Những lưu ý "vàng" khi chăm sóc bé sơ sinh

Nếu bé không tăng cân, không đi vệ sinh đều đặn, ngủ nhiều, quấy khóc, bỏ bú, chất thải của bé đôi khi quá rắn hay quá lỏng... bạn nên đưa con đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

0

Cho con bú mẹ theo "nhu cầu"

Hầu hết các trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên khi chào đời đều có nhu cầu được bú mẹ từ 8 - 12 lần/ngày với khoảng thời gian trung bình từ 2 -3 tiếng/ lần.

2- 3 tháng tuổi tiếp ngay sau đó, số lần trẻ cần bú có thể giảm xuống, dần dần số lần bú cũng sẽ giảm đi tỷ lệ nghịch với sự phát triển từng ngày của bé, điều này có nghĩa là trẻ càng lớn thì số lần bú sẽ càng giảm đi, nhưng lượng sữa mỗi lần trẻ bú lại tăng lên.

Bên cạnh nguồn sữa mẹ thiêng liêng, bạn cũng có thể bổ sung cho bé thêm các loại sữa bột ăn ngoài. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một điều rằng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con.

Bên cạnh đó, bạn phải quên ngay chuyện cho con bú theo đồng hồ và “dạy con theo khuôn khổ ngay từ tấm bé, kể cả nết ăn”. Nếu bé được bú theo đúng nhu cầu, bé sẽ tăng cân một cách tự nhiên, tốt nhất.

Lưu ý cho mẹ:  mẹ nên cho bé bú sớm trong vòng 30 phút đầu ra đời khi sinh thường và sau một giờ khi sinh mổ. Điều này giúp bé được tận hưởng nguồn sữa non tuyệt vời của mẹ.

Trẻ bú nhiều thì mẹ càng được tạo sữa nhiều, cha mẹ nên tin tưởng rằng bé "ăn là đói và dừng nghĩa là no".

Bổ sung vitamin D hợp lý và đúng cách

Vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển xương, tăng trưởng chiều cao, củng cố hệ miễn dịch cho cơ thể của bé. Nhóm bé bú mẹ liên tục (nhất là khi mẹ thiếu hụt vitamin D) và nhóm bé hầu như không được tắm nắng (lại không được bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin D) rất dễ bị còi xương.

Nếu vậy, bạn cần đưa bé đi khám và xin ý kiến của bác sĩ.

Phơi nắng

Những ngày ấm áp, bạn nên cho trẻ phơi nắng buổi sáng thường xuyên mỗi ngày, thời gian phơi nắng khoảng 15 - 20 phút và nên phơi trước 9 giờ sáng. Phơi nắng qua cửa kính tác dụng sẽ như không bởi như vậy trẻ sẽ không nhận được vitamin D từ nắng.

Để ý tới từng dấu hiệu nhỏ của bé

Nếu bé không tăng cân, không đi vệ sinh đều đặn, ngủ nhiều, quấy khóc, bỏ bú, chất thải của bé đôi khi quá rắn hay quá lỏng... Đó là những biểu hiện bất thường, khi đó bạn không nên chần chừ mà hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Để ý tới lịch tiêm chủng cho con

Ngay từ lúc mới sinh ra đời, bé đã phải chích ngừa, từ 2 tháng trở đi sẽ có từng đợt tiêm phòng cần thiết. Trẻ cần được thăm khám đầy đủ với mục tiêu sàng lọc bệnh trước khi quyết định tiêm phòng. Cha mẹ cần để ý và sát sao với lịch tiêm của con. Tiêm chủng là việc vô cùng quan trọng cho sức khỏe con.

Phòng bé phải được bố trí hợp lý

Phòng bé ở phải thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh. Phòng phải được bố trí nhiều cửa sổ, cha mẹ cần đảm bảo ánh sáng tốt cho con.

Nhiệt độ nơi bé nằm phải bảo đảm duy trì thân nhiệt của trẻ ở mức bình thường. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, cần giữ ấm trẻ khi trời lạnh như hiện nay và cho trẻ nằm nơi thoáng mát khi thời tiết nóng.

Mát-xa thường xuyên cho bé

Mát-xa là một việc làm cực kỳ có ích cho sự phát triển toàn diện của bé. Mát-xa hàng ngày sẽ tạo nên mối quan hệ sâu sắc hơn về tình mẹ con. Việc trò chuyện tâm sự của người mẹ trong lúc mát-xa sẽ giúp bé tích lũy dần vốn ngôn ngữ.

Bé được mát-xa thường xuyên sẽ có thân hình săn chắc, dẻo dai, mạnh khỏe hơn. Mát-xa vùng bụng giúp bé tiêu hóa tốt hơn, đẩy lùi các chứng rối loạn tiêu hóa hay trướng bụng thường gặp ở trẻ.

Mát-xa vùng đầu giúp bé thoải mái, minh mẫn, mát-xa tay, chân giúp bé giảm mệt mỏi, ngủ ngon, ăn tốt…

Mát-xa giúp loại bỏ các độc tố trong người, giúp bé khỏe mạnh hơn vì làm tăng khả năng bài tiết và quá trình trao đổi chất thông qua làn da bé. Mát xa thường xuyên giúp da bé mềm mại, giàu sức sống. Bé cũng không phải đối mặt với những vấn đề về da như bị nổi mẩn đỏ, khô da.
 
Theo Maskonline
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]