Những loại thực phẩm có độc tố từ tự nhiên

14.3911

Gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ ngộ độc từ những thực phẩmđộc tố từ tự nhiên.

Những loại ngộ độc hay gặp ở khoa cấp cứu của các bệnh viện cho dù đã được cảnh báo rất nhiều về độc tính của những loại “thực phẩm” này, đó là củ ấu tầu, thịt cóc và cá nóc.

Củ ấu tầu

Củ ấu tàu, còn gọi là củ gấu tàu, là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam. Ô đầu được xếp vào loại thuốc rất độc (bảng A). Độc tố có trong ô đầu là aconitin. Độc tính của aconitin rất mạnh, chỉ cần một liều từ 0,02 – 0,05mg cho 1kg thể trọng là có thể gây tử vong.

Củ ấu tầu.

Trong Đông y, ấu tầu được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức, tê mỏi chân tay. Thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, theo chỉ định và có sự theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Tây y dùng làm thuốc ho, chữa chứng ra mồ hôi nhiều.

Nguy cơ bị ngộ độc khi uống rượu ngâm củ ấu tầu (chỉ dùng để xoa bóp), khi dùng quá liều chỉ định của thầy thuốc, khi ăn những thức ăn có củ ấu tầu chế biến chưa đúng cách.

Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng như tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn,tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim và nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.

Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tầu, có thể gây nôn nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi xử trí. Tuyệt đối không nên giữ bệnh nhân ở nhà điều trị bằng các thuốc chữa rõ nguồn gốc vì như thế rất nguy hiểm do bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Thịt cóc

Theo quan niệm dân gian, thịt cóc rất bổ dưỡng, được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc…

Tuy nhiên, trong cơ thể cóc có chứa nhiều chất độc trong đó chất độc chủ yếu là bufotoxin. Chất này có rất nhiều trong nhựa, da, gan, trứng cóc nên khi làm thịt cóc, chỉ một lượng nhỏ bufotoxin dính vào thịt, người ăn phải là có thể bị ngộ độc. Các biểu hiện của ngộ độc cóc bao gồm khó chịu, mệt mỏi, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn… nhưng nguy hiểm nhất là rối loạn nhịp tim. Nặng hơn nữa bệnh nhân có thể trụy mạch, tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Cơ thể cóc chứa nhiều độc tố.

Đề phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc: Tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc.

Cá nóc

Cá nóc là một loài cá sống nhiều tại vùng biển một số nước như Việt Nam, Nhật Bản… Chất độc chính trong cá nóc là chất tetrodotoxin.Chất này có mặt trong hầu hết các bộ phận của cá nóc nhưng hàm lượng rất cao trong trứng, ruột, gan, phần thịt bụng cá và tetrodotoxin cũng tăng lên gấp nhiều lần vào mùa cá sinh sản. Tetrodotoxin có đặc tính bền vững với nhiệt độ cao nên không bị phân hủy khi nấu chín vì vậy khi ăn cá nóc đã nấu kỹ vẫn có thể bị ngộ độc.

Triệu chứng ngộ độc cá nóc xuất hiện sau khi ăn cá khoảng 2 – 3 giờ, có thể sớm hơn nếu ăn khi dạ dày trống khi đói, ăn một lượng cá lớn có nhiều chất độc hoặc uống kèm rượu bia… Ban đầu, bệnh nhân thấy tê bì miệng, lưỡi, đầu chi, cảm giác kiến bò, dị cảm, buồn nôn, nôn, hoa mắt chóng mặt sau đó xuất hiện đồng tử giãn, yếu cơ, liệt cơ và sẽ tử vong nhanh chóng do chất độc gây liệt cơ hô hấp.

Mức độ nặng nhẹ của ngộ độc phụ thuộc lượng độc chất có trong từng loại cá, vào thời điểm ăn cá nóc (cá nóc có nhiều độc tố hơn ở mùa sinh sản), bệnh nhân ăn nhiều hay ít cũng như ăn khi đói, no hoặc có kèm rượu bia hay không.

Cá nóc

Hiện việc điều trị ngộ độc cá nóc vẫn chỉ dừng ở mức xử lý triệu chứng, chưa có chất kháng độc đặc hiệu với tetrodotoxin nên để phòng tránh ngộ độc cá nóc tốt nhất là không nên ăn chúng khi chưa rõ độc tính. Trường hợp không may bị ngộ độc, nên tiến hành các biện pháp sơ cứu như gây nôn sau đó chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tích cực.

TS.BS Vũ Đức Định

Theo Suckhoedoisong.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]