Những ngộ nhận về bệnh tiểu đường

15.5892
ANTĐ - Qua thống kê, gần 1/3 số người bị bệnh tiểu đường không biết mình có bệnh bởi nó âm thầm tiến triển mà không hề có dấu hiệu báo trước. Cùng với đó, vẫn có một số ngộ nhận dẫn đến hiểu lầm về căn bệnh này.

Nguyên nhân là béo phì hoặc ăn quá nhiều đường

Bệnh tiểu đường thường liên quan đến béo phì và tiêu thụ đường. Tuy nhiên, đây không phải là 2 thủ phạm chính bởi bệnh đái tháo đường có nhiều dạng, do nhiều nguyên nhân: Bệnh tiểu đường type 1, 2, tiểu đường do thai kỳ, cũng có người bị tiểu đường tạm thời do dùng thuốc hay phẫu thuật… Trong số này, tiêu thụ đường ở mức cao và béo phì là yếu tố nguy cơ thực sự đối với bệnh tiểu đường type 2. Mặc dù vậy, không phải ai béo phì cũng bị tiểu đường và nhiều người bị bệnh có trọng lượng ở mức bình thường.

Không kiểm soát được bệnh phải dùng đến insulin 

Việc bổ sung insulin nói chung thường ở giai đoạn bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng. Có những người kiểm soát được bệnh tiểu đường thành công bằng chế độ ăn uốngtập thể dục hợp lý, nhưng ngược lại, một số người không để ý, đến khi biết thì bệnh tình đã ở giai đoạn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ở người bị bệnh tiểu đường type 1, tuyến tụy ít hoặc không sản xuất insulin nên có người vẫn phải tiêm insulin từ khi còn trẻ.

Tiểu đường thai kỳ sẽ tự hết

Trong thời gian mang thai, nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi, trong đó có cả kích thích tố ảnh hưởng đến tiêu hóa có thể dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ, và sau khi sinh, hầu hết căn bệnh này tự biến mất. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 ở bà mẹ và em bé sau này, vì vậy cần ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tránh béo phì để phòng bệnh. 

Người bị tiểu đường không thể uống rượu

Thực tế thì bệnh nhân có thể uống rượu nhưng chỉ trong chừng mực nhất định. Một nguyên tắc nhỏ là nên uống bia, rượu vang, tránh xa đồ uống hỗn hợp có đường hay các loại cocktail. Rượu không làm tăng mức đường huyết, nhưng insulin và các loại thuốc khác có thể hòa lẫn với rượu gây ra giảm đường huyết đột ngột (thậm chí đến hôm sau mới có tác dụng), có thể gây nguy hiểm.

Phải ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt

Với người lần đầu tiên được chẩn đoán tiểu đường, họ nghĩ rằng phải vĩnh viễn chia tay với đồ ngọt và thức ăn giàu carbohydrate (gồm đường, tinh bột, chất xơ). Tuy nhiên, chỉ cần giới hạn kẹo và thực phẩm kể trên, không đến mức phải kiêng khem tuyệt đối bởi ai cũng cần có một chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì sức khỏe tốt. Điều quan trọng nhất là sự điều độ và kiểm soát khẩu phần bằng cách kiểm tra lượng đường huyết trước và sau khi ăn các thực phẩm yêu thích đó để điều chỉnh. 

Bệnh nhân tiểu đường dễ bị cúm 

Không hề, những người bị bệnh tiểu đường không dễ bị nhiễm virus cúm hoặc cảm lạnh hơn so với người khác. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân tiểu đường nên tiêm vaccine cúm mỗi năm vì virus cúm nếu kết hợp với bệnh này thì việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân tiểu đường khi bị cúm hay gặp biến chứng hơn cả.

Bị bệnh tiểu đường có nghĩa số phận đã định

Thực tế, đây là một căn bệnh cần chữa trị nghiêm túc chứ không phải buông xuôi. Rất nhiều người thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ, thận trọng trong chế độ ăn uống và thuốc men, tập thể dục thường xuyên nên họ vẫn lạc quan và có một cuộc sống hạnh phúc. Tóm lại, đái tháo đường là căn bệnh có thể kiểm soát, miễn là bệnh nhân muốn hướng đến cuộc sống khỏe mạnh.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]