Những điều cần biết khi giải phẫu ngực

Nhu cầu nâng cấp, nhằm khắc phục những nhược điểm của vòng một ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, có nhiều thông tin trái chiều liên quan tới việc giải phẫu nâng sửa ngực nên bạn cần cẩn thận cân nhắc.

15.5977
Nâng ngực, sửa ngực... nhằm giúp phụ nữ đẹp, gợi cảm, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đây là một cuộc đại phẫu, chỉ cần một vài sơ sót nhỏ cũng có thể gây cho bạn những tai biến, hậu quả khó lường.
 
Vài lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật.
 

Nâng ngực, sửa ngực... nhằm giúp phụ nữ đẹp, gợi cảm, hấp dẫn hơn.

Xác định rõ nhu cầu

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ được các bác sỹ tư vấn thật kỹ lưỡng, mục đích để bạn có được một bộ ngực hoàn hảo nhất.

Kích thước của ngực phải cân đối với vóc dáng, chiều cao, cân nặng. Ngực quá to trên một cơ thể quá bé nhỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng của nhiều bộ phận khác như xương sống, sự vận động của tay, chân...

Giữ được vẻ đẹp tự nhiên, mềm mại, an toàn.

Không tác động xấu đến những dây thần kinh cảm giác, khu vẹc quy định độ nhạy cảm đặc biệt của vùng da này.

Do vậy, tùy số đo riêng của mỗi người, bạn có thể chọn kích thước phù hợp. Thông thường, kích thước các loại túi ngực chênh nhau từ 20 đến 25cc. Phụ nữ Việt Nam thường được gợi ý đặt các túi ngực từ 200 đến 350cc.

Không phải thời điểm nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật

Với những cuộc đại phẫu như phẫu thuật ngực, bạn cần chọn đúng thời điểm.

Không nên tiến hành phẫu thuật trong thời kỳ kinh nguyệt. Lúc này, cơ thể bạn đang yếu do mất một lượng máu không nhỏ. Bạn sẽ mệt mỏi, sức đề kháng kém dẫn tới việc vết thương lâu lành. Hơn nữa, nếu bạn vệ sinh cơ thể không cẩn thận trong kỳ kinh nguyệt có thể khiến khu vực phẫu thuật bị nhiễm trùng.

Bạn có thể thực hiện phẫu thuật nâng, sửa ngực khi đã qua tuổi trưởng thành (18 tuổi) vì ngực đã phát triển ổn định. Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh cũng dễ dàng tiến hành phẫu thuật này. Việc giải phẫu để ngực căng và đầy hơn là mục đích chính đáng. Tuy nhiên, nếu chưa có con, việc nâng sửa ngực có thể làm ảnh hưởng đến tuyến sữa và khả năng cho con bú. Bạn gái chọn kiểu phẫu thuật rạch xung quanh quầng vú phải chịu ảnh hưởng bất lợi này nhiều hơn cả.

Kiểm tra sức khỏe tổng quát
 
Bạn cần yêu cầu bác sỹ làm xét nghiệm tra tổng quát, xem bạn có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không. Đây là bước quan trọng để bạn có thể hạn chế những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân trong khi phẫu thuật. Những xét nghiệm cần thiết nhất thường là: siêu âm tuyến vú, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang tim phổi, điện tim.
 
Bạn cần yêu cầu bác sỹ làm xét nghiệm tra tổng quát, xem bạn có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không.

Người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, suy gan, thận, tinh thần bất ổn, đang có thai hoặc đã trải qua nhiều lần phẫu thuật bị chống chỉ định với các loại giải phẫu nói chung và ngực nói riêng (nghĩa là không được phẫu thuật!)

Chọn mặt gửi vàng

Phẫu thuật thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào trình độ chuyên môn và cái tâm của bác sỹ. Bạn có thể tham khảo bạn bè, báo chí, Internet... để tìm nơi thích hợp.

Chọn bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ:

Có giấy phép của Bộ Y tế, Sở Y tế cấp.

Có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, đảm bảo bạn được phẫu thuật trong điều kiện vô trùng, an toàn nhất.

Là bệnh viện chuyên khoa, được nhiều người biết đến, có những thành tựu cụ thể và chưa xảy ra biến cố gì ảnh hưởng đến sức hỏe người bệnh.

Bác sỹ của bạn phải:

Là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Có kinh nghiệm ít nhất 5 năm.

