Những lưu ý phòng bệnh viêm phổi ở trẻ

Viêm phổi là tình trạng tổn thương cấp tính, gây rối loạn trao đổi khí, dẫn đến suy hô hấp tiến triển nặng.

15.5999

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh viêm phổi do nhiều nguyên nhân gây nên như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác, từ súc vật sang người. Trẻ em có thể bị bệnh sau khi tiếp xúc với người lớn mắc bệnh 2 - 3 tuần.

Viêm phổi do virus có thể gây thành dịch nguy hiểm. Ở trẻ càng nhỏ, diễn biến bệnh càng nhanh và nặng. Những trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, có dị tật bẩm sinh về tim mạch, phổi, lồng ngực, đẻ thiếu cân... rất dễ mắc bệnh.

Biểu hiện của bệnh

- Giai đoạn sớm: Có thể trẻ chỉ sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc...

- Giai đoạn sau: Nếu trẻ không được điều trị đúng và theo dõi sát, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi...

Ngoài ra, trẻ có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng... Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu oxy cung cấp cho não, trẻ sẽ li bì hoặc bị kích thích, co giật...

Nguyên tắc điều trị:

Để điều trị viêm phổi ở trẻ các bậc cha mẹ cần chống nhiễm khuẩn, chống suy hô hấp, chăm sóc tốt:

- Ở tuyến cơ sở: Cần nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ natri cloxit 9%o, súc miệng hằng ngày. Có thể dùng một số loại kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng như penicillin, amoxicillin, erythromycin... Tốt nhất nên dùng đường uống, dạng siro. Khi tình trạng bệnh của trẻ không cải thiện, cha mẹ nên chuyển bé lên tuyến trên.

- Khi trẻ viêm phổi nặng: Nên nằm điều trị nội trú tại bệnh viện, theo dõi sát diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu tìm được nguyên nhân gây bệnh nên dùng kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ. Nếu không có kháng sinh đồ nên dựa vào lứa tuổi, diễn biến của bệnh mà lựa chọn các loại kháng sinh phổ rộng như: gentamicin, amoxicillin, cefotaxime, cefuroxim...

- Điều trị hỗ trợ: Hạ nhiệt bằng paracetamol, chườm mát... làm thông thoáng đường thở bằng cách hút đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Cho thở oxy khi trẻ có biểu hiện suy thở. Nếu tím tái nặng, ngừng thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ... Khi trẻ sốt cao kéo dài, có biểu hiện mất nước, cần truyền dịch.

- Chăm sóc: cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, số lượng vừa phải, tránh trào ngược. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và cần phải theo dõi sát tình trạng khó thở, tím tái.

Đề phòng viêm phổi ở trẻ:

Các bậc cha mẹ cần chú ý những lưu ý sau để giúp trẻ không bị viêm phổi:

- Nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông. Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cho súc miệng hàng ngày. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.

- Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở... và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân...

- Đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, đảm bảo thai nhi phát triển tốt, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như protid, lipid, các loại vitamin, muối khoáng... Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu tiêm một số loại vắc-xin phòng viêm đường hô hấp ngoài chương trình, cần có sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ Y tế nhằm bảo đảm hiệu quả và tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

- Lập sổ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lưu giữ sổ sau mỗi lần khám nhằm giúp nhân viên y tế nắm được diễn biến sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có hướng điều trị, phòng bệnh tốt.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]