Những người trẻ làm thay đổi nghệ thuật Việt

Bất chấp những gì xưa cũ, những gì bức bí, những gì chưa đẹp của đời sống nghệ thuật 2012, họ vẫn bứt lên và tỏa sáng nhờ tài năng và tuổi trẻ - không gì có thể kìm hãm được. TIN BÀI KHÁC

31.2102


Trang Trịnh - Người gieo hạt mầm tình yêu nhạc cổ điển

Vóc người nhỏ nhắn, dáng đi thanh thoát và giọng nói nhẹ nhàng, nét xinh xắn của Trịnh Mai Trang (nghệ danh Trang Trịnh) thật đối nghịch với câu chuyện kỳ diệu lớn lao mà cô đang nỗ lực gieo vào đời sống. Trở về nước sau nhiều năm miệt mài luyện ngón đàn dương cầm ở Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh (tốt nghiệp xuất sắc với bằng thạc sĩ), cô viết câu chuyện của đời mình như một nghệ sĩ dương cầm từ nỗi cô đơn mà cô đang thấm thía kể từ khi trở về nước.

Cô gái trẻ cảm thấy mình thuộc về quê hương, nhưng trên mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn cô lại không có được vị trí xứng đáng cho âm nhạc cổ điển bác học của phương Tây mà cô được đào tạo.Không như nhiều nghệ sĩ cổ điển khác an phận trong góc nhỏ cô đơn, Trang chọn thái độ dấn thân trên con đường tìm cách lan tỏa tình yêu và sự hiểu biết đối với âm nhạc cổ điển.

Cô chia sẻ, trình diễn sân khấu chỉ là phần nổi của dự án mà cô đang theo đuổi. Phần chìm của dự án là rất nhiều buổi gặp gỡ với nhiều người. “Những buổi gặp rất đơn giản. Tôi đến nhà họ để đàn cho họ nghe hay dạy đàn cho con họ, và chủ yếu là để nói chuyện về âm nhạc”, Trang nói.


Pianist Trịnh Mai Trang - "Nhật kí dương cầm" (2011), "Beethoven Fantasy" (2012)

Bằng cách này, Trang hi vọng giảm bớt được khoảng cách giữa người trình diễn và người nghe, giữa nhạc sĩ sáng tác sinh sống từ hàng thế kỷ trước với người đương thời, giữa tác phẩm kinh điển và đời sống thường nhật…Khoảng cách ấy vốn là lý do khiến người ta xa cách, không còn nghe nhạc cổ điển. Nỗ lực cá nhân được Trang hi vọng sẽ tạo được hiệu ứng lan truyền từ những người mà cô đã tiếp xúc. Và như thế, Trang nhận thức được trách nhiệm xã hội lớn lao mà một người nghệ sĩ cần phải gánh vác.

Victor Vũ - Nhà làm phim tỉnh táo với đồng tiền

Những dòng thông tin vắn tắt đủ cho thấy nhiều biến chuyển thăng trầm trong sự nghiệp của đạo diễn 38 tuổi Victor Vũ. Năm 2003, anh được đánh giá cao ngay từ bộ phim đầu tay chú ý ngay từ bộ phim đầu tay “Buổi sáng đầu năm”, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành sản xuất phim của Đại học Loyola Marymount (Mỹ).

Năm 2009, anh có bộ phim đầu tiên ra mắt ở trong nước và được khen ngợi “Chuyện tình xa xứ”. Liền năm sau đó là “vụ án" phim nhái "Giao lộ định mệnh” gây tranh cãi lớn trong làng điện ảnh Việt. Cũng trong thời gian bị dư luận “ném đá”, anh im lặng và nhẫn nại để có lời đáp trả bằng bộ phim bom tấn phòng vé “Cô dâu đại chiến”, đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng cho nhà sản xuất dịp Tết 2011.

