Những gì không nên nói với con trẻ

0

Bạn thường la mắng, dọa dẫm con với mục đích muốn chúng phải nghe lời bạn. Thế nhưng có những điều mà nhà tâm lý học trẻ em Amir Tagiev (Nga) khuyên bạn không nên nói.

Người lớn và trẻ em nói chuyện với nhau không phải là bằng những ngôn ngữ khác nhau mà là bằng sự hiểu biết khác nhau. Đôi khi lời lẽ của chúng ta được hiểu không chính xác và thậm chí hoàn toàn sai lệch. Vì thế có những điều mà cha mẹ không nên nói với trẻ.

Nếu con cứ ngoáy mũi mãi thế, con sẽ rụng ngón tay đấy!

Những gì chúng ta nói :

Bạn gái tôi không thể dạy con thói quen rửa tay chân sau khi chơi. Một lần, cô ấy quyết định “dọa cho nó sợ”: “Nếu con không rửa tay, những con vi trùng sẽ rơi vào bụng của con đấy” Con của cô bèn hỏi: “Con vi trùng là gì ạ?”. Không muốn giải thích dài dòng vì nghĩ rằng con không hiểu, cô ấy nói: “Là con giun ấy”. Nửa đêm, con bé đang ngủ bỗng ngồi dậy khóc thét lên: “Mẹ ơi, con nghe thấy những con giun đang cắn trong bụng của con”

Trẻ em nghĩ gì ?

Rõ ràng là người mẹ chỉ muốn những điều tốt, muốn con mình sạch sẽ và khỏe mạnh. Cô ấy nghĩ chẳng có gì đáng sợ trong những từ “vi trùng “ và “sâu”. Còn con trẻ , chúng có trí tưởng tượng, và trí tưởng tượng ấy lập tức gắn những con vi trùng ấy với màu sắc cụ thể, hình ảnh cụ thể như răng nanh và móng vuốt. Thậm chí những con vật khủng khiếp ấy còn cắn bé!

Lời khuyên:

Đối với trẻ em, thế giới còn là những câu chuyện cổ tích và những hình ảnh ẩn dụ. Sự tách bạch giữa thế giới thật và trí tưởng tượng còn chưa có. Vì thế điều quan trọng là bạn đừng nên  dọa con mà cần phải cung cấp cho con những thông tin chính xác. Khi chúng ta dọa con (“Đừng có ngoáy mũi đấy, ngón tay sẽ rụng mất !” hoặc “Nếu con không ăn, con sẽ quắt queo và bệnh hoạn”), chúng ta có thể làm cho con sợ, nhưng nỗi sợ hãi ấy lại làm gia tăng sự đối đầu của con với thế giới. Trẻ con khi nghe lời đe dọa về những con vi trùng biết cắn sẽ sợ hãi và có khi nó sẽ không muốn rửa tay chỉ vì sợ nghĩ tới những câu chuyện kinh khủng kia!

Chúng ta có thể kể về vi trùng, xe cộ, những con chó hung dữ… không phải để làm trẻ sợ mà để trẻ hiểu rõ các nguy hiểm và biết cách bảo vệ bản thân.

Có thể kể cho trẻ nghe về vi trùng, nhưng không phải là khi trẻ không rửa tay mà vào thời gian khác. Thí dụ như khi nói cho trẻ nghe về những hình thành cấu trúc cơ thể con người, về pháo đài – hệ miễn dịch trong cơ thể con người. Bạn có thể nói một cách hình ảnh: Có những vệ sĩ canh gác cho tòa lâu đài ấy – họ đứng trên các tháp cao và luôn quan sát đề phòng những con vi trùng. Khi đó trẻ sẽ hỏi: Vi trùng là gì? Lúc đó bạn hãy nói rằng vi trùng có trong bụi, đồ dơ và nếu chúng ta ăn uống mà không rửa tay, những con vi trùng đó sẽ rơi vào bụng ta. Và vì thế, để giúp đỡ cho những người lính bảo vệ trong cơ thể, chúng ta hãy rửa tay sau khi đi chơi về. Như thế trẻ sẽ hiểu rằng bên trong cơ thể có những người bảo vệ và trẻ không bị sợ hãi nữa, chúng sẽ rửa tay!

