Tôi xin hỏi bác sĩ Đinh Tấn Phương: Trời nóng tôi thường để nhiệt độ máy điều hòa khoảng 27 độ (ban ngày) và 29 độ (ban đêm) vậy điều này có ảnh hưởng gì đến con tôi không (cháu 20 tháng)? (Văn Quý, quận Thủ Đức)
BS Đinh Tấn Phương: Đầu tiên bạn phải biết nhiệt độ như thế nào cho phù hợp cho trẻ. Vói trẻ em nhiệt độ thích hợp là 25 độ. Nhiệt độ cao hơn 28 độ trẻ khó chịu, nóng nực, đổ mồ hôi. Nhưng nếu quá thấp, trẻ dễ bị cảm lạnh.

Nhiệt độ thấp, hệ hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng (cuống mũi phì đại lên) do đó nhiệt độ thấp trẻ bị ho, sổ mũi thường xuyên, lâu ngày thành mãn tính. Tại sao bạn không để một nhiệt độ cố định chứ không nên thay đổi như vậy.

Tôi nghĩ chuyện này liên quan đến công suất của máy lạnh. Những máy lạnh lớn đủ công suất thì nhiệt độ sẽ khác nhau. Tôi khuyên nên để một nhiệt độ thôi và nên gắn nhiệt kế riêng trong phòng để đo nhiệt độ.

Cháu nhà tôi hay nổi mày đay, nhất là khi trời nóng, mùa hè. Vậy có thể chữa hết bệnh này không? Phải chữa như thế nào? Bệnh này có phải do di truyền không?  (Bạn đọc hỏi tại chỗ).

BS Đinh Tấn Phương: Trẻ nhỏ nổi mẩn đỏ vào mùa hè vì nhiệt độ nóng và khô nên trẻ khó chịu và trẻ tiết mồ hôi tạo nên dị ứng. Để phòng tránh, chị nên cho trẻ mặc đồ thoáng, tránh ra mồ hôi, lau và tắm rửa thường xuyên. Trẻ nổi mẩn đỏ, ngứa còn nhiều nguyên nhân khác, phải tìm được nguyên nhân gây dị ứng để loại trừ, trẻ mới khỏi hẳn.

Dị ứng cũng có thể do di truyền. Nếu cha, mẹ bị dị ứng, trẻ có khả năng bị dị ứng. Đây là bệnh gây phiền hà mặc dù không nguy hiểm, mình không giải quyết được tận gốc mà mình phải biết những yếu tố mà tránh.
Bác sĩ đang điều trị cho 1 bệnh nhi mắc sởi tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM 
Cháu được bạn chở đi học về, bị xước mảnh vỡ bằng sứ, chảy máu, về nhà rửa nước muối, sát trùng bằng povidine. Tôi rất lo lắng không biết cần phải đi tiêm phòng uốn ván không? (Bạn đọc tại chỗ)

BS Đinh Tấn Phương: Uốn ván không chỉ đến từ kim loại, rỉ sét, mà tất cả các vật nhiễm dơ bẩn có vi khuẩn yếm khí đều có khả năng gây uốn ván. 

Để trẻ không bị nhiễm trùng, sát trùng bằng povidine là đúng. Tiếp theo, coi con chị nằm trong tuổi chích ngừa không. Dưới 5 tuổi, phải cho chích VAT. Ngoài tuổi đó, chích SAT, đồng thời chích VAT để nhắc lại.

Nhiều bạn đọc tới tham dự để đặt câu hỏi trực tiếp với bác sĩ. Ảnh: Đoàn Quý

Mùa này nóng, người ta hay phòng bệnh nhiễm cho trẻ bằng cách cho uống nước cam chanh. Nhưng nếu áp dụng chuyện này cho trẻ nhỏ quá thì có sợ hại bao tử không? (Bạn đọc tại chỗ)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nước cam, chanh không làm hại bao tử. Trẻ uống vào nếu đau bụng thì không phải do chất chua. Tuy nhiên, nước cam, chanh không ngừa được các bệnh truyền nhiễm. Muốn ngừa thì phải chích ngừa, đeo khẩu trang.


BS Trương Hữu Khanh
Con gái tôi 9  tháng tuổi. Mùa này, thời tiết khá thất thường. Cháu hay ra nhiều mồ hôi ở đầu, mọi người cho là bé thiếu canxi. Bác sĩ cho hỏi điều này có đúng không? Làm thế nào bây giờ? (Thu Hiền, quận 7)

Đa số trẻ 9 tháng tuổi hay ra mồ hôi đầu vào mùa nóng, không phải do trẻ thiếu canxi dẫn đến việc này. Ra mồ hôi là phản xạ cơ thể với môi trường. Ở lứa tuổi này, hệ thần kinh thực vật của trẻ chưa phát triển hoàn toàn nên ra mồ hôi đầu nhiều hơn. Tuổi lớn hơn thì ít đi.