Victor Vũ - “Buổi sáng đầu năm” (2003), “Chuyện tình xa xứ” (2009), "Giao lộ định mệnh” (2010), “Cô dâu đại chiến” (2011), "Thiên mệnh anh hùng" (2012), "Scandal" (2012)

Không mơ mộng chuyện làm nghệ thuật cao siêu, Victor Vũ biết rõ sự nghiệp của mình chỉ thành công khi khán giả chịu bỏ tiền mua vé cho một bộ phim chỉ vì có cái tên của anh. Bằng chứng là mỗi lần ra mắt phim, người ta lại có điều gì đó để nói về cái mới của Victor Vũ, từ lãng mạn, hài hước cho tới kinh dị, giật gân.

Khi nhà sản xuất chưa hết “ú tim” vì kinh phí kỷ lục cho một bộ phim “bom tấn” võ hiệp thuần Việt, thì liền sau đó anh lại trấn an họ vì cách đầu tư hợp lý và hiệu quả cho một bộ phim giật gân. Anh thuộc về số ít đạo diễn Việt hiện nay hay nói về cụm từ “những đồng tiền xứng đáng”. Có lẽ thành công trong bốn năm về nước làm phim chưa đủ xóa đi ấn tượng Victor Vũ là một đạo diễn trẻ. Hoặc cũng do cách anh im lặng làm việc và không thích rùm beng đời mình trên mặt báo.

Maika - Nhiếp ảnh khám phá chuyện đồng tính

Trong một năm mà nhiếp ảnh Việt gây cảm giác cũ mòn vì sự thống trị lâu năm của những bức ảnh tô màu cuộc sống sao cho lung linh, “đèm đẹp” nhưng hời hợt thông điệp, triển lãm ảnh của Maika Elan bất ngờ nổi bật và gây chú ý ở cả hai khía cạnh. Thứ nhất, nó mở ra khả năng về những hoạt động đóng góp cho xã hội của những người đang theo đuổi dòng nhiếp ảnh tài liệu. Maika biết cách gõ đúng cửa để có số tiền tài trợ cho dự án về những bức ảnh khám phá thế giới thân mật riêng tư của những cặp đôi đồng tính tại VN.

Maika - "Yêu là yêu" (2012)

Thứ hai, câu chuyện về những ngày đi lang thang xuyên Việt, cố gắng tiếp cận, thuyết phục và sống cùng những cặp đôi đồng tính để thực hiện dự án của Maika đã trở thành một ví dụ thuyết phục cho thái độ dấn thân của nhiếp ảnh tài liệu.

45 bức ảnh hé mở thế giới riêng tư của những cặp đôi đồng giới, vốn kín đáo và đầy cô đơn trong một xã hội còn nhiều định kiến và cấm kỵ đối với chuyện đồng tính, là một kết quả hoàn toàn xứng đáng. Bên cạnh thông điệp về tình yêu, sự biểu đạt thuyết phục về nghệ thuật khiến những bức ảnh của Maika được đón nhận ngay cả trong mắt của những người xem có cái nhìn xấu về đồng tính.

Cuối cùng là câu chuyện của chính tác giả. Cô gái Hà Nội nhỏ nhắn, nổi tiếng với các biệt danh nghe rất Tây, có tên trên giấy tờ là Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1986. Câu chuyện của cô rõ ràng đã gợi mở bài học rằng ý tưởng nhỏ của bạn hoàn toàn có thể đem đến cho xã hội một ý nghĩa lớn, miễn là bạn đi tới cùng.

Phan An - Người thách thức hiện thực

Một tính cách mạnh mẽ, hoặc là quá mạnh mẽ, cây bút 28  tuổi đối diện với những góc tối nhất trong xã hội, không ngừng nếm trải nó và suy nghĩ về nó. Sau "Quẩn quanh trong tổ" (2011), "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" (2012) thực sự là một tiến bộ trong tâm thế viết. Tác giả đã giành lại quyền chủ động. Người ta bắt đầu nhìn thấy ở Phan An một tiềm năng khác ngoài khả năng quan sát và hứng chịu hiện thực. Đó là khả năng nắm giữ hiện thực như một chất liệu và đủ bình tĩnh để xoay chuyển nó trong câu chuyện của mình.

