Những liệu pháp chữa bệnh tâm thần kỳ quặc

Từ bao thế kỷ nay, bệnh tâm thần thay đổi rất ít. Tuy nhiên, việc điều trị căn bệnh này ở mỗi thời kỳ lịch sử lại một khác. Y văn thế giới đã ghi rất nhiều liệu pháp chữa trị “lạ đời” đối với căn bệnh cổ điển này.

15.5991

Từ bao thế kỷ nay, bệnh tâm thần thay đổi rất ít. Tuy nhiên, việc điều trị căn bệnh này ở mỗi thời kỳ lịch sử lại một khác. Y văn thế giới đã ghi rất nhiều liệu pháp chữa trị “lạ đời” đối với căn bệnh cổ điển này.

Đục sọ để chữa điên loạn

Vào thời kỳ đồ đá cách đây gần 10.000 năm, người Homo Sapiens đã biết đục sọ của đồng loại vẫn còn sống với một con dao mổ bằng đá lửa để chữa chứng điên loạn. Quan niệm thời bấy giờ cho rằng, mọi bệnh tật đều liên quan đến tư duy của con người, trong đó bệnh tâm thần là do sự không lưu thông của cái được gọi là hơi nóng của máu. Hơi nóng này tích tụ ở trong đầu do sự tắc nghẽn khiến cho mọi hoạt động của cơ thể trở nên rối loạn, khác thường. Chính vì vậy mà người ta đã đục thủng sọ bệnh nhân nhằm giải thoát hơi nóng trong đầu để chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Chẳng biết cách này có thể chữa khỏi bệnh thật sự hay không nhưng có một điều chắc chắn rằng, bệnh nhân sau khi chịu cuộc đại phẫu thuật này vẫn sống sót một thời gian dài. Bằng chứng là có nhiều xương sọ của người Homo Sapieans được khai quật cho thấy lỗ thủng trên xương sọ xuất hiện trước khi họ chết. Hình như liệu pháp này từng được áp dụng trong một thời gian rất dài và ở nhiều nơi trên trái đất. Bởi cho đến 1.000 trước Công nguyên, theo y văn thế giới ghi lại và những bằng chứng khai quật của các nhà khảo cổ học thì người Ba Tư cũng dùng cách khoan sọ người điên để đuổi cổ con quỷ ám trong đó ra.

Dùng hương thơm dụ quỷ dữ

Người Ai Cập cổ đại cũng như người Hy Lạp cổ đặc biệt quan tâm tới những biểu hiện điên cuồng. Tuy nhiên, họ không cho rằng đó là một căn bệnh mà chỉ là do người đó bị quỷ ám. Con quỷ đó trú ngụ trong cơ thể, quấy nhiễu, phá phách và gây ra những biểu hiện điên loạn. Vì vậy, thay vì dùng cách đục sọ, người ta cho bệnh nhân hít một số mùi khó chịu, chẳng hạn như mùi lông, tóc cháy và xông các hương thơm như hương của hoa hồng ở phía dưới hậu môn. Con quỷ nhỏ này rất sợ mùi khó chịu và thích hương thơm. Vì vậy dùng cách đó sẽ dụ được nó ra khỏi cơ thể. Và như thế người điên sẽ khỏi bệnh.

Chữa bệnh bằng cầu nguyện và sám hối

Vào thời Trung cổ, có hai quan niệm trái ngược nhau về người điên. Bác sĩ thời kỳ này cho rằng, cần xem xét chứng điên loạn là một căn bệnh và họ đề nghị chữa trị bằng những miếng dán đặt lên đầu bệnh nhân được làm từ máu nóng của lợn rừng cái hoặc nếu được chấp nhận thì các bác sĩ sẽ mở hộp sọ ra để xua tà. Nhưng với giới nhà thờ và dân chúng mộ đạo thì người bị rối loạn tâm thần là một biểu hiện của việc phạm tội hoặc dị giáo. Thậm chí mọi tăng nữ còn nghĩ, khi bị mắc chứng bệnh này chắc chắn trong cơ thể người bệnh có quỷ dữ quấy nhiễu. Và để chữa trị cần có 9 ngày tẩy ám, cầu nguyện và rửa tội. Trong thời gian đó bệnh nhân sẽ được trừ tà nhiều lần. Nếu bệnh vẫn không khỏi thì sẽ kết thúc bằng việc đưa lên dàn thiêu để tận diệt con quỷ ám trong người, tránh cho nó sinh sôi nảy nở và lây nhiễm sang người khác. Chỉ tính tiêng ở Trefves (Đức), trong vài năm ở thời Trung cổ đã có đến 5.000 người bị thiêu sống vì cách chữa trị có một không hai này.

