Những kỹ năng cần thiết cho cha mẹ

Giadinh.net - “Nhiều bậc cha mẹ tham gia lớp học đã khóc vì họ thấy rằng, trước đây khi chưa hiểu và lắng nghe trẻ, họ đã quát mắng và đánh con. Sau khóa học, họ đã dành nhiều thời gian tâm sự, đưa con đi chơi, tìm hiểu những vấn đề khó khăn đối với trẻ khi ở trường...”

15.5911
Chị Triệu Thị Kiều Hương, giáo viên Trường Tiểu học Liên Minh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết khi chia sẻ về khóa tập huấn “Làm cha mẹ tốt” mà phụ huynh của trường đã tham gia.

Học viên biết kiềm chế  cơn nóng giận

Thành công lớn của các khóa tập huấn “Làm cha mẹ tốt” do Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển, Tổng cục DS – KHHGĐ phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển (nay là Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam) tổ chức được thực hiện trên địa bàn 2 xã: Đại Tự (Yên Lạc), Kim Hoa (Mê Linh), phường Hùng Vương (TX Phúc Yên) và 2 trường tiểu học: Liên Minh (TP Vĩnh Yên),  Bàn Giản (huyện Lập Thạch) trong thời gian 2004 – 2008 là có tới 99% số cha mẹ cho rằng, con cái của họ nghe lời bố mẹ hơn khi cha mẹ áp dụng những phương pháp tích cực sau lớp tập huấn. 

Trải nghiệm thành công nhất của các bậc phụ huynh là kiềm chế được cơn nóng giận khi con mắc lỗi. Đa số phụ huynh đã dành nhiều thời gian trò chuyện với con cái hơn và hiểu được tầm quan trọng khi nói chuyện và lắng nghe con. Nhiều học viên tâm sự, trước đây khi con mắc lỗi, điều đầu tiên cha mẹ thường làm là quát, mắng nếu lỗi nặng thì đánh luôn mà không cho con nói một lời nào. Nhưng giờ đây, họ đã thay đổi cách dạy, điều đầu tiên họ làm là lắng nghe con trình bày, sau đó giải thích và khuyên con.
 

Các bậc cha mẹ tại xã Bàn Giản thảo luận về tài liệu tập huấn “Làm cha mẹ tốt”. (Ảnh:V.H)


Ngoài ra, các học viên cũng biết kiềm chế nóng giận nên giảm hẳn xung đột trong gia đình, gia đình đầm ấm, hạnh phúc hơn. Hầu hết các học viên đều chia sẻ nội dung lớp tập huấn cho người khác, đặc biệt là vợ hoặc chồng. Theo khảo sát của dự án, có 95% số người tập huấn chia sẻ thông tin với vợ hoặc chồng. Chỉ có 5% không chia sẻ với vợ hoặc chồng với lý do ly hôn, goá bụa hoặc chưa xây dựng gia đình.

Nói “không” -  kỹ năng khó nhất

Bên cạnh những thành công, các bậc cha mẹ cũng cho biết, kỹ năng khó áp dụng nhất là “nói không” với con. Họ hay bị thay đổi quyết định “không” thành “có” khi con khóc, hay buồn hoặc khi họ đã giải thích mà trẻ vẫn mè nheo, không nghe. Có 57,6% số học viên chia sẻ họ khó áp dụng kỹ năng này. Chị Nguyễn Thị Hải, 35 tuổi, xã Bàn Giản cho hay, nói “không” với con là khó nhất, tốn nhiều thời gian, vì kèm theo đó phải giải thích, phân tích cho con hiểu và nghe lời.

“Làm cha mẹ tốt” là tài liệu tập huấn thử nghiệm - một hợp phần trong khuôn khổ dự án “Phòng chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em”. Tài liệu này có 12 bài học giúp các bậc cha mẹ có các kỹ năng nuôi dạy con cái.
 
Tại buổi tổng kết Dự án, PGS.TS Trần Văn Chiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá đây là một tài liệu rất công phu, thân thiện, cung cấp kỹ năng tốt cho các bậc làm cha mẹ; đồng thời góp phần lớn vào việc giảm thiểu bạo hành thân thể và tinh thần của trẻ em.
 
Ông Chiến cũng hy vọng sẽ nhân rộng được mô hình tài liệu tập huấn tới nhiều địa bàn trên cả nước, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể.
Ngoài kỹ năng từ chối với con, các học viên còn thấy khó khăn trong giáo dục con cái hàng ngày 18,2% số học viên trả lời kỹ năng bí quyết chống căng thẳng trong gia đình cũng khó khăn khi áp dụng. Với chị Nguyễn Thị Mãi, 38 tuổi, xã Đại Tự thì nhiều khi áp lực công việc, gia đình, con cái làm chị căng thẳng và mệt mỏi, khó có kiên nhẫn để thực hành bí quyết này.

Nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng môi trường xã hội hiện nay ảnh hưởng đến trẻ như: Tệ nạn xã hội, nghiện hút, HIV, Internet tràn lan... Họ lo lắng có thể con họ ở nhà vẫn nghe lời, nhưng khi đi ra ngoài lại đua đòi với bạn bè sa ngã vào những thói hư trong xã hội. Anh Tường Thế Quân, 29 tuổi, phường Hùng Vương cho rằng, tài liệu “Làm cha mẹ tốt” rất bổ ích để nuôi dạy trẻ. “Để nuôi được một đứa con trưởng thành trong thời đại ngày nay là một vấn đề khó khăn đối với các bậc phụ huynh, nên tôi rất mong muốn chương trình “Làm cha mẹ tốt” được nhân rộng cho cả nước để bớt đi những tệ nạn trong xã hội ta ngày nay”, chị Nguyễn Thị Liên, 35 tuổi, xã Kim Hoa chia sẻ.

Dự án cũng thu nhận được nhiều mong muốn của trẻ em qua phỏng vấn các em trên địa bàn thực hiện dự án. Chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ dự án Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển cho biết, mong ước của các em là khi bị người lớn mắng là đừng quát to. Các em mong người lớn sẽ quan tâm đến suy nghĩ của mình nhiều hơn và nếu có đánh thì đừng đánh mạnh, “bởi vì lúc ấy em rất đau, thế nên em mong muốn bố mẹ đừng đánh đau quá mà hãy yêu thương em và giảng lại cho em hiểu” (trẻ em xã Kim Hoa).
 
Các em còn mong muốn bố mẹ khi dạy em học không chửi mắng em. Khi em mắc lỗi bố mẹ nên cố gắng bình tĩnh, không nên đánh; mong cô giáo không giận dỗi, mắng chửi khi em mắc lỗi và dạy chúng em với thái độ ân cần, dễ hiểu... Theo ý kiến của trẻ thì sau khi tham dự các lớp tập huấn cha mẹ không hay mắng, đánh trẻ khi mắc lỗi nữa.
 
Hà Thư
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]