Phan An - "Quẩn quanh trong tổ" (2011), "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" (2012)

Phía khác của giới hâm mộ có thể đau đầu phản đối khi Phan An dường như quá cực đoan so với giới hạn chịu đựng của đa số. Nhưng nhìn sâu hơn dưới lớp vỏ bề mặt của câu chữ khó nuốt, Phan An có lẽ là một Người bảo vệ - kết quả sự xen lẫn giữa nhiều phán xét và giàu cảm xúc. Anh cố gắng bảo vệ những giá trị đáng có của con người bằng đòi hỏi quyết liệt, cay đắng và cả không khoan nhượng.

Phong Việt - Kẻ vô danh làm nên kì tích

Không có chút nào giống với một nhà thơ theo cách mà người ta thường nghĩ. Rắn rỏi, nhanh nhẹn với giày thể thao và Jeans, vẻ ngoài Phong Việt rất trẻ so với tuổi 33. Anh trông gần với một nhà báo quan sát showbiz (như thể một ông bầu nghiêm khắc) hơn là một nhà thơ của những vần thơ làm người đọc phải nao lòng, phải nhắm mắt lại mà tìm về kí ức.

Việt Phong - "Đi qua thương nhớ"

"Ai cũng có một câu chuyện không thể kể". Việt nói "Tôi chỉ là viết ra những câu chữ để người ta dựa vào và thả những kí ức của mình". Mỗi bài thơ như một đoạn phim ngắn với chuyển động chậm, nội tâm khắc khoải, cái kết lửng lơ. Đứng giữa ngã rẽ của cuộc đời: đám cưới người yêu cũ, xao động với một người khác giới ở quán cafe, lựa chọn tiếp tục yêu hay bỏ cuộc ....  người ta lúng túng, băn khoăn, đau khổ. Rất nhiều cảm xúc đã từng bị chôn chặt trong lòng. Anh giúp họ giải thoát nó, nhìn lại nó, bằng ánh mắt của một người đã đủ trưởng thành để mạnh mẽ và bao dung, đủ yêu thương để không níu giữ hay áp đặt.

Cho đến hôm nay, sau hơn 1 tháng  phát hành, cuốn sách đầu tay "Đi qua thương nhớ" của Phong Việt đã tiêu thụ khoảng gần 10 ngàn bản và đang in 5 ngàn bản tiếp theo. Một con số đáng mơ ước ngay cả với những nhà văn có tiếng. Nhưng sự thực anh lại tự xem mình không phải là một nhà thơ - chỉ là một kẻ vô danh trong văn chương, chưa từng viết một đầu sách nào trước đó. Và chỉ có "Đi qua thương nhớ" của hiện tại, một thể loại nào đó kết hợp giữa thơ với những chuyện tình lãng mạn và khắc khoải.

Tùng Dương - Ông hoàng mới của nền nhạc Việt

Mọi giải thưởng có thể bị lu mờ bởi Tùng Dương. Sẽ chẳng còn ai nhớ đến giải Sao Mai, Cống hiến hay Bài hát yêu thích, khi nghe Dương hát. Tùng Dương là một kiểu nghệ sĩ tin rằng thành quả ngày hôm nay bắt nguồn từ sự luyện tập, tìm tòi của ngày hôm qua, chứ không phải là đào bới hào quang xa lắc trong quá khứ. Không ít ca sĩ Việt do ăn mặc màu mè mà báo giới đặt cho biệt danh tắc kè hoa, nhưng  nhìn lại trên phương diện nghệ thuật - thì lại chẳng có ai là tắc kè hoa cả. Chỉ có duy nhất một Tùng Dương - người biến hóa - người chưa bao giờ thỏa mãn với mọi giới hạn, từng thử sức với cả jazz, electronic, pop, dân ca, trữ tình hay world music...

