Những kỹ năng cơ bản khi vệ sinh cho bé

Mỗi gia đình có một cách nhận thức và thói quen riêng trong việc vệ sinh cá nhân.

15.5944
Một số người cho rằng nhà cửa phải sạch sẽ tuyệt đối, trong khi một số khác lại nghĩ rằng có bừa bãi một chút cũng chẳng sao.
Ảnh sưu tầm

 
Điều hiển nhiên là chúng ta không thể bảo vệ trẻ miễn dịch với tất cả mọi loại vi trùng, đôi lúc cũng phải để cho hệ miễn dịch của trẻ tự “chiến đấu”. Điều quan trọng là bạn đừng thái quá khi dạy dỗ trẻ giữ gìn vệ sinh. Tất nhiên là nếu bạn chểnh mảng quá thì cũng không hay chút nào. Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh đường ruột, thường đi kèm với nôn mửa và tiêu chảy. Vì vậy bạn cần chú ý đến vệ sinh thực phẩm khi bạn nấu ăn. Bạn nhớ giữ thức ăn đúng cách, luôn đun kỹ thức ăn và chỉ dùng bát đũa sạch.

Trong một vài năm đầu, bạn chú ý hướng bé tới những thói quen vệ sinh sau:

- Vệ sinh buổi sáng và buổi tối.
- Rửa tay sau khi đi chơi về, sau khi vệ sinh và trước khi ăn.
- Biết đánh răng.
- Biết đúng cách dùng bô.

Những “thủ tục” vệ sinh được thực hiện với trẻ nhỏ sau này sẽ giúp hình thành phản xạ cho bé khi lớn lên.
Vệ sinh buổi sáng/tối bao gồm rửa mặt, lau rửa bé hoặc tắm qua. Đồng thời, thói quen đánh răng cũng cần phải được huấn luyện, mặc dù việc này là cả một vấn đề và có vẻ khó hơn.

Thói quen lau rửa buổi sáng sẽ giúp tạo cho bé thói quen sau này rửa mặt buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Vì vậy, bạn nên thực hiện việc này từ khi bé lọt lòng. Tắm buổi tối mỗi ngày trong suốt năm đầu sẽ giúp bé có thói quen tắm trước khi đi ngủ. Thật ra tùy thói quen của từng gia đình, nhưng bạn cũng có thể hướng dẫn bé tắm cả sáng, cả tối. Điều này không những chỉ mang tính chất vệ sinh mà còn giúp cơ thể sảng khoái.

VỆ SINH CHO TRẺ

Ở nhà
Khi trẻ tự xúc ăn được, bạn hãy rèn thói quen rửa tay trước khi ăn: không bao giờ được để trẻ dùng tay bẩn cầm rau quả. Trẻ cần rửa tay khi đi chơi về, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi với chó mèo. Bạn hãy giám sát trẻ cho đến khi yên tâm rằng bé có thể tự rửa tay được.
Con của bạn có thể sẽ rất thích chiếc vỏ chăn sặc sỡ, bạn chú ý không để con kéo lê chăn xuống sàn nhà rồi lại cho mép chăn vào miệng. Bạn nên thường xuyên rửa đồ chơi của bé, có thể tranh thủ làm việc này lúc bé ngủ.

Ra đường
Những trẻ thích nghịch ngợm hoặc bò lăn dưới đất thường hay cho tay bẩn vào mồm, thậm chí còn ăn cả đất. Khi đó, trẻ rất dễ nhiễm bệnh giun đũa. Trứng của giun đũa có thể thấy trong phân của động vật và có thể sống trong đất 2 năm hoặc hơn thế nữa. Giun đũa có thể gây ra các bệnh Hen suyễn, rối loạn đường ruột, ảnh hưởng đến thị giác và khiến trẻ chậm nói. Đừng bao giờ cho trẻ ăn đất, cát, cỏ hoặc cho tay bẩn vào miệng. Bạn hãy cắt móng tay ngắn cho trẻ để không bị cáu bẩn. Khi đưa bé đi chơi, bạn nhớ mang theo giấy ướt để lau rửa khi cần thiết.

Ảnh sưu tầm

 
TẮM CHO TRẺ

Nếu con bạn năng động và hay nghịch, bạn sẽ phải tắm cho bé hàng ngày đấy. Rất nhiều trẻ thích tắm và nghịch nước. Hãy để cho con được thỏa thích. Nếu con bạn thích dội nước buổi sáng, bạn hay cho con ăn qua chút gì đó rồi hãy cho tắm.

