Những giải pháp vượt khó

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) tại TP.Hồ Chí Minh đã tìm ra nhiều giải pháp để tồn tại và phát triển.

15.5976

CôngThương - Ông Cao Văn Ninh - Giám đốc Công ty TNHH Ninh Nam (Nguyễn Chí Thanh, quận 5) than thở: Với lãi suất tiền gửi ngân hàng 18% - 20%/năm, nếu có vốn gửi ngân hàng còn lãi hơn kinh doanh. Điều này không phải là không có cơ sở khi đa số DN đóng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đều cần vốn vay từ ngân hàng. Nhưng lãi suất ngân hàng tăng đến 24% - 26%/năm, nhiều DN thật sự không dám nghĩ đến chuyện vay vốn vì lợi nhuận thu được từ sản xuất không đủ trả lãi ngân hàng.

Để thoát khỏi “gọng kìm” của lãi suất, nhiều DN đã tìm cách thu hẹp sản xuất để giảm lỗ; huy động vốn trong công ty thay vì đi vay ngân hàng… Đơn cử như Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn đã phát hành trái phiếu cho cán bộ, công nhân viên thu được gần 20 tỷ đồng, số tiền này được đầu tư vào quy trình sản xuất. Tổng công ty còn cắt giảm tiến độ một số dự án trị giá khoảng 300 tỷ đồng để tập trung vốn đầu tư vào một số công trình trọng điểm.

Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đã tạm ngưng 3 dự án đã dự tính mở rộng đầu tư, tập trung sản xuất những ngành nghề cốt lõi, dồn vốn đầu tư máy móc để có sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Công ty Cholimex cũng thực hiện giảm tiến độ một số dự án với trị giá khoảng 500 tỷ đồng để chuyển vốn sang đẩy mạnh dứt điểm một số dự án trọng điểm. Tổng công ty Bến Thành vay vốn trực tiếp từ cán bộ, công nhân viên với lãi suất 16%/năm để duy trì họat động kinh doanh…

Theo tính toán của một số DN nhỏ và vừa, với lãi vay của ngân hàng hiện nay trung bình khoảng 23%-25%/năm, nếu DN đạt lợi nhuận trên 30% thì mới hòa vốn hoặc lãi chút ít, nhưng để có mức lợi nhuận trên vào thời điểm hiện tại là điều không tưởng. Do lãi vay ngân hàng quá cao, DN tư nhân May mặc Cúc Phương, phường Tân Thành, quận Tân Phú đã tạm nghỉ các đơn hàng quần áo trẻ em cung cấp cho chợ đầu mối An Đông để tập trung cho các đơn hàng may gia công cho bạn hàng Đài Loan vì có mức lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Hoàng Anh Minh (quận 6), chuyên sản xuất đồ nhựa gia dụng cung cấp cho thị trường miền Tây Nam bộ, trước đây doanh nghiệp của ông sản xuất 14 mặt hàng, nay chỉ sản xuất 8 mặt hàng bán chạy. Để giảm thiểu khó khăn về vốn cho sản xuất của các DN nhỏ và vừa, ông Bình mong muốn, thông qua các hiệp hội ngành hàng, Nhà nước cung cấp thêm vốn cho DN với mức lãi suất vừa phải từ ngân sách hoặc giảm nợ cho DN để duy trì sản xuất.

Một số DN không tuyển nhân viên mới, thậm chí giảm số lượng công nhân. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều DN tăng lương cho công nhân như một sự chia sẻ với người lao động trong lúc khó khăn. Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã vận động được 61.253 chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng. Nhiều DN có số lượng trên 50 công nhân đã chủ động tăng tiền lương cho mỗi công nhân từ 100.000 - 250.000 đồng/tháng, hỗ trợ trượt giá từ 100.000 - 500.000 đồng/tháng, tăng chất lượng bữa ăn từ 3.000 - 5.000 đồng, hỗ trợ tiền nhà trọ từ 100.000 - 300.000 đồng/tháng.

 Trong lễ sơ kết 3 tháng thực hiện Nghị quyết 11 tổ chức ngày 17/5 vừa qua, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, những khó khăn về vốn, nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm, nhân lực chính đáng của DN hiện nay sẽ được chính quyền thành phố chung tay giải quyết. Ông Quân cũng đánh giá cao những giải pháp chống lạm phát, tìm nguồn vốn để DN hoạt động, giữ chân công nhân và chăm lo đời sống cho người lao động của các DN. Tuy nhiên, để kinh tế thành phố vượt qua khó khăn và tăng trưởng, theo ông, các DN cần tính toán kỹ cách thức đầu tư, bố trí lại quy trình sản xuất, chọn kênh đầu tư mới để mang lại hiệu quả cao.

Thế Vĩnh

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]