Những điều chưa biết về 5 loại hủ tiếu trứ danh của Sài thành

Nếu đã đến Sài Gòn bạn không thể nào bỏ qua món hủ tiếu đặc sản. Nhưng bạn có từng thắc mắc với mỗi quán ăn khác nhau hủ tiếu lại mang những hương vị khác nhau?

15.5785

Những món hủ tiếu với thành phần khác nhau khi ăn cũng mang lại những hương vị khác nhau. Đó chính là bởi các món hủ tiếu mà bạn được ăn ở Sài Gòn đã được “biến hóa, pha trộn” từ nhiều vùng miền. Vậy cùng tìm hiểu nào!

Hủ tiếu Nam Vang

Hủ tiếu Nam Vang là loại hủ tiếu có nguồn gốc từ Phnompenh Campuchia với điểm đặc biệt là  cọng hủ tiếu dai hơn những loại hủ tiếu khác. Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập về Sài Gòn đã thay đổi khá nhiều khi một tô hủ tiếu bao gồm thập cẩm các loại gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút (cách ăn này có lẽ hơi giống các món mì, hủ tiếu thập cẩm của người Hoa), phần rau thì phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ.

Bạn có thể tìm đúng hương vị Nam Vang tại quán Ba Hoàng tại 48a Võ Văn Tần, phường 06, quận 3 mỗi tô ở đây có giá 35.000/tô.

Hủ tiếu cá

Hủ tiếu cá nghe thì rất lạ nhưng đã ăn là ghiền. Loại hủ tiếu này có nhân chính là cá lóc tươi ngon, cọng bánh phải gần gấp đôi cọng bánh phở, nước lèo của hủ tiếu cá thường mờ mờ đục đục nhưng vị rất thanh và ngọt. Hủ tiếu cá ở Sài Gòn thường có bán trong các tiệm mì Tàu. Tuy nhiên ngon nhất cũng như gây tranh cãi nhiều nhất có lẽ là hủ tiếu cá Nam Lợi trên đường Tôn Thất Đạm khúc gần với Hàm Nghi ở quận 01 (ngó sang bên kia là Chợ Cũ) - mở đã hơn 60 năm nay. Đây là tô hủ tiếu cá đắt nhất Sài Gòn (70.000đ/tô) nhưng phong thái phục vụ lại bị phàn nàn nhiều nhất.

Hủ tiếu sa tế

Hủ tiếu sa tế có lẽ khó tìm thấy hơn các món hủ tiếu khác, vì đây là một kỳ công của người Hoa ở đây sáng tạo ra chứ không thể tìm thấy món này ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tô hủ tiếu này có đến gần 20 gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang với nhân chính là thịt heo, lòng heo hoặc thịt bò… Mùi vị thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo mà có lẽ rất khó tìm thấy ở các món hủ tiếu khác. Khi món này được bưng ra, chắc chắn bạn sẽ bị cuốn hút bởi mùi thơm hòa quyện của sa tế cay cay và đậu phộng béo ngậy.

Hủ tiếu sa tế ở Sài Gòn đa phần tập trung ở quận 05, khu Dương Đình Nghệ - Hàn Hải Nguyên ở quận 11, đường Phạm Văn Chí ở quận 06 hay quận 08 (phía dưới chân cầu Chà Và).

Hủ tiếu bột lọc

Sở dĩ gọi là hủ tiếu bột lọc vì cọng hủ tiếu làm từ bột lọc. Cọng hủ tiếu to vừa phải, dai nhưng vẫn có độ mềm riêng, không giống miến và cũng chẳng giống bánh canh. Cái khó khi nấu hủ tiếu bột lọc là phải ngâm nước trong thời gian vừa đủ để cọng hủ tiếu nở ra vừa đủ. Vì nếu để lâu trong nước, cọng hủ tiếu sẽ bị nở hết. Khi trụng qua với nước sôi, cọng hủ tiếu trở nên bủn dễ gãy. Hủ tiếu bột lọc có nhân chính là cật heo. Cật được xắt to bản và khi ăn không còn lại chút mùi hôi đặc trưng nào của món này.  

Tô hủ tiếu bột lọc ăn kèm với cật ở quán 62 Trương Định (quận 01) sẽ là “nhất” cho món này.

Hủ tiếu hồ

Hủ tiếu hồ có cọng hủ tiếu rất đặt trưng đó chỉ là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông. Không như các món mì, hủ tiếu khác thường ăn chung với gà, cá, lòng heo.... hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Nồi nước phá lấu gồm các gia vị như ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc bắc. Còn phần thịt của heo bất cứ bộ phận nào cũng đều nấu phá lấu được, từ lưỡi, tai heo, ruột heo cho đến bao tử...Không phổ biến như hủ tiếu hay mì, hủ tiếu hồ chủ yếu thường xuất hiện chung với hủ tiếu sa tế trong các quán của người Tiều.

 Ở Sài Gòn món này có thể tìm thấy trong Chợ Lớn, quận 06, quận 08 hay quận 11... 

Theo Amthucsaigon

 

 

 

Từ khoá:           

TIN TÀI TRỢ

loading...

VIDEO ĐƯỢC QUAN TÂM NHIỀU

Có thể bạn chưa xem

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]