Những điều cần biết khi có “bầu trộm”

15.6004

Mang “bầu trộm” chỉ những bà mẹ sau sinh, trong giai đoạn cho con bú, chưa có kinh nguyệt lại và mang thai nhưng không biết cho đến khi thai lớn. Thậm chí, có những trường hợp bà mẹ mang thai đến tháng thứ 6, khi thai nhi cử động mới phát hiện mình có thai. Giữ hay bỏ thai?

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khám thai, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cung cấp những thông tin cần thiết giúp các bà mẹ lỡ có “bầu trộm” ứng phó với tình trạng của mình.


Dấu hiệu nhận biết

Những bà mẹ sau sinh ở giai đoạn cho con bú thường chưa có kinh lại hoặc chu kỳ kinh không đều nên khó biết mình đang mang thai. Khi các bà mẹ đang cho con bú thấy xuất hiện những triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, tiểu nhiều lần, buồn ngủ, trễ kinh (nếu đã có kinh lại)…có thể mua que thử thai tại nhà hoặc đến bác sĩ khám. Khi đã xác định có thai, các bà mẹ nên khám thai định kỳ để xác định tuổi thai, tình trạng thai và được tư vấn thêm về cách chăm sóc thai kỳ.

Cần lưu ý là động tác bú vú của bé có khi kích thích người mẹ giải phóng nội tiết tố gây co thắt tử cung. Nếu cảm thấy co thắt tử cung thường xuyên thì thai phụ cần đến bác sĩ khám.

Nên để hay bỏ thai nếu “bầu trộm”?

Hầu hết, những bà mẹ có ý định mang thai thường có sự chuẩn bị trước. Nhưng với những phụ nữ có “bầu trộm” thì không. Vì vậy, khi mang thai nếu bà mẹ có điều kiện ăn uống đầy đủ, có người chăm sóc bé để mẹ có thời gian nghỉ ngơi và có nhu cầu sinh thêm con thì người mẹ có thể dưỡng thai tiếp. Nên chuẩn bị tâm lý, sức khỏe và các điều kiện khác để đón nhận cháu bé tiếp theo ra đời.

Việc bỏ thai, đặc biệt những thai lớn hơn 10 tuần, cũng cần phải cân nhắc. Vì trong những tháng đầu sau sinh, tử cung còn mềm, cơ tử cung còn yếu nên khi thực hiện thủ thuật nạo hút thai dễ xảy ra tai biến cho mẹ như: thủng tử cung, băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng… và vô sinh sau này. Do vậy, các bà mẹ nên dùng biện pháp tránh thai để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc gia đình.

Khi mang thai, dù đang cho bé bú hay khi con đã lớn, các bà mẹ đừng quên khám thai định kỳ. Qua đó, bác sĩ cho làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá sức khỏe mẹ và con.

Những xét nghiệm cần làm khi phát hiện có thai

Khi khám, siêu âm và xác định có tim thai (thai được 7- 8 tuần), bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ làm các xét nghiệm:

– Huyết đồ, HBsAg, VDRL, HIV, đường huyết khi đói.

– Nhóm máu, Rhesus.

– Rubella: IgM, IgG.

– Nước tiểu: 10 thông số

Các xét nghiệm sàng lọc hội chứng Down:

Double test được thực hiện giai đoạn tuổi thai 11 – 13 tuần hoặc Triple test thực hiện giai đoạn tuổi thai 15 – 18 tuần (cũng có thể mở rộng ở những thai phụ phát hiện có thai ở tuần 14 – 21 tuần).

Xét nghiệm dung nạp đường thai kỳ: tuổi thai từ 24- 28 tuần và thực hiện trên những đối tượng có nguy cơ cao như béo phì, đã từng sinh con nặng cân (trên 4000g), đã có lần sinh thai lưu lớn không rõ nguyên nhân, mẹ hoặc chị em ruột bị đái tháo đường, thai kỳ này tăng cân nhanh.

Những thời điểm cần siêu âm:

Lần 1, khi biết có thai nhằm xác định tuổi thai, vị trí thai trong hay ngoài tử cung, tình trạng thai như thai trứng, đa thai, dọa sẩy, thai lưu…

– Siêu âm đo độ mờ da gáy khi tuổi thai 11 tuần – 13 tuần 6 ngày, kết hợp với Double test để tính nguy cơ trẻ bị hội chứng Down. Với tuổi thai này, siêu âm có thể phát hiện những dị tật nặng nề như thai vô sọ, thai cụt chi…

– Siêu âm hình thái thai nhi ở tuổi thai 20 – 24 tuần. Hiện nay, với những máy siêu âm độ ly giải cao có thể khảo sát hình thái ở tuổi thai 18 tuần.

– Siêu âm giai đoạn gần ngày sinh: ước lượng cân nặng thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, chỉ số nước ối, giúp xác định sự phát triển của thai nhi, tiên lượng cuộc sinh.

Ngoài ra, đừng quên tiêm ngừa VAT để phòng tránh uốn ván trẻ sơ sinh.

Dinh dưỡng cho thai kỳ

Người phụ nữ khi mang thai hoặc cho con bú có nhu cầu dinh dưỡng và nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.

Khi vừa mang thai vừa cho con bú thì người mẹ cần tăng cường về dinh dưỡng và cần thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu có điều kiện dinh dưỡng tốt và nghỉ ngơi đầy đủ, một phụ nữ vẫn có thể vừa mang thai vừa cho con bú. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, những bé được sinh ra từ các bà mẹ đang cho con bú vẫn có sức khỏe và cân nặng bình thường. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thai phụ hoàn toàn có thể tiếp tục cho đứa con lớn bú trong lúc mang thai. Vì cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục tiết sữa trong suốt thời gian có thai bé tiếp theo. Thậm chí, vẫn có thể cho bé lớn bú sau khi đã sinh bé tiếp theo.

Nếu trong giai đoạn này, người mẹ không tăng cường dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể sẽ thường xuyên mệt mỏi, nguồn sữa mẹ thiếu dưỡng chất và người mẹ cũng bị giảm lượng sữa cho bé bú. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở bé đang bú mẹ và cho cả thai nhi. Dân gian gọi sữa này là “sữa sống” chủ yếu để cảnh giác những bà mẹ cần quan tâm đến việc chăm sóc dinh dưỡng bé nhiều hơn, vì phần lớn các bà mẹ mang thai mệt mỏi nhiều hơn và lơ là trong việc chăm nom bé. Ngoài ra, “sữa sống” cũng gián tiếp nhắc nhở các bà mẹ nếu đang cho con bú thì nên dùng biện pháp tránh thai để giữ gìn sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Cần ăn đủ các chất: Đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu), tinh bột (cơm, xôi, bánh mì, bắp, khoai…), chất béo (ưu tiên dầu thực vật, phômai, sữa…), vitamin và chất khoáng (các loại rau xanh, củ, quả…). Nên chọn thực phẩm tươi và nấu chín trước khi ăn.

Cần bổ sung sắt, canxi và acifolic. Như viên sắt 30 – 60mg/ ngày uống lúc bụng đói, axit folic 400 mcg – 800 mcg/ ngày, canxi 1000mg – 1500mg/ ngày.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]