Những "lỗi" mẹ hay mắc phải khi bị tắc tia sữa

Triệu chứng của tắc tia sữa nhẹ là ngực cứng, đau. Nếu tia sữa bị tắc nằm gần ngoài da, bạn có thể cảm nhận được bằng cách dùng tay sờ, nắn...

0

Theo bác sĩ Phạm Văn Hùng, BV Đồng Đa, tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc do vậy sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

Nếu bị tắc tia sữa không điều trị kịp thời và đúng phương pháp người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.

Nguyên nhân mẹ bị tắc tia sữa

Hiện tượng tắc tia sữa có rất nhiều nguyên nhân như người mẹ không cho trẻ bú sớm và thường xuyên, cho con bú không vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào thông qua đầu vú rồi dẫn đến hệ thống ống dẫn sữa nhiễm khuẩn sẽ bị hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài điều này gây ra việc tắc tia sữa.

Đặc biệt, ở những sản phụ có đầu ti thụt vào hoặc bằng phẳng quá, to quá, biến dạng, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương.

Khi đầu vú đã nứt thì càng bú càng đau, sản phụ sẽ cho con bú không đều, thậm chí không cho bú nữa. Khi đó một lượng lớn sữa, các sản vật của sữa sau khi phân giải là nơi thích hợp nhất cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tắc tuyến sữa.

Sản phụ bị căng thẳng tinh thần trong thời kỳ cho con bú hoặc chế độ dinh dưỡng cho người mẹ chưa hợp lý… cũng làm tăng nguy cơ tắc tia sữa.


Dấu hiệu mẹ bị tắc tia sữa

Khi dòng sữa mẹ lưu thông trong ống dẫn sữa không trôi chảy, nó bị tắc lại và gây viêm. Triệu chứng của tắc sữa nhẹ là ngực cứng, đau. Nếu tia sữa bị tắc nằm gần ngoài da, bạn có thể cảm nhận được bằng cách dùng tay sờ, nắn.

Nếu ngực của bạn đã bị nhiễm trùng, tắc tia sữa sẽ đi kèm những triệu chứng như bị cảm: đau, mỏi, sốt và ngực xuất hiện những vùng ửng đỏ loang lổ, nặng hơn là những vằn vện màu tím, đen. Khi nhiễm trùng vú xảy ra do nhiễm virus, vi khuẩn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Những bà mẹ sữa nhiều thường có nguy cơ bị tắc tia sữa thường xuyên hơn. Khi con bạn bỏ qua 1,2 cữ bú hoặc bạn quá bận bịu và không kịp vắt bớt sữa đi, hiện tượng này dễ xảy ra hơn. Tư thế cho bú không thích hợp cũng có thể là nguyên nhân gây tắc sữa.

Nếu đang chịu đựng tình trạng tắc sữa, mẹ nhớ tránh những điều dưới đây:

1. Tắm nước lạnh:

Thực ra nước lạnh không làm trầm trọng thêm tình trạng tắc sữa, nhưng nước ấm là lựa chọn tốt nhất trong những trường hợp này. Nhiệt độ giúp làm tăng tuần hoàn, giúp đánh tan phần tắc nghẽn trong tia sữa. Ngoài việc tắm nước ấm, bạn còn cần một túi chườm nóng hoặc khăn nóng để chườm ngực khi không phải cho con bú.

2. Trì hoãn uống thuốc kháng viêm:

Đôi khi bạn cần phải sử dụng các loại thuốc kháng viêm như Ibupropen để giúp giảm đau và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Đừng lo lắng vì thuốc sẽ không làm giảm lượng sữa của bạn.

3. Uống ít nước:

Bạn biết đấy, uống ít nước không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn khiến cơ thể không sản xuất đủ sữa nữa. Nếu bạn bị tắc tia sữa kèm theo sốt thì lại càng nên bổ sung nhiều nước.


4. Không cho bé bú:

Khi bị tắc sữa, đừng hoảng sợ và ngừng cho con bú. Cho bé bú hay vắt sữa thường xuyên sẽ giúp luồng sữa lưu thông tốt hơn và bạn mau thoát khỏi tình trạng đau nhức.

Nên đọc

Nếu không bị nhiễm trùng, bạn có thể cho bé bú bên ngực bị đau. Nhớ massage nhẹ nhàng bên ngực này và vắt sữa để tạo dòng chảy trước khi bé bú. Trong lúc cho con bú, bạn cũng nên nhẹ nhàng massage vùng bị đau, tắc.

5. Không mặc áo ngực:

Sai lầm của nhiều mẹ là không mặc áo ngực cho con bú khiến cho ngực không được nâng đỡ, dễ dẫn đến tắc tia sữa. Khi bị tắc tia sữa, đừng quên chọn cho mình một chiếc áo ngực vừa vặn. Không nên chọn loại có gọng cứng vì chúng khiến tia sữa càng bị dồn nén hơn.

Đặc biệt, khi ngực bị viêm nhiễm nặng thì bạn cần phải đến bệnh viện để được khám và cho thuốc. Ngay cả lúc này bạn vẫn có thể cho con bú vì trong sữa đã có chất diệt vi khuẩn hay virus. Nếu không yên tâm cho con bú vào lúc này, bạn vẫn nên vắt sữa đều đặn mỗi 2 tiếng. Tình trạng sẽ sớm được cải thiện.

Một lưu ý tối cần thiết trong trường hợp này là phải sử dụng hết liều thuốc. Có thể bác sĩ sẽ kê cho bạn 1 tuần đến 10 ngày thuốc nên đừng vội ngưng thuốc khi chỉ mới uống được 2, 3 ngày.

Thùy Linh

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]