Những khoảng trống trong nghệ thuật

Một chương trình ca nhạc dài 2 - 3 giờ đồng hồ, ngoài vài ca sĩ "đinh", không thể thiếu những ca sĩ "cỏ" chuyên hát lót, hát thế để lấp đầy tiết mục trên sân khấu.

15.6037

Một chương trình ca nhạc dài 2 - 3 giờ đồng hồ, ngoài vài ca sĩ "đinh", không thể thiếu những ca sĩ "cỏ" chuyên hát lót, hát thế để lấp đầy tiết mục trên sân khấu. Một gameshow, talkshow truyền hình thành công, ngoài người chơi, khách mời, không thể không cần đến những khán giả nhiệt tình ngồi kín trường quay. Trong làng giải trí Việt, từ lâu đã hình thành một "đội ngũ" những người chuyên đi lấp chỗ trống như thế.

Nỗi niềm thân phận “bất đắc dĩ”

Trong khi các ca sĩ ngôi sao luôn được quyền đến muộn và không biết thế nào là chờ đợi, đã thế lại còn được quyền cắt ngang phần biểu diễn của người khác để hát cho nhanh còn kịp chạy "sô" thì ca sĩ hát lót thường đến sớm nhất, kiên nhẫn chờ đợi và răm rắp tuân theo chỉ đạo của bầu show. Họ, với giọng hát "thường thường bậc trung" lại không có tiền để theo đuổi những chiến dịch lăng-xê, đành chấp nhận vai trò của người lấp khoảng trống mà các nghệ sĩ tên tuổi để lại trong đêm diễn. Các tiết mục của họ hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào chương trình ấy còn bao nhiêu thời gian trống phải lấp đầy. Nhiều khi chầu trực cả buổi mà không có cơ hội bước lên sân khấu. Cũng có khi phải hát liền tù tì một lúc 3 - 4 bài dù biết mình không phải là người mà hàng nghìn khán giả bên dưới đón đợi. Đau xót hơn, những bài "hát thêm", "hát lót" của họ thường được trả công rất bèo bọt, đôi khi còn bị bớt xén.

Không ít người được trả tiền để là fan hâm mộ (ảnh có tính chất minh họa).

Nếu ca sĩ dự bị là những người lấp khoảng trống về thời gian cho các show ca nhạc thì "chuyên gia vỗ tay" lại là những người lấp khoảng trống về không gian cho các show truyền hình. Những khán giả này được trả tiền để ngồi kín trường quay, để vỗ tay cổ vũ. Tùy theo yêu cầu của mỗi chương trình mà đó có thể là sinh viên hay các cụ về hưu, người thất nghiệp...

Thông thường, một chương trình có thời lượng phát sóng chưa đầy 45 phút nhưng việc thu hình ở trường quay phải kéo dài đến 2 - 3 giờ đồng hồ. Đổi lại, họ được trả công 30 - 50 ngàn, sộp hơn có khi đến cả trăm ngàn đồng. Mỹ Trâm (Đại học Kinh tế) - một người có thâm niên với công việc này kể: "Nhiều hôm không suôn sẻ, chỉ màn vỗ tay dạo đầu cũng phải làm đi làm lại cả chục lần. Có chương trình buộc phải ghi hình cuốn chiếu, một ngày quay liền tù tì 3 - 4 số, thanh niên như em, chỉ mỗi việc ngồi vỗ tay và cười mà cũng thấy mệt lử, phải rình lúc máy quay chuyển qua góc khác để tranh thủ ngủ gật".

Không ít khán giả "bất đắc dĩ" tâm sự, họ cảm thấy có cái gì đó giả tạo, ngượng ngùng khi cứ phải máy móc hành động theo kịch bản. Nhiều người chơi, nhiều nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu chẳng ra sao cũng phải vỗ tay, tung hô. Có chương trình rất nhạt nhẽo vẫn phải tỏ ra chăm chú theo dõi, thích thú lắm...

Và những khoảng trống không thể lấp

Việc thiếu thì bổ sung, trống thì lấp thêm chẳng có gì đáng chê trách. Nhưng điều đáng nói là không ít khán giả thấy bị xúc phạm khi bỏ số tiền không nhỏ ra mua vé tưởng sẽ được xem một chương trình toàn sao nhưng cuối cùng chỉ thấy sự góp mặt qua quýt, vội vàng của một vài ca sĩ tên tuổi, còn lại là những gương mặt vô danh. Đó là vì ông bầu hám lợi, kinh doanh nghệ thuật theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Một ca sĩ sinh viên kể, khi diễn ở Thái Bình, anh có tên là Vân Quang Long, đến Hải Dương anh thành Nguyễn Hoàng Bách, ở Nam Định, anh là Cao Thái San. Nhiệm vụ của anh là bắt chước các ngôi sao, từ bài hát, trang phục đến phong cách biểu diễn, càng giống càng tốt. Vì miếng cơm manh áo, anh đành chấp nhận để bầu show trưng dụng làm... sao giả! Thử hỏi, khoảng trống ngậm ngùi trong lòng khán giả sau những "quả lừa" như thế, ai sẽ lấp?

Lại có ca sĩ, muốn một bước biến thành sao, thành thần tượng đã bỏ không ít tiền để thuê fan hâm mộ, trang bị cho đội ngũ fan "đánh thuê" đủ loại cờ hoa khẩu hiệu để họ tung hô tên tuổi, lên tặng hoa, quà cho mình. Thậm chí ca sĩ đó còn thuê luôn các fan này tẩy chay, đả kích, bêu xấu đồng nghiệp. Liệu rằng tiền có thể lấp liếm sự kém cỏi, thiếu hụt năng lực bản thân và đạo đức nghề nghiệp của ca sĩ ấy?

Tác giả bài viết này từng được nghe kể, trong một số đêm thơ, một số cuộc triển lãm tranh, người ta còn bỏ tiền ra thuê người đóng vai khán giả, vai khách thăm quan cho thêm phần đông đảo, cho có nếp có tẻ, có tiền hô hậu ủng. Người được thuê, chẳng cần biết tác phẩm hay - dở thế nào, chỉ biết người bỏ tiền ra thuê cần có số đông tán dương để đổ đầy cái giỏ háo danh.

Ngẫm ra mọi sự lấp khoảng trống, dù về không gian hay thời gian, trong lĩnh vực nghệ thuật đều kéo theo một nỗi buồn khó diễn tả thành lời.

Hoàng Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]