Để giảm bớt hiện tượng này, nên cho trẻ uống thuốc vitamin, ở trong môi trường thoáng mát.

Vệ sinh nhà cửa, lau nền nhà bằng cloramin là cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Nhưng cho tôi hỏi BS Trương Hữu Khanh, một ngày tôi nên lau nhà mấy lần để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ. Con tôi 2 tuổi rất thích chơi đùa dưới đất, vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ cho tốt?  (Bảo Ngọc, Khánh Hội - quận 4)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Lau nhà bằng cloramin thường chỉ áp dụng khi chung quanh nhà hoặc trong nhà có người bệnh tay chân miệng. Khi pha cloramin, cần làm theo hướng dẫn, pha đúng nồng độ pha và chỉ cần lau một lần thôi. Quan trọng nhất trong ngừa tay chân miệng là lau đồ chơi trẻ cho sạch, rửa tay thường xuyên.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh thăm một bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Hiểu Minh 

Con tôi mới 6,5 tháng tuổi, tôi rất sợ cháu bị sởi, nhưng phải đến 9 tháng tuổi mới được chích ngừa sởi. Nghe nói bộ Y tế đang tính giảm độ tuổi chích ngừa sởi cho trẻ còn 6 tháng, vậy sắp tới tôi cho con đi chích được không? Nhưng chích sớm như thế liệu có nguy hiểm không? Bác sĩ ơi, tôi phân vân quá, làm thế nào bây giờ? Xin cho tôi một lời khuyên! (Hải Nguyệt, quận 1 – TP.HCM)

BS Trương Hữu Khanh: Bệnh sởi năm nay bùng phát, mọi năm không nhiều. Nhà nước cũng đang tính toán kinh phí, khả năng bảo vệ, để có quyết định có lợi cho người dân. Gần đây có quyết định không chích ngừa cho trẻ dưới 9 tháng, vì chích trong thời gian này không hiệu quả nhiều trong ngừa bệnh.

Em bé dưới 9 tháng bị sởi thường bị lây bởi người nhà. Vì thế phải triệt để cách nguồn lây: xem các trẻ lớn hơn chích ngừa chưa, đi đâu về cũng phải rửa tay, phải chắc những người lớn không bị sởi.

Khi trẻ bị bỏng, lấy nước đá chườm lên vết bỏng được không bác sĩ? (Bạn đọc tại chỗ)

Bác sĩ Đinh Tấn Phương: Nhiệt độ ở chỗ bỏng đang nóng rất nhiều, ở đó tiết ra các chất viêm gây đau và các chất này cũng gây nhiễm trùng.

Mình làm mát thì được, nhưng phải đảm bảo chất làm mát sạch. Nhưng tuyệt đối cấm dùng kem đánh răng, nước mắm... vì nhân viên y tế rất cực khi xử lý rửa các chất này khỏi vết bỏng, trẻ rất đau đớn.

Cũng không được dùng cồn 90 độ để rửa vết bỏng vì rất đau rát, có thể dùng dung dịch povidine.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Đoàn Quý 
Mùa hè người ta rất dễ bị cảm, trường hợp này nhiều người thích dùng kháng sinh. Theo bác sĩ, làm như thế được không? (Ngân, Bình Thạnh)

Phải xác định đây là cảm do siêu vi hay nguyên nhân khác. Bệnh nhân bị cảm nếu chăm sóc tốt thì không cần dùng kháng sinh, bệnh 5 - 7 ngày trẻ cũng tự khỏi. Nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, ăn uống đầy đủ, đặc biệt cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ vẫn chơi đùa, không quấy khóc thì không sao. Còn ngược lại, phải đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán bệnh cho chính xác.

Mùa hè trời nóng, trẻ thích uống đá, nhưng như vậy trẻ dễ viêm họng. Tôi nghe có người nói viêm họng uống nước lạnh được, nhưng người khác nói không được? Theo bác sĩ thì sao? (Bạn đọc tại chỗ)

BS Đinh Tấn Phương: Hễ viêm họng thì tránh hết các đồ lạnh cả ăn và uống vì vùng họng đó viêm, sung huyết. Khi ăn đồ lạnh vào, vùng họng bị kích thích, bệnh nhân ho nhiều hơn, triệu chứng nặng hơn.

