Những điều trông thấy ở Lễ hội chùa Hương

GiadinhNet - Hương Sơn được coi là địa danh hàng đầu miền Bắc về lịch sử - văn hoá tín ngưỡng, nhưng đến bến đò Thiên Trù, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là những "con cầy", "con nai", "con hoẵng"... bị thui vàng, móc ngược lên rao bán.

15.6009
>
 
Nếu đi bằng xe bus Giáp Bát - Chùa Hương (tuyến bus duy nhất từ Hà Nội đi chùa Hương) du khách còn được tận hưởng cảm giác mạnh: "Xuống xe mới biết mình an toàn".
 
Lễ hội “thịt thú rừng”?

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng, nhưng hàng loạt lều lán bán hàng nhếch nhác vẫn dựng tạm ở bến Thiên Trù. Các chủ lán cho biết, trước lễ hội họ đấu thầu để nhận chỗ và dựng lán, sau lễ hội họ lại dỡ đi. Ảnh: ĐK

 
Đã chèo đò đưa khách thăm quan từ hàng chục năm nay, với chị Thanh Hà, 50 tuổi, mùa lễ hội từ tháng Giêng đến tháng 3 (Âm lịch) hàng năm là mùa "làm ăn" chính. Chị Hà cho biết vào mùa lễ hội, trung bình mỗi ngày chị chở được 2 lượt đò, thu nhập cũng vào khoảng 200.000 đồng. Du khách đến chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vào mùa lễ hội chủ yếu là khách trong nước. Khách nước ngoài chỉ đi đông sau tháng 3, khi lễ hội đã kết thúc.
 

Một bãi rác lớn ngay sát sườn núi bên động Hương Tích. Ảnh: ĐK

 
Hơn chục năm chở đò, chị Hà có không ít khách quen. Thế nhưng thật bất ngờ khi hỏi về món đặc sản của chùa Hương để mua về làm quà, chị Hà lại giới thiệu một món không phù hợp chút nào với cửa Phật: "Thịt cầy. Thịt thú rừng".
 

Trên bến Thiên Trù, nhiều hàng quán công khai bày bán và chào mời khách mua "thịt rừng" . Ảnh: Trần Thị Hồng Quế


Dọc bến đò Thiên Trù - bến đò đón khách lên thăm chùa chính Hương Tích - người ta thấy treo bán đầy các loại thú được giới thiệu là: "Thú rừng". Loại thú được treo bán nhiều nhất là cầy đá và cầy ăn hoa quả. Giá khoảng 120.000 - 180.000 đồng/kg. Thứ đến là thịt hươu, thịt hoẵng, thịt nai giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng/kg. Đa phần các con thú đều đã thui vàng, có con để nguyên lông "để khách hàng tin là hươu, nai thật", một chủ cửa hàng nói. Mua được một cân thịt hươu với giá 180.000 đồng, anh Thành, 34 tuổi ở Đồng Hoá, Kim Bảng (Hà Nam), hồ hởi khoe: "Ở đây bán rẻ đấy, chứ mấy quán trên toàn đòi 200.000 đồng/kg không mặc cả".
 

Có lẽ với nhiều du khách trẩy hội thì những hành động bày bán và chào mời công khai như thế này khiến họ không khỏi tò mò và ngạc nhiên.

 
Anh Thành cho biết, chưa được ăn thịt hươu bao giờ, không ngờ đến đây lại có bán nên mua về ăn thử. Anh cũng không ngại chuyện đi chùa mà lại "sát sinh" (mua thịt thú), anh nói: "Tôi nghĩ cũng giống như mình ăn con gà, con vịt thôi". Không ít du khách cũng có cùng suy nghĩ như anh Thành, bằng chứng là những con thú treo lên chỉ vài giờ sau đã trơ bộ xương.

Các chủ cửa hàng ở đây đều quảng cáo nào là cầy hương, cầy đá, cầy vòi, thịt hươu, nai rừng thật. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, loại thú mà các cửa hàng bán chủ yếu là thỏ, chó, mèo, bê... được thui kỹ. Vì đa phần các con thú đều đã bị thui vàng nên rất khó nhận biết. Một chủ cửa hàng cũng thừa nhận: "Người ta mang đến đây bán thì chúng tôi mua lại chứ cũng không biết là có phải thú rừng thật hay không".
 

Để làm hài lòng khách, nhiều cửa hàng sẵn sàng xẻo thịt thú ngay trước mặt du khách để tăng tính “trung thực và khách quan”.

