Những mẹo nhỏ giúp bé nhanh biết nói

(Webphunu.net) - Ở giai đoạn từ 1 – 2 tuổi, trẻ bắt đầu biết học nói. Việc kích thích khả năng ngôn ngữ của con là rất quan trọng để giúp con nhanh biết nói.

15.6111
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ thường diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi. Với mỗi trẻ, các giai đoạn này có thể diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều kiện tiếp xúc của trẻ và tố chất của từng bé. Ở bé trai, sự phát triển ngôn ngữ thường chậm hơn một chút so với bé gái.

Những gợi ý của webphunu.net sau sẽ giúp bé nhà bạn nhanh biết nói hơn và phát âm cũng chuẩn hơn:

1. Trò chuyện với bé sớm và thường xuyên



trong giai đoạn học nói của trẻ, gia đình cần thường xuyên giao tiếp bằng ngôn ngữ với con để trẻ nghe, hiểu và bắt chước. (Ảnh minh hoạ)
 
Trò chuyện với bé vừa chào đời có vẻ vô nghĩa, nhưng tai con bạn và phần não phản ứng với âm thanh đã được kích hoạt từ khi chưa sinh. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa Mỹ, càng nhiều từ bé sinh non nghe được khi ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, bé càng phản ứng nhiều hơn với âm thanh của mình.

Điều này cho thấy trò chuyện với bé sinh non có thể khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ. Cách này cũng có lợi với bất cứ trẻ nào. “Nói càng nhiều càng tốt cho bé. Bé hấp thụ nhiều hơn bạn nhận ra”, tác giả nghiên cứu tiến sĩ Melinda Caskey, giáo sư nhi khoa ở Đại học Brown (Mỹ) nói.

Đặc biệt, trong giai đoạn học nói của trẻ, gia đình cần thường xuyên giao tiếp bằng ngôn ngữ với con để trẻ nghe, hiểu và bắt chước. Khi trẻ đã có được một số âm kép như pa pa, ba ba, bà bà… thì việc cung cấp vốn từ để trẻ nói các âm đơn có nghĩa là rất cần thiết.

Để giúp trẻ, bạn nên sử dụng các âm đơn để nói với con, không nên nói cả câu dài trẻ sẽ khó nghe, khó bắt chước. Ví dụ, khi bạn cho trẻ tắm thì nên nói nhiều lần từ “tắm, tắm, tắm”, hoặc khi bật đèn thì bạn nên nói “đèn, đèn” kéo dài từ và nói rõ từ để trẻ kịp nghe, hiểu sau đó thì hướng dẫn trẻ bắt chước với mẫu câu “con nói đèn/ tắm/ mẹ/ bác/ anh… nào?”.

Khi trẻ đã học được khối lượng từ đơn khá hơn thì bạn bắt đầu tăng dần số từ trong câu cho bé như “tắm em”, “bật đèn”… rồi tăng dần thành câu hoàn chỉnh. Bên cạnh việc nói với trẻ thường xuyên bạn cũng nên kích thích nhu cầu nói của trẻ.
 

2. Cho bé nghe nhạc thường xuyên



Trẻ em rất thích nghe nhạc, nhất là những bản nhạc vui vẻ, rộn ràng. (Ảnh minh hoạ)
 
Mẹ hát hoặc mở nhạc cho bé nghe hàng ngày cũng giúp bé nhanh biết nói vì trẻ em rất thích nghe nhạc, nhất là những bản nhạc vui vẻ, rộn ràng. Khi có giai điệu bé thường chuyển động nhún nhẩy cùng âm nhạc một cách hứng thú. Chính điều này rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.

Việc lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để bé ghi nhớ những lời mà bé yêu thích, từ đó, con sẽ rất nhanh hát theo.Lâu ngày tạo thành phản xạ bé sẽ phát âm khi nghe được bài hát quen thuộc. Lúc đầu có thể bé phát âm không rõ nhưng dần dần bé sẽ "chỉnh" được âm tiết chuẩn hơn, nghe rõ hơn.


3. Không chiều bé một cách thái quá


Bạn không nên vội vàng thực hiện các yêu cầu bằng cử chỉ của con mà nên chờ đợi trẻ phát ra âm thanh để thể hiện nhu cầu, nếu trẻ không có tín hiệu thì bạn nên hướng dẫn. Ví dụ, khi muốn uống nước, trẻ hướng tay bạn lại phía bình nước, bạn nên chờ đợi trẻ có tín hiệu ngôn ngữ với mình như “ư ư” sau đó bạn chỉ vào bình nước và nói với trẻ “nước, nước” rồi lấy cho con uống. Dần dần bạn yêu cầu “con nói nước” rồi mới lấy nước cho trẻ uống.