Đừng tập cho trẻ uống nước đá, uống nước mát là được. Uống nước đá, vùng hầu họng của trẻ vốn chưa mạnh như người lớn dễ bị thay đổi nhiệt độ.
 Bác sĩ Đinh Tấn Phương (bên trái) trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu. Ảnh: Đoàn Quý

Con trai tôi 5 tuổi, nhưng hè này cháu ở nhà, không đi nhà trẻ. Vợ chồng tôi đi làm suốt, có người giúp việc nhà, nhưng tôi sợ không thể giữ con tôi được vì rất hiếu động. Xin cho hỏi, ở lứa tuổi này trẻ hay bị loại tai nạn nào? Tôi làm thế nào để phòng tránh? Giả sử có tai nạn cho cháu, như té ngã gãy tay, tôi phải làm sao? (thanhnga@....)

BS Đinh Tấn Phương: Có rất nhiều tai nạn có thể xảy ra cho trẻ trong mùa hè. Đầu tiên là dị vật đường thở. Trẻ dưới 2 tuổi rất hay gặp tai nạn này do người lớn bất cẩn, ví dụ như cho trẻ uống sữa hoặc đút ăn.

Khi trẻ biếng ăn, muốn đút cho trẻ ăn cha mẹ thường dụ trẻ để đút. Nhiều bà mẹ lại làm cho trẻ khóc để đút thức ăn. Nhưng khi khóc vòm họng trẻ mở ra, lúc này thức ăn có thể rớt vào đường thở, gây co thắt đường thở, trẻ ho sặc sụa, tím tái và nếu không kịp sẽ tử vong ngay.

Dị vật đường thở còn do trẻ ngậm đồ vật trong miệng. Cách đây không lâu chúng tôi cấp cứu  một trường hợp trẻ ngậm đầu cây viết, sau đó đầu viết rơi vào đường thở. Rất may là trẻ đưa đến viện kịp thời và cứu thoát.

Những trường hợp này, người nhà phải biết cách xử lý là vỗ lưng, ấn ngực trẻ (để bé nằm sấp, để cánh tay mình tựa lên đùi hoặc bàn, rồi dùng hai bàn tay vỗ lưng, phần giữa hai xương bả vai để tăng áp lực đẩy dị vật ra ngoài. Nếu vẫn chưa hết, mình để bé nằm ngửa rồi ấn ngực. Dùng ngón tay ấn giữa đường nối liên vú, ấn mạnh và sâu trong 5 lần. Làm đi làm lại mấy lần cho đến khi bé trở lại bình thường thì thôi.

Nếu trẻ tím tái, ngưng thở, bắt buộc phải hà hơi thổi ngạt. Cho bé nằm ngửa, bịt mũi trẻ lại rồi hà hơi vào miệng bệnh nhân. Làm sao cho lồng ngực nhô lên mới được. Khi đó dị vật có thể lọt qua một bên thì bệnh nhân có thể được cứu sống rồi đưa đến bệnh viện để bác sĩ xử lý.

Tai nạn thứ hai là điện giật. Trong nhà phải đảm bảo tất cả những phích cắm điện ngoài tầm tay trẻ em, thường xuyên kiểm tra đường điện để tránh rò rỉ. Ở nhiều nhà Việt Nam thường có bàn thờ để dưới đất. Trẻ lui tới đó nghịch ngợm và chỉ cần điện hở là trẻ bị giật, có thể bị ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lúc này, phải dùng vật khô và cách điện để tách trẻ ra khỏi nguồn điện. Nếu khi bị điện giật trẻ vẫn hồng hào thì không sao, nhưng nếu tím tái thì phải đưa đến bệnh viện. Nếu bị ngưng tim, ngưng thở phải ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ.

Tai nạn thứ ba là chết đuối. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhi chết đuối trong nhà. Chỉ với một xô, thau hay lu nước không sâu, nhưng trẻ té úp mặt vào đó là trẻ có thể chết đuối ngay do thiếu oxy não.

Để phòng tránh, phải đậy thau, lu, đừng để trẻ đến gần. Nếu xảy ra sự việc, vớt đứa trẻ ra, đánh giá sự việc. Nếu trẻ vẫn hồng hào, cho trẻ nằm nghiêng qua một bên để tránh hít sặc. Nếu trẻ tím tái, tiến hành hà hơi thổi ngạt.

Gặp trường hợp này, có phụ huynh chổng ngược trẻ lên để lắc. Tuyệt đối tránh điều này. Vì như vậy sẽ lãng phí thời gian vàng. Trẻ ngạt trên 4 phút, nếu cứu được, vẫn để lại di chứng cho trẻ sau này.

