Những điều cần biết về phương pháp “Mổ lấy thai”

Phương pháp mổ lấy thai là một phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành tử cung đang nguyên vẹn.

0
>
>
 
Các hình thức mổ lấy thai
 
Mổ lấy thai thường có hai hình thức cơ bản sau:

Mổ lấy thai chủ động: Ca mổ lấy thai đã được lên kế hoạch từ trước khi chuyển dạ khởi phát, vì lý do để mổ đã được làm rõ như: khung chậu của thai phụ quá hẹp khiến cho cuộc sanh nở trở nên khó khăn; huyết áp tăng vọt lên hoặc thai ngôi ngang ...

Mổ lấy thai cấp cứu: Đây là ca mổ lấy thai không được lên kế hoạch trước, mà được thực hiện khi những diễn biến trong lúc chuyển dạ không còn phù hợp với cuộc sanh nở theo ngã âm đạo nữa như: tim thai suy, chuyển dạ không tiến triển mặc dù đã sử dụng thuốc để giục sanh hoặc có thể do tình trạng của bản thân bạn trở nên xấu đi… Nếu bạn không được gây tê ngoài màng cứng trước thì thường cuộc mổ sẽ tiến hành sau khi gây mê toàn thân.
 
 
Khi nào cần phải mổ lấy thai

Ngày nay, mổ lấy thai được chỉ định trong những trường hợp mà cuộc sanh ngã âm đạo tỏ ra không an toàn cho mẹ hay thai nhi. Nhiều chỉ định rất rõ ràng nhưng cũng có những chỉ định chỉ là tương đối.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phải cân nhắc giữa mổ lấy thai và sanh ngã âm đạo để có được quyết định tối ưu nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và con.

Sau đây là các chỉ định mổ thông thường nhất:

 1. Bất xứng đầu chậu

 2. Phát khởi chuyển dạ thất bại

 3. Rối loạn cơn co tử cung không điều chỉnh được bằng thuốc.

 4.  Sanh khó do cổ tử cung

 5. Nhau tiền đạo trung tâm và phần lớn các trường hợp nhau tiền đạo bán trung tâm.

 6.  Nhau bong non.

 7.  Sa dây rốn

 8.  Ngôi bất thường

 9.  Suy thai trong chuyển dạ.

10.  Thai kém phát triển trong tử cung, mạng sống bào thai đang bị đe dọa.

11. Thai quá ngày có chống chỉ định phát khởi chuyển dạ.

12.  Vết mổ cũ trên tử cung: Vết mổ bóc nhân xơ tử cung lớn hay vết mổ trên thân tử cung vì những lý do khác như thủng tử cung trong khi nạo thai…

13.  Các chỉ định khác:

     - Herpès sinh dục đang tiến triển.

     - Chấm dứt thai kỳ sớm trên mẹ tiểu đường.

     - Dò bàng quang – âm đạo, trực tràng – âm đạo mới được phẫu thuật tạo hình.

 Những yếu tố làm cho chỉ định mổ của bác sĩ cần phải cân nhắc lại:

    Thai đã chết.

    Thai có dị tật quan trọng đã được xác định.

    Thai còn quá non tháng, khó có khả năng sống.

    Ngoài ra, có trường hợp chỉ định mổ lấy thai trên mẹ vừa mới chết.

Các tai biến của việc mổ lấy thai

 Về phía người  mẹ

 Tai biến gần: Tử suất của mẹ (tỷ lệ thay đổi tùy theo trình độ kỹ thuật, kinh tế xã hội của mỗi nước).

    - Chảy máu do chạm phải động mạch tử cung, đờ tử cung – tăng nhiều hơn khi gây tê, mê để mổ, do rách thêm đoạn dưới khi lấy thai.

    - Nhiễm trùng thường là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc, có thể dẫn đến cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu.

    - Tai biến phẫu thuật như phạm phải các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, khâu phải niệu quản, dò bàng quang – tử cung, dò bàng quang – âm đạo.

    - Các tai biến do gây mê – hồi sức.

 Tai biến xa:

   -  Sẹo mổ trên thân tử cung có thể nứt trong những kỳ thai sau.

    Lạc nội mạc tử cung.

    Dính ruột, tắc ruột.

 Về phía con

Thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê, bị chạm thương trong khi phẫu thuật, hít phải nước ối. Tiên lượng cho con cũng tùy thuộc vào kỹ thuật lấy thai trong những trường hợp ngôi bất thường.

Chăm sóc hậu phẫu mổ lấy thai (diễn tiến bình thường)

Chăm sóc sau khi mổ

Chế độ ăn: Ngày thứ 1: việc hồi sức bằng đường tĩnh mạch là cần thiết, không cần ăn uống gì. Tuy nhiên, sau mổ vài giờ (khoảng 6 giờ), nếu bạn đã tỉnh táo, không buồn nôn, không có triệu chứng rối loạn tiêu hoá, có thể được cho uống từ từ các loại nước ưa thích, uống vài ngụm nước để khỏi khô miệng, nên uống tăng từ 1 – 2 muỗng canh (15 – 30ml) sau từng 15 phút, nên uống nước đường nóng vừa dễ uống lại vừa cung cấp năng lượng.

Vận động: Bạn nên vận động sớm ngay cả khi còn nằm trên giường. Nếu bạn mổ gây tê tuỷ sống hoặc gây tê ngoài màng cứng thì không nên ngồi dậy sớm sau mổ 24 giờ.

Những lưu ý sau khi mổ:

 Sự tiết sữa: Cho dù còn đau sau mổ bạn nên cho con bú sớm, phản xạ bú của trẻ sẽ giúp kích thích tiết sữa.

 Cho con bú: Bạn nên cho con bú sữa mẹ nếu không có chống chỉ định của bác sĩ vì ngoài những ưu điểm của sữa mẹ so với sữa nhân tạo, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn có nhiều lợi ích khác cho cả mẹ lẫn con. Một trong những lợi ích đó là giúp tử cung co hồi tốt hơn trong thời kỳ hậu sản, có thể phòng thiếu máu.

Những điều nên tránh

  -  Bạn nên tránh làm việc nặng trong 3 tháng sau mổ, ít nhất là trong 6 tuần sau mổ.

  - Chỉ  sinh hoạt vợ chồng nếu thấy khoẻ, không còn ra huyết âm đạo.

  - Nếu bạn không triệt sản phải ngừa thai ít nhất là 2 năm.

  - Sản phụ đã mổ lấy thai có thể sanh một cách bình thường trong lần sau. Tuy nhiên, một sản phụ có một vết mổ cũ trên tử cung luôn được coi là một sản phụ có nguy cơ cao:

   - Vì sẽ có nguy cơ bị những tai biến trong lúc mang thai và chuyển dạ cao hơn một sản phụ không có vết mổ cũ.

  - Thêm nữa, các sản phụ đã có một vết mổ cũ trên tử cung có thể phải mổ lấy thai ở lần mang thai tiếp theo.

  - Nếu đã có hai lần mổ lấy thai thì không được mang thai nữa vì nguy cơ vỡ tử cung trong lần mang thai sau đó là rất cao.


 Theo Bác sĩ Diệu Dung
Webtretho
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]