Những đứa trẻ bị sứt mẻ tâm hồn

15.5879
ANTĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vợ chồng anh Trần quyết định sẽ đưa cả cô con gái  9 tuổi lên thành phố nơi anh làm việc để chăm sóc, bởi anh không muốn con mình trở thành đứa trẻ trong “thế hệ những đứa trẻ bị bỏ rơi” như hàng triệu trẻ em khác ở Trung Quốc, nhất là khi cô bé vừa trải qua cú sốc nặng nề.

Hàng triệu trẻ em bị “bỏ rơi” vì bố mẹ chúng phải tìm kiếm cuộc sống mưu sinh nơi thành phố

Từ cuộc điện thoại cầu khẩn

Giống như hàng triệu công nhân lao động nhập cư khác, anh Trần và vợ để lại cô con gái duy nhất ở quê nhà nhờ bà ngoại chăm nom khi cả hai vợ chồng lên thành phố cảng Quảng Châu tìm kiếm việc làm thuê từ cách đây 3 năm.

Anh Trần luôn tin tưởng gửi gắm con gái cho bà ngoại chăm sóc và nghĩ rằng, mái nhà anh là nơi yên tĩnh và an toàn cho cô con gái  lớn lên cùng với bà ngoại. Nhưng niềm tin này đã tan vỡ sau khi anh nhận được cuộc điện thoại khẩn cầu bố mẹ giúp đỡ hồi cuối năm ngoái. “Con bé liên tục gọi điện thoại cho chúng tôi, năn nỉ bố mẹ hãy trở về nhà. Con bé nói nó thấy không khỏe, luôn buồn bã” - anh Trần kể lại khi ngồi trong ngôi nhà ở một thị trấn nhỏ tỉnh Hồ Nam. “Con bé nói bị thương, nhưng chúng tôi nhận thấy có điều gì không ổn”. 
Sau một hồi dỗ dành và khóc lóc, bé gái 9 tuổi cuối cùng cũng nói với bố mẹ về chuyện khủng khiếp đã xảy ra với mình: cô bé đã bị chính thầy giáo của mình hãm hiếp. Sau khi giở trò đồi bại với học sinh, gã thầy giáo đã cho cô bé 2 quyển vở mới. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, bé gái con anh Trần chỉ là một trong số 5 nạn nhân bé bỏng bị con quỷ đội lốt thầy giáo hãm hại - tất cả các cô bé này đều dưới 14 tuổi và cùng học một trường. “Chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng những chuyện như thế này lại xảy ra ngay tại trường học, nơi này mà còn không an toàn thì còn nơi nào có thể an toàn được cho những đứa trẻ như con gái tôi” - anh Trần bất bình. 

Mục tiêu dễ bị tấn công

Trường hợp của con gái anh Trần đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của khoảng 61  triệu trẻ em bị “bỏ rơi” ở Trung Quốc, những đứa trẻ lớn lên mà không có cha, mẹ hay cả cha mẹ không ở bên chăm sóc nuôi dưỡng.

Số liệu cũng cho thấy, có khoảng 30 triệu trẻ em Trung Quốc dưới 18 tuổi không được sống cùng một nhà với bố mẹ và 2 triệu trẻ phải tự lo liệu cho bản thân, không có sự giám hộ của người lớn. Đó là hệ quả tất yếu của một cuộc di cư được mô tả là “vĩ đại nhất mọi thời đại” – khoảng 250 triệu người đã rời khỏi các khu vực nông thôn nghèo của Trung Quốc tới các khu vực thành phố để kiếm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp… Những gia đình này, bố mẹ và con cái hầu hết chỉ được sum họp vào dịp Tết Nguyên đán. 
Diệp Tĩnh Trung, tác giả của cuốn sách “Một thời thơ ấu khác: Trẻ em bị bỏ rơi ở vùng nông thôn Trung Quốc”, nói rằng, những đứa trẻ như con gái anh Trần là những mục tiêu dễ bị tấn công, lạm dụng tình dục. Theo vị chuyên gia, những đứa trẻ này thiếu sự chăm sóc và giám sát của cha mẹ, chúng thường được giao phó cho những người thân khác như ông bà đã già hay những người họ hàng không sát sao trong việc chăm sóc và quản lý các em. “Giá trị vật chất đang thẩm thấu vào các vùng nông thôn và những đứa trẻ không có cha mẹ ở bên để bảo ban cho chúng những điều đúng sai, chúng dễ bị kẻ xấu dụ dỗ lợi dụng bằng những món quà đơn giản từ chiếc kẹo hay những chiếc điện thoại di động”. 

Theo Tân Hoa xã, những vụ tấn công tình dục nhằm vào những bé gái bị “bỏ rơi” ở các vùng quê chiếm phần lớn trong số các vụ lạm dụng tình dục được báo cáo. Ở một số nơi, chẳng hạn như ở Huazhou thuộc tỉnh Quảng Đông, 94% trường hợp bị lạm dụng tình dục liên quan tới những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy. 

Những giọt nước mắt trong im lặng

Thế hệ trẻ em Trung Quốc bị “bỏ rơi” không chỉ dễ bị tấn công, quấy rối tình dục mà sự chia cắt tình cảm gia đình trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến tình cảm, cảm xúc cá nhân của các em và cả các bậc cha mẹ. “Cháu muốn bố mẹ về nhà vào dịp Tết. Nhưng cháu có cảm giác như có một bức tường ngăn cách trong gia đình cháu” - cô bé Tiểu Lệ, 12 tuổi nói. Một báo cáo về tình trạng những đứa trẻ bị “bỏ rơi” do Trung tâm Quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội Trung Quốc cho thấy, 82% trong số 877 ông bố, bà mẹ di cư được khảo sát tự thấy mình là không xứng đáng. Chị Anh, 33 tuổi, đã để lại hai đứa con quê nhà để lên thành phố làm việc nói rằng, con trai chị không muốn nhận các cuộc điện thoại của mẹ. “Lý do mà cháu không thích chúng tôi là vì cháu cho rằng chúng tôi không chăm sóc con cái, vì cháu không được chăm sóc cẩn thận” - chị Anh nói. 

 “Khi có 61 triệu trẻ em không được sống cùng cha mẹ, nó sẽ là một tổn thương lớn cho xã hội. Thật khó có thể nói về hậu quả trực tiếp của những đứa trẻ bị “bỏ rơi” này khi chúng đến tuổi trưởng thành, nhưng tôi e rằng nó sẽ không thể hướng tới một xã hội hài hòa” - ông Sanna Hohnson, Giám đốc điều Trung tâm Quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội có trụ sở tại Bắc Kinh nói.

Khi trở về nhà, anh Trần cố gắng tạo dựng lại mối quan hệ với con gái mình. Anh nói rằng, cô bé thường xuyên co mình lại, trốn tránh người lạ và hay khóc thầm. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, anh Trần có kế hoạch đưa con gái đến Quảng Châu nơi anh làm việc và người mẹ sẽ nghỉ việc để chăm sóc con gái. Anh Trần cũng từ chối nhận 10.000 nhân dân tệ (1.650 USD) tiền bồi thường từ phía nhà trường. Anh tức giận vì nhà chức trách địa phương đã không có lời xin lỗi và anh cũng nói rằng muốn kẻ hãm hiếp con gái mình phải bị trừng phạt. Thông thường, những vụ việc như thế này, các gia đình nạn nhân thường không muốn “làm tới cùng” vì sợ tai tiếng, nhưng anh Trần cho biết, anh sẽ đấu tranh để “những đứa trẻ khác không phải trải qua những gì khủng khiếp như con gái tôi phải chịu”. 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]