Trao đổi với bác sỹ để lựa chọn cách thức phẫu thuật phù hợp nhất

Bạn cần biết rõ về ưu điểm của từng loại túi độn ngực. Thông thường chúng có hai dạng: túi silicon và túi nước muối sinh lý.

Túi silicon là túi đã bơm silicon dạng lỏng và hàn kín trước khi cấy vào ngực, vì thế có kích thước cố định. Với túi nước muối, bác sỹ đưa một túi trống vào ngực bạn, sau đó bơm nước muối. Túi nước muối cho phép linh động tăng hoặc giảm lượng nước tùy ý, nhờ đó thay đổi kích thước ngực dễ dàng hơn. Nếu muốn thay túi silicon, bạn bắt buộc phải phẫu thuật lấy cả túi ra.

Khi bị rò rỉ, nước và muối, hai thành phần tự nhiên trong cơ thể, sẽ được cơ thể hấp thu. Silicon không phải là thành phần của cơ thể nên nếu rò rỉ sẽ gây dính và tổn hại các mô liên kết. Hiện chưa có kết luận nào cho thấy silicon gây bệnh ung thư.

Tuy túi silicon nguy hiểm, nhưng nhiều chị em vẫn thích túi này vì cho cảm giác giống bầu ngực tự nhiên hơn so với túi nước muối.

Hiện có ba vị trí rạch:

Xung quanh quầng vú: không dễ phát hiện sẹo nhưng ảnh hưởng đến cảm giác và việc cho con bú vì quá trình phẫu thuật sẽ chạm đến các tuyến sữa.

Hõm nách: Tránh được sẹo ở ngực nhưng dễ mất cảm giác ở đầu vú, dễ chảy máu và rất khó khi phải phẫu thuật lại.

Lằn dưới ngực: Đây là vị trí dễ phẫu thuật và phẫu thuật lại, khó nhận ra sẹo.

Chế độ ăn uống sau phẫu thuật

Ăn tất cả các loại thức ăn, trừ các loại có thể gây dị ứng cho cơ thể bạn.

Uống đều và nhiều nước giúp da nhanh lấy lại trạng thái ban đầu.

Ăn nhiều trái cây giàu vitamin A, C, E giúp cải thiện nhanh vết sẹo sau phẫu thuật. Nên áp dụng chế độ ăn uống bình, cân đối đừng để tăng cân dể giữ vóc dáng sau phẫu thuật.

Đừng lo sợ khi hỏi về những rủi ro, biến chứng

Làm đẹp là phải chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, nếu biết trước, bạn sẽ chủ động và xin ý kiến kịp thời của bác sỹ để hạn chế biến chứng một cách tối đa. Hãy làm theo đúng hướng dẫn và uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Các biến chứng có thể gặp:

Sốc thuốc tê, thuốc mê.

Chảy máu, sưng nề, đau đớn, máu tụ ở khu vực mổ do kỹ thuật của bác sỹ chưa cao.

Nhiễm trùng xung quanh túi độn.

Túi độn bị rò rỉ, cứng lớn vỏ ngoài, gây mất cảm giác ở vú, không thật sự tự nhiên.

Những vết nhăn, sẹo.

Tuân thủ cách chăm sóc ngực sau phẫu thuật theo hướng dẫn

Những ngày đầu tiên sau phẫu thuật, ngực sẽ rất đau nhức, bạn nên nghỉ ngơi, không vận động mạnh, tránh ảnh hưởng đến cơ ngực. Có thể uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ. Sau một tuần, bạn nên co duỗi tay nhẹ nhàng, không đưa cao hơn nách.

Khi tháo băng, nên mang áo lót thật vừa vặn hoặc hơi chật một chút để bảo vệ mô tuyến vú (cơ vùng thành ngực), tránh chảy xệ.

Sau từ 7 đến 10 ngày, bạn có thể massage nhẹ nhàng để giúp máu tuần hoàn tốt, ngực mềm mại, tự nhiên.

Khi vết thương lành hẳn, bạn phải tập thể dục để giúp ngực săn chắc. Chú ý tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ.

Một lần không phải vĩnh viễn

Thời gian đầu sau phẫu thuật, bạn nên khám hai tuần/lần để bác sỹ kiểm tra và phát hiện những bất ổn nếu có. Khi ngực đã hoàn toàn bình thường, bạn vẫn phải khám định kỳ sáu tháng/lần. Khi có vấn đề, bạn phải phẫu thuật để khắc phục. Dù chọn loại túi nào, sau một thời gian, túi chắc chắn sẽ rò rỉ, phải thay. Thời hạn thay túi không quá 10  năm.
 
Theo Phong cách
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]