vẫn còn thở thoi thóp và nếu chở đến bệnh viện kịp thời sẽ có hy vọng được cứu sống. Nhưng bộ phận cấp cứu của phía Pháp đã làm việc chậm như rùa – theo nhận định của phía Anh Quốc. Hồ sơ của Sở Cảnh sát Pháp (dày khoảng 15 cm) ghi rõ 2 xe cấp cứu có bác sĩ có mặt tại hiện trường 5 phút sau khi xảy ra tai nạn. Việc đưa xác Diana ra khỏi xe và đặt lên xe cứu thương mất 52 phút. Sau đó, xe chạy dọc sông Seine có một xe mô tô cảnh sát dẫn đường. Xe chạy đến Bệnh viện La Pitié Saint - Salpêtrière lúc 1 giờ 5 phút ngày 1-9-1997. Sau 2 giờ cứu chữa, các bác sĩ tuyên bố công nương Diana qua đời lúc 4 giờ 5 phút.
Báo Daily Express nêu nghi vấn đai an toàn
Đối với nhiều người, thời gian chở bệnh nhân Diana từ cầu Alma đến bệnh viện (dài gần 6 km) mất 1 giờ 45 phút là không bình thường. Hơn nữa, trên đường đi có ít nhất 2 bệnh viện lớn tại sao không ghé vào? Người Pháp trả lời rằng xe cứu thương với đầy đủ thiết bị và bác sĩ chuyên khoa cấp cứu được xem là một bệnh viện nối dài cho nên việc chạy vừa phải là bắt buộc. Theo quan điểm của họ, chạy nhanh thắng gấp có thể giết chết bệnh nhân vì máu dồn lên đầu rồi dồn xuống chân đột ngột. Trên tuần báo Mỹ Newsweek, bác sĩ cấp cứu Frederic Mailliez thuộc tổ chức bác sĩ tư SOS Medecins – người có mặt tại hiện trường 3 phút sau khi xảy ra tai nạn – cho biết vì bị nội thương trầm trọng (nhất là động mạch phổi bị dập) “dù tai nạn xảy ra trước cửa phòng cấp cứu bà cũng không thoát chết”. Dù có lời giải thích của phía điều tra Pháp như trên, nhóm điều tra của Lord Stevens vẫn tiếp tục liên hệ với các đồng nghiệp ở Paris để tìm hiểu sự thật bởi ngoài chuyện cấp cứu có vẻ chậm chạp, người Anh còn muốn biết bà Diana đã nói gì trước khi trút hơi thở cuối cùng. Cánh nhà báo paparazzi nói bà Diana có bảo với nhân viên cấp cứu 2 câu: “Hãy để tôi yên” và “Trời ơi”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mailliere, không thể có chuyện đó bởi trong sự đau đớn tột cùng, bệnh nhân chỉ có thể rên rỉ vì đau đớn mà thôi. Hơn nữa, cả bác sĩ Mailliere lẫn các bác sĩ trong Bệnh viện La Pitié Saint- Salpêtrière đều xác nhận bà Diana bị hôn mê từ đầu đến cuối. Đứng còn không vững nói chi lái xe Một trong những điểm gây tranh cãi mà nhóm điều tra của Lord Stevens cần xử lý rốt ráo là vai trò của tài xế Paul trong vụ án. Đây là một điểm mấu chốt trong kết luận của cơ quan điều tra Pháp. Tập hồ sơ điều tra dày cộp (6.800 trang) có chữ ký của thẩm phán Hervé Stephan công bố năm 1999 cho biết nguyên nhân gây ra tai nạn chủ yếu là do tài xế Henri Paul, Trưởng Ban Bảo vệ khách sạn Ritz của nhà triệu phú Anh gốc Ai Cập Mohamed al Fayed, uống rượu say không làm chủ được tốc độ. Thế nhưng, Trevor Ree-Jones – vệ sĩ của Dodi al Fayed, người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn - lại quả quyết rằng Paul có uống rượu nhưng không đến nỗi mất tỉnh táo. Trong một buổi phỏng vấn của đài CNN trong chương trình Larry King Live, Ree-Jones kể lại: “Đêm hôm ấy, sau khi đưa Diana và Dodi vào phòng VIP ăn tối, tôi tranh thủ ăn bánh mì kẹp thịt, kế đó gặp Paul ngồi nói chuyện với nhau. Paul có uống thứ gì đó tôi không để ý. Không có dấu hiệu nào anh ta xỉn hay nói năng lộn xộn. Tôi không ngửi thấy mùi rượu”.

Hồ sơ của người Pháp nói trong máu Paul có đến 5 loại thuốc, trong đó có cả ma túy tổng hợp ecstasy. Về nồng độ cồn trong máu, cảnh sát nói đo được gấp 3 lần mức cho phép. Theo báo Daily Express, việc này không được rõ ràng lắm. Thứ nhất, với hàm lượng carbon monoxide và cồn trong máu cao như thế thì Paul sẽ không đứng vững chứ đừng nói chi lái xe. Và ai cho phép một tài xế vô trách nhiệm như thế lái xe chở những nhân vật quan trọng như công nương Diana?

Văn Anh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]