Tai nạn thứ tư là phỏng. Ở Bệnh viện Nhi đồng 1 rất nhiều phỏng do bất cẩn của người lớn là chính. Ở dưới quê rất nhiều nguy cơ gây phỏng cho bé, như châm dầu, châm đèn gây cháy nhà và đặc biệt là phỏng nước sôi, không nên cho trẻ đến nơi chế biến thức ăn rất dễ gây phỏng. Trẻ bị phỏng cũng có thể do bô xe máy.

Khi trẻ bị phỏng, dân gian thường xức kem đánh răng để làm mát cho trẻ, khi đó trẻ có vẻ dễ chịu, hoặc người ta dùng con giấm đắp lên. Với những cách này, lúc đầu rất mát nhưng khi tới bệnh viện bác sĩ sẽ rửa ra và khi đó sẽ rất đau, vết bỏng bị nhiễm trùng, buộc bác sĩ phải dùng thuốc kháng sinh mạnh. Khi trẻ bị phỏng, nên rửa nước sạch, sau đó đưa đến cơ quan y tế gần nhất để xử lý. Nên cho trẻ uống nước nhiều vì lúc này trẻ bị mất nước nên dễ gây sốc.

Tai nạn thứ năm là té ngã. Trong nhà có cầu thang, bàn ghế không nên cho trẻ leo trèo. Nếu gãy tay, chân thì chỉ cần cố định chỗ gãy bằng nẹp, băng lại, không cho cử động rồi đưa đến bác sĩ xử lý.
BS Trương Hữu Khanh (ngoài cùng bên trái) và BS Đinh Tấn Phương (thứ 2 từ trái qua) tại buổi giao lưu. Ảnh: Đoàn Quý
Con tôi bị ho, sổ mũi, bác sĩ kê toa uống, cháu khỏi ngay. Xin cho hỏi lần sau bé cũng bị như thế, vậy tôi có nên dùng toa cũ cho cháu không? (Bạn đọc tại chỗ)
BS Đinh Tấn Phương: Vi trùng ở ngoài môi trường rất nhiều, không phải tất cả trường hợp sử dụng toa cũ là đáp ứng được. Nhìn bề ngoài, triệu chứng có vẻ giống nhau, nhưng thực tế không phải. Tôi khuyên không nên cho bé dùng toa cũ để uống lại. Khi uống hết toa thuốc, mình phải đi khám lại để đảm bảo an toàn.
Tặng hoa BS Đinh Tấn Phương
Mùa hè tôi hay cho các con tôi đi xa. Xin hỏi có thuốc chống say xe cho trẻ em không? Người lớn và trẻ con dùng chung thuốc có được không? (Bạn đọc tại chỗ)
BS Đinh Tấn Phương: Vẫn có thuốc trị say cho em bé. Nếu không dùng thuốc, chọn chỗ trên xe ít dằn xóc nhất. Khi lên xe, đừng ép trẻ ăn quá nhiều. Có một số loại thuốc có ghi chỉ định cho em bé, nhưng tốt nhất không nên dùng.
Tặng hoa cho BS Trương Hữu Khanh 
Con gái tôi 4 tháng rưỡi, mùa hè hay đổ mồ hôi, vậy có nên để trẻ ngồi dưới quạt hay máy lạnh không? (Bạn đọc tại chỗ)
BS Đinh Tấn Phương: Tuyệt đối không cho luồng máy lạnh/máy quạt thổi trực tiếp vào em bé trong một thời gian dài vì quạt máy, luồng gió máy lạnh thổi gió khô, kích thích các vùng hô hấp của bé tiết ra nhiều dịch có hại sẽ gây ho, viêm…

Trời nóng trẻ tắm nhiều có bị nhiễm lạnh không? Nên tắm vào thời điểm nào trong ngày là hợp lý? Có phải pha thêm nước ấm khi tắm không? (phanvan@.... )

BS Đinh Tấn Phương: Tắm tốt nhất là khi có nhu cầu, với em bé 2-3 lần/ngày là nhiều rồi. Thay đổi nhiệt độ cho bé nhiều như tắm dễ bị cảm, hay những bệnh lý về hô hấp. Thay vì tắm nhiều có thể lau người cho bé.

Tắm vào thời điểm tốt nhất: lúc nhiệt độ không khí không lạnh, tắm vào trưa. Nước pha thế nào? Bình thường, lau bằng nước với nhiệt độ bé với nhiệt độ nước không chênh quá nhiều, từ 5-7 độ C.

Khi bệnh nhi sốt, mạch máu dãn ra để thoát nhiệt, nếu mình cho nhiệt độ thấp, bé run khí chịu, mạch co lại và giữ nhiệt độ vào cơ thể, như vậy không giảm sốt. Vì thế, pha nước chênh nhiệt độ với nhiệt độ cơ thể bé khoảng 2-3 độ C.

Một Thế Giới