Những liệu pháp của "lang băm"

Nhân loại cũng đã thử qua nhiều biện pháp "lang băm" để chữa trị chứng bệnh này như dùng các loại thảo dược gây ngủ hay một số biện pháp "dân gian" như bỏ đói, trích lấy máu, cho uống thuốc phiện, thụt tẩy ruột... Thậm chí tại Pháp trong suốt thế kỷ 17 còn tồn tại cách chữa chứng điên loạn bằng mộ thiêng. Số là, cả Paris thời bấy giờ truyền tai nhau tin đồn, hễ ai bị điên khi đứng lên ngôi mộ của những vị chức sắc danh tiếng trong giới nhà thờ thì bệnh sẽ khỏi ngay lập tức. Cái tin đồn đó thực sự khiến toàn thành phố điên loạn. Hàng ngàn người có bệnh và cả không có bệnh đều kéo nhau đến Paris và tranh nhau đứng lên các ngôi mộ thiêng đó. Và thảm cảnh đã diễn ra: người ta đấm đá chém giết nhau để giành chỗ đứng. Cuối cùng vua nước Pháp đã phải ra lệnh đóng cửa nghĩa trang nơi chuyên chôn cất các chức sắc nhà thời thờ ấy lại.

Trại giam người điên ra đời

Đến thời kỳ Phục hưng, con người bắt đầu có ý thức rằng điên là một căn bệnh tâm thần, các văn bản y khoa thời này cũng đã thấy ghi chép khá nhiều. Qua đó cho chúng ta biết nhiều thông tin lịch sử về căn bệnh, ảnh hưởng xã hội cũng như quan niệm của bác sĩ hồi đấy. Đặc biệt, một văn bản mới được tìm thấy là cuốn Cerrahiyyetu'l-Haniyye (Hoàng đế giải phẫu) do vị bác sĩ đa khoa Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại Serefeddin Sabuncuoglu (1385-1470) ghi lại đã giúp con người nhìn lại một cách toàn diện hơn về căn bệnh cổ điển này. Tuy nhiên, tất cả những điều này không giúp ngăn chặn được sự lan rộng của căn bệnh đáng sợ đang có xu hướng biến thành nạn dịch. Lúc ấy, người ta đành phải xích chân những người điên thành từng nhóm có đến hàng trăm người và nhốt chung vào các dưỡng đường cùng đám người nghèo và lũ trẻ lang thang đường phố và bỏ mặc họ. Trong suốt một thời gian dài sau đó, không có ai đứng ra nhận điều trị cho những người mắc chứng rối loạn tâm thần nên một bộ phận dân chúng vẫn tiếp tục tin vào những giải pháp kỳ diệu được truyền miệng trong dân gian.

Viên thuốc an thần, cứu cánh của người điên

Đến cuối thế kỷ 18, một cuộc "cách mạng" trong lịch sử chữa trị bệnh tâm thần đã được thực hiện bởi bác sĩ Franois Pinel người Pháp. Ông là người đầu tiên cho rằng cần phải áp dụng những biện pháp điều trị y khoa thích hợp đối với người điên thay vì giam cầm hay bỏ mặc. Chính ông đã cứu những người bị bệnh tâm thần khỏi xiềng xích và trả lại tự do cho họ. Từ đó phát sinh ra căn bệnh. Mặc dù đó chưa phải là cách làm hay song giới y học sau đó đã nghiên cứu và phân tích kỹ những phản ứng và cách cư xử của những người bệnh và từ đó đưa ra một số phương pháp điều trị mới. Đây cũng là tiền đề để giới y học phương Tây đưa ra đầy đủ các bằng chứng chứng minh rằng bệnh tâm thần chẳng có liên quan gì đến các yếu tố tâm thần hay quỷ ám cả. Đơn giản là nạn nhân do phải chịu đựng căng thẳng thần kinh cao độ từ điều kiện sống khắc nghiệt, chiến tranh hay những khó khăn bế tắc trong cuộc sống.

Năm 1952, nhờ phát minh ra loại thuốc an thần cho phép làm dịu những cơn điên loạn của bệnh nhân mà lịch sử đen tối của mấy ngàn năm tồn tại căn bệnh rối loạn tâm thần trong xã hội loài người mới thực sự bước sang một trang mới.

            Anh Thư

            (Theo Luận chứng và sự kiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]