Nếu trẻ luôn luôn sợ hãi, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hệ thống thần kinh của trẻ.

Mẹ sẽ không yêu con nữa!

Những gì chúng ta nói :

“ Con vầy đất cát dơ dáy không kìa. Ai có thể thương một đứa trẻ bẩn thỉu như thế cơ chứ?” “Ôi, mẹ sẽ không đụng vào con đâu, mẹ sinh ra con làm gì cơ chứ!” “Nếu con không nghe lời, ba mẹ sẽ không yêu con nữa đâu” “Nếu con còn như thế nữa, mẹ sẽ không nói chuyện với con nữa”.

Trẻ em nghĩ gì ?

Đối với con trẻ,  tình yêu của cha mẹ mà điều mà nó luôn lo lắng và mong chờ. Chúng luôn muốn chứng tỏ rằng chúng xứng đáng với tình yêu đó. Thậm chí ngay cả khi chúng cư xử một cách kinh khủng cũng là do chúng muốn lôi cuốn sự chú ý của cha mẹ. Chúng mong muốn sự quan tâm, tình yêu của chúng ta. Câu: “Mẹ sẽ không yêu con nữa”, “ Mẹ sẽ bỏ con mà đi” hay vẻ lạnh lùng của mẹ không nói chuyện với con đối với trẻ sẽ là điều hết sức kinh khủng!

Khi bạn nói với con trẻ điều đó, thế giới trong mắt chúng gần như sụp đổ. Mối quan hệ với mẹ – đó là chiếc cầu nối chúng với cuộc sống xung quanh. Mất chiếc cầu ấy, với trẻ sẽ là một vực sâu mà chúng không biết bám víu vào đâu. Ngoài ra khi nói “Mẹ sẽ không yêu con nữa”, bạn sẽ không làm cho trẻ nghe lời. Nó sẽ không làm bất cứ điều gì mà bạn yêu cầu với cách dọa dẫm đó!

Lời khuyên:

Không nên nói với con: “Nếu con không ăn cháo, mẹ không yêu con nữa”, bởi vì khi bạn đánh đổi tình yêu của mình bằng cái giá như thế, bạn sẽ làm nó trở nên vô giá trị. “Hóa ra tình yêu chỉ đáng giá thế thôi sao? Nếu mình không ăn cháo thì mẹ hết yêu mình, vậy là nó chỉ đáng bằng bát cháo?”.

Con trẻ cần hiểu rằng mẹ sẽ yêu nó chỉ vì nó là nó, chứ khống là bất kỳ điều gì khác. Luôn luôn yêu nó. Và như thế trẻ sẽ yên tâm, dễ chịu, bạn có thề thỏa thuận những việc khác mà không làm trẻ mất lòng tin vào mình.

Con thật là hậu đậu

Những gì chúng ta nói :

Bà của bé Nam khi đọc sách cho bé Nam nghe thường thay tên của những nhân vật xấu, không nghe lời, quậy phá bằng tên của bé Nam, thí dụ Nam hậu đậu, Nam ở dơ…
Nhiều bậc phụ huynh cũng làm vậy với con mình khi so sánh con với các nhân vật trong sách: “Con thật là hậu đậu như Nobita vậy”,  “Con chẳng bao giờ biết tự mặc quần áo, giống như …”. Cha mẹ thường làm thế khi không biết giải thích cho trẻ biết mình mong trẻ làm điều gì và không làm điều gì.

Trẻ nghĩ gì ?

Với tất cả mọi lời chê trách gián tiếp ấy, trẻ chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: “Mình là đứa chẳng ra gì” và như thế là bạn đã không cho trẻ một cơ hội để thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn. Và như thế thì hà cớ gì trẻ phải sạch sẽ hơn hay khéo léo hơn? Bản chất của nó đã là như thế rồi mà.

Lời khuyên :

Bạn có thể so sánh con với những nhân vật hậu đậu, dơ dáy hay lười nhác, nếu về cuối cuốn sách, đứa trẻ đó thay  đổi, trở nên tốt đẹp hơn. Và như thế thì bạn hãy hướng sự chú ý của trẻ tới những kết thúc tốt đẹp ấy: “Con xem kìa, cậu bé đã rửa tay sạch sẽ, con cũng vậy, chỉ cần giữ sạch là mọi chuyện đều tốt”. Các chuyện cổ tích và sách vở có một sức thuyết phục lớn đối với trẻ em, vì thế, bạn hãy lựa chọn cẩn thận khi mua sách cho con mình.