Khi tắm, bạn hãy chỉ cho con đâu là chân, tay, v.v. và hãy hướng dẫn cho bé cách tự tắm bằng cách đưa cho bé bông tắm và để cho con tự chà chân, bụng của mình. Trẻ cần phân biệt được đâu là khăn mặt của mình.
Bạn nên dùng các loại dầu gội, xà phòng có độ PH cân bằng vì Da trẻ rất nhạy cảm. Bạn phải thử kỹ và chỉ cho con dùng loại phù hợp. Thường thì xà phòng dạng nước dễ phù hợp cho trẻ tự tắm.

Nào, chúng ta cùng tắm!

Nhiều trẻ sợ nước và không thích tắm. Trong trường hợp này, bạn càng phải áp dụng phương pháp vừa tắm vừa chơi: bạn hãy dùng xà phòng nhiều bọt hoặc xà phòng đúc nhiều hình dạng, thả đồ chơi vào chậu tắm, kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe. Nếu trẻ sợ vuốt nước lên mặt, bạn hãy dạy bé cách thả bong bóng trong nước. Hãy đưa bé đi chơi nhiều, đặc biệt là gần bờ sông, hoặc vòi phun nước.
Con của bạn sẽ thấy tự tin hơn khi cùng bạn ngồi trong bồn tắm (tất nhiên nếu điều kiện cho phép). Hãy để cho con đập nước bắn vào bạn, sau đó đến lượt bạn vẩy nước vào con. Nếu có các anh chị em họ đến chơi, hãy để cho trẻ cùng tắm với nhau. Bạn nên tập cho bé tắm vòi hoa sen trước khi tắm bồn. Nếu bé vẫn không chịu, bạn đành chấp nhận tắm rửa cho bé trong chậu với tư thế đứng vậy.

CHĂM SÓC TÓC
Ảnh sưu tầm

Gội đầu
Đây là một công việc không mấy dễ dàng vì nhiều trẻ không thích bị nước hoặc dầu gội bắn vào làm cay mắt.
Để khắc phục, bạn hãy gội đầu cho bé trong chậu. Hãy để trẻ ngửa đầu ra sau và bạn hãy nhanh tay làm ướt tóc. Khi trẻ ngồi thẳng, bạn hãy xoa dầu gội và lại khuyến khích trẻ ngửa đầu ra sau để bạn xả nước cho sạch.
Hãy biến buổi tăm gội thành những cuộc vui: tự thấm tóc cho ướt hoặc té nước vào bạn trước rồi mới làm cho bé. Thậm chí bạn có thể cùng ngồi trong bồn tắm với con để bé gội đầu cho bạn trước. Nếu trẻ sợ rửa mặt, bạn hãy làm động tác mèo rửa mặt và kể chuyện cho bé nghe.
Trường hợp trẻ vẫn kiên quyết không chịu, bạn sẽ phải húi cua cho bé để dễ chăm sóc hơn.

Chải đầu cho bé gái
Nếu bạn cho con để tóc dài, bạn sẽ phải thường xuyên chải đầu cho bé đấy. Không nên tết bím tóc hoặc buộc tóc chặt quá, trẻ sẽ Bị đau và rụng tóc.
Đối với những trẻ tóc dài hoặc xoăn: Bạn nên dùng loại dầu xả sau khi gội để dễ chải tóc. Hãy hãy sấy tóc cho bé bằng cách vỗ nhẹ vào tóc, đừng lấy khăn mặt lau vuốt. Nếu tóc vẫn rối, bạn hãy dùng loại xả không cần tráng nước. Bạn nhớ dùng loại lược răng thưa để trải đầu cho bé.

Tóc khỏe
Tóc của trẻ sẽ khỏe và đẹp khi nhận được lượng vitamin và khoáng chất đày đủ. Khi Da đầu trẻ bị gầu hoặc viêm da, bạn cần dùng loại dầu gội đặc trị. Khi trẻ lớn hơn và bắt đầu đi học mẫu giáo, nguy cơ lây bệnh chấy rận là rất cao. Chỉ có một cách duy nhất để phòng tránh là luôn giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường xung quanh.

CHĂM SÓC RĂNG
Ảnh sưu tầm

chamsocrang.jpg Đến 12 tháng tuổi, bé đã có 3-4 răng, và đến khi được 3 tuổi, bé sẽ có đủ 21 răng sữa. Mặc dù vẫn có một số trẻ 1 tuổi mà không mọc chiếc răng nào. Răng sữa đối với trẻ quan trọng nên cần được chăm sóc đặc biệt. Răng sâu sẽ khiến trẻ đau nhức và sẽ phải hàn răng hoặc thậm chí phải nhổ chiếc răng đó. Nếu Răng sữa rụng trước thời hạn, những răng xung quanh sẽ lung lay làm chậm tiến độ mọc răng. Khi đó, răng và hàm sẽ bị lệch và khi lớn trẻ sẽ phải chỉnh.

