Những điều cha mẹ nên làm khi con bị bạo lực học đường

Biết con mình bị bắt nạt ở trường cha mẹ nào cũng không khỏi xót xa. Tuy vậy, hãy suy nghĩ thấu đáo để có cách giải quyết đúng đắn và hợp lý trong trường hợp này nhé.

15.6018
Để nhận biết con có bị bắt nạt ở trường hay không, cha mẹ phải đặc biệt chú ý tới những biểu hiện của trẻ. Một trẻ bị bắt nạt ở trường học thường có xu hướng: Mệt mỏi, chán nản khi đi học về, giả vờ bị ốm, khóc lóc để không phải đến trường hoặc trở nên thu mình lại, miễn cưỡng trả lời câu hỏi của cha mẹ và người thân…

Nếu đã xác nhận được con bị bạo lực học đường, cha mẹ cần có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn việc này tiếp tục xảy ra.

1. Kiểm soát cảm xúc của bạn

Khi biết con mình bị bắt nạt ở trường, cha mẹ nào cũng sẽ rất bức xúc và mất bình tĩnh. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên vì bản năng của cha mẹ là thương con, lo lắng cho con và luôn muốn bảo vệ con. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo, cố gắng kiềm chế cảm xúc của bạn lại và suy xét cẩn thận để đưa ra những biện pháp thích hợp giúp đỡ con. 

2. Cố gắng nói chuyện với con

Hãy nói chuyện với con trên tinh thần động viên, tâm sự một cách nhẹ nhàng. Lúc này, con có thể đang trong trạng thái hoảng loạn, vì vậy bạn cần tỏ ra mình là một người bạn đáng tin cậy của con, sẵn sàng bảo vệ và ở bên cạnh con. Tránh la mắng con làm trẻ càng sợ hãi và thu mình lại hơn. Hãy từ từ gợi mở để con kể câu chuyện một cách cụ thể. Bạn càng nắm chi tiết về chuyện con bị bắt nạt như thế nào thì càng có hướng giải quyết tốt hơn.



3. Trao đổi với giáo viên

Bạn cũng có thể trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô để họ để ý tới con mình. Nếu trẻ bị bạn xấu bắt nạt ở trường, các giáo viên có thể can thiệp và giúp đỡ trẻ kịp thời. Bạn cũng có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt con mình để hai gia đình cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp. Đừng vội vàng nghĩ đến việc chuyển lớp, chuyển trường cho con vì như vậy cũng không phải là cách giải quyết cái gốc của vấn đề.

4. Dạy con tự vệ

Bạn có thể hướng dẫn con những kỹ năng sống đơn giản như hô to hay ra dấu hiệu kêu cứu cho người lớn ở gần khi gặp nguy hiểm. Chắc chắn khi nghe tiếng kêu cứu từ một học sinh thì những người xung quanh sẽ có sự cứu giúp kịp thời, giải thoát con bạn khỏi tình huống xấu. Bên cạnh đó, hãy nhắc nhở con nên đứng ở những nơi đông người.

Nên hạn chế đi vào góc khuất hoặc nhận lời “gặp riêng” vì như thế sẽ tạo điều kiện cho bạn xấu bắt nạt. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ tham gia các lớp học thể thao hay võ thuật để trang bị cho trẻ khả năng phòng vệ cơ bản, giúp trẻ bản lĩnh hơn. 

5. Khuyến khích con tự tin

Để tránh cho con bị bắt nạt, cha mẹ hãy giúp con mình tự tin hơn trong môi trường học tập tại trường lớp. Hãy khuyến khích con kết bạn với những bạn tốt trong lớp học để trẻ không cảm thấy bị cô độc. Hơn nữa, việc luôn đi cùng bạn bè sẽ giảm bớt cơ hội cho trẻ bị bạo lực học đường.  Đồng thời nên động viên, cổ vũ con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, luyện tập thói quen tự tin trước đám đông.

AloBacsi.vn
Theo aFamily
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]