Bạn cũng đừng nuông chiều bé bằng cách cho con chơi điện tử bằng hoặc xem tivi hàng ngày, vì điều này rất có hại cho sự phát triển của bé. Tiến sỹ Timothy Doran, bác sỹ khoa nhi tại Trung tâm Y tế Baltimore đã chia sẻ với CBS: “Việc chơi iPad không giới hạn hay chơi từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày sẽ ảnh hưởng rất xấu đến quá trình phát triển của trẻ. Thực tế, điều này là rất nguy hiểm với sự phát triển thể chất ở trẻ.”
 

4. Nên cho bé tiếp xúc với đám đông hoặc các hoạt động tập thể



Thường xuyên cho bé đi chơi, tiếp xúc với đám đông bé sẽ rèn luyện tính bạo dạn, tự tin khi giao tiếp.(Ảnh minh hoạ)
 
Nếu có thời gian, thỉnh thoảng bạn cho bé đi công viên hoặc khu vui chơi giải trí để bé được tiếp cận với không gian mới. Trong lúc đi chơi, bạn có thể hỏi con những thứ mà con nhìn thấy và yêu cầu con trả lời; điều này, cũng giúp bé tích luỹ được số từ ngữ đáng kể.

Bạn nên thường xuyên cho con tiếp xúc với mọi người, nhất là những đứa trẻ cùng tuổi hoặc lớn hơn một chút. Trẻ sẽ học được nhiều từ những người bạn, đồng thời rèn luyện tính bạo dạn, tự tin khi giao tiếp.
 

5. Kể truyện cho con nghe trước khi đi ngủ


Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu . Ngoài việc giúp con đi vào giấc ngủ được ngon hơn, sâu hơn thì việc đọc truyện sẽ khiến bé được tiếp nhận nhiều từ vựng “hay ho” từ những cuốn truyện cổ tích.

Bé có khả năng lĩnh hội ngôn ngữ và phát triển nhận thức tốt hơn hẳn những trẻ khác là bởi bố mẹ chúng thường xuyên đọc truyện cho nghe từ khi còn rất nhỏ.

Việc cha mẹ đọc truyện cho nghe khi chưa đến tuổi đi học cực kỳ có lợi, điều này sẽ giúp phát triển tốt kỹ năng ngôn ngữ cho bé.
 

7. Cùng tham gia trò chơi với bé



Trò chuyện, cùng chơi với bé không chỉ giúp bé tăng khả năng ngôn ngữ mà còn phát triển trí sáng tạo hơn rất nhiều. (Ảnh minh hoạ)
 
Chơi cùng bé sẽ giúp bé tự tin hơn, tăng khả năng sáng tạo hơn. Bạn và bé hoặc cùng một số bạn nhỏ khác có thể thay nhau đóng vai các nhân vật trong chuyện cổ tích hoặc phim hoạt hình cho sinh động. Đây là một bí quyết nhiều chị em lựa chọn để phát triển ngôn ngữ cho con.
 

8. Luôn động viên, khích lệ bé


Dạy con là cả một quá trình, trong thời kỳ bé tập nói bạn càng cần kiên nhẫn hơn vì tuỳ theo mỗi bé mà có bé biết nói nhanh bé biết nói chậm. Bạn nên động viên, khích lệ mỗi khi bé nói, nên tích cực trò chuyện cùng bé. Cố gắng đừng tỏ ra cáu kỉnh, quát mắng vì bé nói sai hoặc chê bai bé; điều này sẽ khiến bé mất tinh thần thậm chí lâu ngày bé không muốn nói cùng bạn nữa.

Lưu ý: nếu bé có nói ngọng bạn cũng nên chỉnh bé theo giọng chuẩn, đừng bắt chước theo giọng của con. Lâu ngày thành thói quen, bé rất dễ bị nói ngọng.


Trong quá trình bé học nói, các bậc phụ huynh nên vừa dạy trẻ vừa theo dõi thêm, nếu đến 2 tuổi mà khả năng ngôn ngữ của trẻ vẫn không được cải thiện đáng kể, trẻ vẫn chỉ nói được một ít từ đơn thì bạn nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý trẻ em để được đánh giá và tư vấn các biện pháp hỗ trợ phù hợp./.
Masumi (Tổng hợp)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]