Những kiểu làm đẹp thuần Việt đến hotgirl cũng “chào thua“

(Kiến Thức) - Trong quá khứ, phụ nữ của các dân tộc VN có những cách làm đẹp rất... kỳ dị mà phụ nữ thời nay có cho vàng cũng không dám làm theo.

0
 Các dân tộc Cơtu, Tà Ôi, M'Nông, X'tiêng, Mạ, Bahnar, B'râu, Rmăm... cư trú ở dãy Trường Sơn và khu vực Tây Nguyên có một tập tục làm đẹp bằng cách gây biến dạng cơ thể rất đặc biệt, đó là tục cà răng căng tai.

 Cà răng là cắt, mài bốn cặp răng cửa, chỉ còn lại chân răng, sát với nướu, hàm phía dưới vót thật nhọn. Việc này được thực hiện bằng cách dùng đá mài cho răng ngắn dần hoặc dùng dao sắc xén từng miếng mỏng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thời xưa, người nào không cà răng là xấu xí, bị chê cười, không thể lập gia đình. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

 Căng tai là căng lỗ dái tai rộng ra để đeo được những đôi bông tai rất to bằng ngà hoặc bằng nứa. Để căng tai, phải dùng gai tạo lỗ ở chính giữa để xỏ qua. Kích cỡ những chiếc gai được vót ngày càng lớn cho đến khi lỗ đủ rộng cho việc “làm đẹp”. Lỗ càng to thì càng hấp dẫn, nhưng làm không khéo có thể bị đứt, nối lại rất khó và chỉ có một số ít thầy thuốc làm được.

 Kiểu làm đẹp bằng cách cà răng căng tai đã tồn tại một thời gian dài, nhưng ngày nay đã mai một, chỉ còn một số buôn làng ở vùng xa xôi hẻo lánh mới duy trì được.

 Người Mảng cư trú rải rác ở tỉnh Lai Châu có tập tục xăm cằm độc đáo. Tập tục này vừa đánh dấu sự trưởng thành của con người, vừa gắn với nền tín ngưỡng tâm linh của dân tộc ít người này. Ảnh: Đất Việt.

  Cũng giống như cà răng căng tai, tập tục xăm cằm của người Mảng hầu như đã thất truyền. Giờ đây, tìm được một người Mảng còn hình xăm trên mặt trong tổng số gần 2.800 cư dân người Mảng là điều rất khó khăn. Ảnh: Đất Việt.

 Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhiều dân tộc có thói quen bịt răng vàng.Tuy nhiên, theo thời gian, phong tục làm răng vàng nay chỉ còn lại ở một số dân tộc, trong đó người Mông chiếm đa số. Ảnh: Tristan Savatier.

 Đây vừa là một cách làm đẹp, vừa là dấu hiệu cho thấy người phụ nữ đã có chồng. Thời xưa, răng vàng còn là biểu tượng của sự giàu sang, chỉ những phụ nữ quyền quý mới đủ khả năng bọc vàng toàn bộ hàm răng. Răng vàng ngày nay làm từ một loại hợp kim có giá rất rẻ nên ai cũng có thể bọc răng vàng, nhiều hay ít tùy vào gu của mình. Ảnh: Tristan Savatier.

 Nhuộm răng là một phong tục “làm đẹp” có từ xưa của nhiều dân tộc khác nhau ở Việt Nam. Tùy từng tộc người mà cách thức nhuộm răng lại có nhiều điểm khác nhau.

 Người dân tộc Kinh nhuộm răng bằng hỗn hợp bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh trét lên lá dừa, cau hay vải để áp lên hai hàm răng. Việc áp thuốc nhuộm được thực hiện trong 7 đêm liên tục. Khi răng có màu đỏ già thì bước qua giai đoạn 2 là nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen. Giai đoạn cuối là cố định màu bằng nhựa của gáo dừa được nấu chảy.

 Người dân tộc Thái nhuộm răng như sau: Đầu tiên, họ chà xát nhiều lần bằng một miếng cau khô, sau đó dùng lưỡi dao hơ nóng, rắc bột cánh kiến lên cho nóng chảy ra, chờ nguội lấy miết vào răng. Trong vòng 7 đến 10 ngày sau không được dùng thức ăn uống nóng, không nhai đồ ăn cứng, khi răng trở nên màu ngà họ sẽ nhuộm đen bằng nhựa cây mét non.

 Hàm răng đen như hạt dưa hấu cũng là niềm tự hào của người Pa Kô. Để có được nó mỗi tối bà người nhuộm phải đốt cây tinuh, lấy nhựa cà răng. Nhựa cây tinuh giúp răng chắc, không sâu. Ảnh: Dân Việt.

 Hàm răng đen láy của người dân tộc Mường.


 Và người dân tộc Lự.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]