Để giúp con trẻ thay đổi, đừng lập tức kết tội nó, hãy giải thích thật cặn kẽ rằng nó đã làm gì sai trái. Và nếu nó chỉnh sửa được bản thân mình, bạn hãy khen ngợi nó để nó hiểu được rằng nó có thể tự hào về chính bản thân mình. Làm sao để bé hiểu rằng nó có thể làm được mọi việc, và bạn sẽ giúp nó.

Mẹ con là đồ vô tích sự, còn bố là một kẻ chẳng ra gì

Những gì chúng ta nói :

Khi tôi còn nhỏ xíu, bà nội tôi thường nói rằng mẹ tôi là loại người vô tích sự. Lúc ấy tôi không hiểu được mối quan hệ trong nhà, nhưng tôi cảm thấy tức giận đến phát khóc vì một ai đó nói xấu mẹ. Với tôi, mẹ là bà tiên ! Vợ thường giận chồng và ngay cả khi có mặt con trẻ, họ cũng không thể thôi nghiến răng và nói những điều tệ hại. Những chuyện như thế thường không hiếm xảy ra.

Con trẻ nghĩ gì ?

Trẻ con thường cho rằng mình là một phần của cha mẹ và vì thế những lời nói xấu về cha mẹ khiến trẻ dễ nghĩ rằng điều đó phần nào nhằm vào chính mình. Bố là kẻ tồi tệ ư? Vậy thì mình cũng tồi tệ. Mẹ hay chửi mắng ư? Đó là do mình làm gì đó không đúng…

Lời khuyên:

Rất rõ ràng một điều rằng bạn nên kìm chế những lời nói của mình. Nếu bạn có lỡ làm như thế và con trẻ nghe thấy những lời phàn nàn của bạn thì bạn hãy bình tĩnh lại và thừa nhận với trẻ: “Con biết không, chúng ta đều là những người dễ xúc động. Tất nhiên, bố là người tốt, nhưng thỉnh thoảng ba mẹ cũng có chuyện cáu kỉnh nhau. Mẹ rất yêu bố con, nhưng có những điều bố làm mẹ rất bực mình nên mẹ mới cáu lên thế”.

Nếu con không dọn dẹp đồ chơi – mẹ sẽ không mua kẹo cho con!

Những gì chúng ta nói:

Chúng ta thường ra điều kiện cho con: “Không ăn hết chén cơm thì không mua kẹo”, “Không làm bài tập – không đi chơi”, “Không nghe lời – không mua đồ chơi”.

Lời khuyên:

Nếu bạn ra điều kiện thì bạn hãy sẵn sàng với việc nhận điều kiện ngược lại. Trẻ thường bắt chước cha mẹ. Hôm nay bạn nói không mua đồ chơi nếu con không nghe lời, ngày mai bạn  sẽ nhận được: “Nếu không mua điện thoại cho con, con sẽ không đi học”

Sao chân con cong queo thế kia?

Những gì chúng ta nói:

Cô bạn gái của tôi thời ấu thơ rất buồn rầu vì đôi chân xấu xí của mình. Thực ra chân cô ấy bình thường như mọi đôi chân khác, nó chỉ có không dài như chân người mẫu mà thôi. Một lần, cô bé than thở với mẹ về nỗi buồn của mình. Mẹ xem xét chân cô bé và nói: “Đúng rồi, chân con chỉ đáng cho 6 điểm”.

Lời khuyên:

Hãy hết sức cẩn thận khi nhận xét, phê bình vẻ ngoài của trẻ. Những lời chê bai của cha mẹ (đặc biệt là mẹ với con gái) thường làm tổn thương trái tim trẻ ngang bằng với sự tự tin mà chúng có được khi được khen. Nếu bạn muốn con mình vững bước vào cuộc đời, hãy khen trẻ, giúp cho chúng tự tin vào chính mình hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]