 
Còn theo những người dân bản địa, bây giờ săn được thú rừng ở Hương Sơn cực kỳ khó, mặt khác, cũng bị cấm nên không ai dám săn. Thi thoảng có thú rừng thật nhưng chỉ dành cho các bậc "đại gia" và giá của nó cũng không phải 100.000 - 200.000 đồng/kg mà là 700.000 đồng/kg.

Dù là thú rừng thật hay giả thì vẫn thật khó có thể chấp nhận được hình ảnh những con vật bị thui vàng, xẻ thịt... treo ngược giữa một lễ hội nổi tiếng về văn hoá - tín ngưỡng như lễ hội Chùa Hương.
 
Xe bus cũng “chặt chém”, “bán” khách

Hơn 20h30 tối 13/3, chiếc xe bus Giáp Bát - Hương Sơn, biển số 30H - 6235 dừng tại bến xe bus Hà Đông trả khách. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm "vậy là thoát". Đoạn đường quốc lộ 21B hẹp và tối, nhưng chiếc xe chở sinh mạng hàng chục con người này lạng lách, phóng như bay. Nhiều hành khách không kiềm chế nổi đã phải kêu lên: "Tài xế bị điên rồi hay sao".

Trước đó hành khách đã chịu cảnh ấm ức ngay khi xe còn đợi khách ở bến đỗ Chùa Hương. Dù xe đã chật cứng nhưng lái xe vẫn không cho xe chạy mà tiếp tục chờ khách, nhồi nhét thêm. Phụ xe liên tục giải thích với hành khách rằng, đây là chuyến xe bus cuối cùng trong ngày nên hành khách có bị len cứng trên lối đi giữa xe cũng "thông cảm". Nhưng đây không phải là điều bực mình duy nhất với hành khách trong chuyến xe bus cuối cùng này. Chờ tất cả hành khách yên vị trên xe, phụ xe thông báo: "Xe sẽ chỉ dừng ở Hà Đông chứ không về Giáp Bát. Tôi thông báo trước không sau này mọi người lại thắc mắc". Nhà xe giải thích vì xe phải quay về Chùa Hương nên sẽ chỉ dừng ở Hà Đông cho tiện. Mặt khác, nếu ai muốn về Giáp Bát thì đã có xe bus nội đô.

Khi xe bắt đầu chuyển bánh, phụ xe lại thông báo: "25.000 đồng/người", dù giá vé niêm yết chỉ 15.000 đồng. Nhóm 4 sinh viên ngồi cuối xe lập tức phản ứng: "Sao lại ép khách như xe dù thế?". Phụ xe giải thích: "Xe bus chính thức chỉ chạy đến 6h. Đây là chuyến bổ sung nên phải tăng giá. Xe đưa khách về Hà Nội sẽ phải đi xe không về Chùa Hương nên giá cao hơn". Đa phần du khách đã mệt mỏi sau một ngày thăm quan nên không ai còn muốn cự cãi nữa, dù bực mình cũng phải rút ví trả tiền.
 
Tuyến xe bus 215, Giáp Bát - Hương Sơn, thuộc Công ty Cổ phần Ô tô khách Hà Tây. Giá vé niêm yết ngay cửa xe cho hành trình Giáp Bát - Hương Sơn là 17.000 đồng/lượt/hành khách, Hà Đông - Hương Sơn là 15.000 đồng/lượt/hành khách. Tuy nhiên, ngay buổi sáng khi chúng tôi đi theo xe biển số 33M - 1625, tất cả hành khách đến chùa Hương đều bị thu vé 20.000 đồng/người. Điều đặc biệt là cả 2 xe này đều không xé vé, dù đều trưng biển: "Mua vé, giữ vé và xuất trình vé khi kiểm tra". Khi hỏi vé thì phụ xe thản nhiên trả lời: "Không có" và không giải thích gì thêm.

Theo phản ánh của một số du khách thì đây là tình trạng chung của các xe bus đi chùa Hương vào mùa lễ hội năm nay. Nhung Anh, sinh viên năm 3, khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương bức xúc: "Lúc đi tôi mất 20.000 đồng vé mà nhồi nhét kinh khủng, còn hơn cả xe khách về quê. Mọi người chen lấn nhau, có chị suýt ngất mà lái xe vẫn cố nhét người vào. Lúc về đến Tế Tiêu, bọn tôi còn bị xe 215 bán khách cho xe 211 nữa. Tôi không hiểu sao thành phố lại để cho tuyến xe bus như thế tồn tại, phục vụ cho lễ hội?". Được biết hiện nay tuyến xe bus 215 Giáp Bát - Hương Sơn là tuyến duy nhất phục vụ du khách đi Chùa Hương xuất phát từ Hà Nội.
 
Đắc Kiên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]