Răng sâu
Nếu đánh răng không đúng cách, trên răng sẽ xuất hiện một lớp cặn thức ăn, vi trùng và dãi. Khi kết hợp lại, chúng sẽ biến thành một dạng a-xít làm hại men răng khiến răng bị thủng và dẫn đến sâu răng. Nhiều loại thuốc đánh răng hiện nay cho thêm chất fluor. Khi dùng nhiều, chất fluor sẽ để lại “vết” trên nền men răng. Đối với trẻ, cần rất thận trọng và chỉ dùng thuốc đánh răng có chất fluor cho trẻ khi đã xin ý kiến bác sỹ nhi hoặc nha khoa. Có những loại kem đánh răng cho trẻ chứa ít chất fluor vì khi đánh răng, trẻ có thể nuốt vào mà không gây nguy hiểm.

Đánh răng

Bạn phải chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay khi của những chiếc Răng sữa đầu tiên xuất hiện. Bạn hãy giúp bé đánh răng bằng cách cho bé ngồi lên đùi mình, tựa đầu vào ngực bạn; hoặc bạn đứng đằng sau và để bé ngửa cổ lên. Hãy dùng bàn chải mềm, kem đánh răng ít chất fluor, dùng động tác vòng tròn và xoay quanh phía bên trong của răng. Nếu trẻ không cho bạn đánh răng hộ, bạn hãy quấn vải xô quanh ngón tay, phết một chút kem đánh răng và lau răng cho bé.

Khi bé đủ 1 tuổi rưỡi và mọc ít nhất 10 chiếc răng, bạn có thể bắt tay vào dạy bé đánh răng. Bạn chú ý mua bàn chải đánh răng màu rực rỡ, giống như đồ chơi, với bàn chải mềm mại và chỉ dùng thuốc đánh răng cho trẻ em. Phương pháp hiệu quả nhất là bạn hãy làm mẫu cho trẻ. Bạn nhớ dạy bé đánh kỹ cả hàm trên và hàm dưới, nếu bé gặp khó khăn, bạn hãy giúp bé học cách chải răng sao cho đúng.

TẬP CHO TRẺ NGỒI BÔ
Ảnh sưu tầm

Việc dạy con ngồi bô lại là vấn đề khó hơn nhiều. Nhiều vị cha mẹ ngay trong năm đầu chỉ cần qua cử chỉ của con là đoán biết được giờ “hành sự” để lập tức đặt bé ngồi vào bô. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bé sẽ hiểu được ý nghĩa về sự tồn tại của cái bô. Có thể nói tốt nhất là dạy bé dùng bô từ năm 2 tuổi trở đi. Đầu tiên phải giải thích cho bé sự cần thiết của vật dụng này, sau đó bạn nên chú ý chọn kiểu dáng, kích cỡ vừa vặn, màu sắc sặc sỡ sao cho bé không ác cảm với chiếc bô. Lúc đầu các bé không hiểu gì và sẽ từ chối ngồi lên chiếc bô dù chỉ trong vòng mấy phút.

Giai đoạn tiếp theo là lúc bé sẽ coi chiếc bô như một đồ chơi. Thời điểm này rất quan trọng vì rất cần thiết để bé hiểu được mục đích sử dụng chính của chiếc bô. Dạy bé dùng bô là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của các bậc cha mẹ, đặc biệt là đối với những bé quen dùng tã giấy. Khi dùng tã giấy, bé không cảm thấy bị thấm ướt và vì vậy không có nhu cầu cấp thiết phải ngồi bô.

Bạn nên rút ngắn thời gian bé dùng tã giấy, thí dụ vào ban ngày nên để cho bé mặc quần lót đơn giản. Mặc dù việc này sẽ khiến bạn bận bịu thêm vì số lượng quần áo phải giặt sẽ tăng lên đáng kể nhưng bù lại, bé sẽ học nhanh hơn. Bạn cũng cần thường xuyên giải thích cho bé mỗi khi bé muốn tè, cần phải tè vào đâu, v.v. Với sự hướng dẫn trên, bé sẽ biết tự sử dụng bô khi bé 2-3 tuổi.

tạp chí mẹ&bé

Theo Bibi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]