Tùng Dương - ông hoàng mới của nhạc Việt

Không phải chờ đến khi Bài hát yêu thíchDương chiến thắng giải của năm và liên tục đứng nhất trong nhiều tháng, người ta mới biết luồng gió hâm mộ của đám đông đã đổi chiều. Sau show Tùng Dương hát tình ca (2012), (2011) hay của Nguyên LêQuê nhà (2011), khán giả đại chúng đã kinh ngạc khi anh có thể hát trữ tình, hát nhạc đỏ hay đến thế. Và thế là họ quên béng đi đã từng đặt cho anh cái biệt danh "quái". Giờ đây, người ta sôi nổi hâm mộ giọng hát Tùng Dương. Và đúng là bây giờ, người ta nhìn Dương như chứng thực một giọng hát số 1 của nhạc nhẹ Việt.

Đã có thể gọi anh là divo nhạc nhẹ hay ông hoàng mới của âm nhạc chưa? Đã có thể rồi. Một ngôi sao sung sức với kĩ thuật chắc chắn khó ai bì, giọng hát tự nhiên, truyền cảm và ấm áp nhờ luyện tập và trời phú, một tâm hồn đồng cảm và rộng mở với âm nhạc nhiều thể loại, từ dân ca đến âm nhạc cổ điển, một nhân cách khiêm nhường luôn học hỏi, trau dồi.... Sẽ không bao giờ có một Tùng Dương một màu, dễ dãi và thỏa mãn. Và bởi thế, người ta sẽ luôn chỉ nhìn thấy một Tùng Dương trên sân khấu, tỏa sáng và thu hút bởi các bài hát của anh - chứ không phải bởi bất kì một danh hiệu hay giải thưởng nào.

Nguyễn Phi Phi Anh - Tiên phong cho nhạc kịch

Tôi nhớ rằng mình từng hỏi ca sĩ Đức Tuấn sau show Thiên thai (11/2011), rằng tại sao anh không tổ chức hẳn một vở diễn nhạc kịch, như West Side Story hay Singing in the Rain chẳng hạn. Đức Tuấn lo lắng nói, không biết sẽ có ai xem không, vì đầu tư thì lớn mà khán giả chưa quen với hình thức âm nhạc ấy.

Giữa năm 2012, một chàng trai trẻ đã xuất hiện, phá vỡ sự nhàm chán của sân khấu và thách thức những người làm nghệ thuật dám nghĩ khác và làm khác. "Góc phố danh vọng" với dàn diễn viên trẻ đã cháy vé trong 4 buổi diễn, thuyết phục khán giả bằng sự gần gũi trẻ trung, thuyết phục giới quan sát bằng sự sáng tạo và dám đào sâu suy nghĩ. Nguyễn Phi Phi Anh 21 tuổi, chưa tốt nghiệp đại học, nhưng đã tự mình đứng ra casting nguyên một ekip mới mẻ, đào tạo những diễn viên có cảm thụ thật xuất sắc như nhân vật Santa hay Rudolph.

Nguyễn Phi Phi Anh - "Góc phố danh vọng" (2012)

Và khán giả vui mừng khi biết Phi Anh sẽ không dừng lại. Vở nhạc kịch trinh thám vừa viết xong "Đêm hè sau cuối" (chuẩn bị ra mắt năm 2013) đã hoàn thiện về mặt âm nhạc và nhận được những lời khen về kịch bản. Chàng sinh viên tưởng chừng như rất trẻ con này có thể thoắt biến thành một ông tổng đạo diễn khó tính và hét ra lửa trên sàn tập. Phi Anh đã trở thành người tiên phong cho nhạc kịch Việt - sử dụng một đội quân diễn viên trẻ trung chưa từng được ai khai thác. Dù vẫn buộc phải sử dụng nhạc nước ngoài bởi tiết tấu đầy kịch tính của nó, nhưng phần lời hát hay kịch bản đã là sự hoàn thiện - "made in Việt Nam" một cách hoàn toàn.

Minh Chánh - Hồ Hương Giang

Quý bạn đọc có thể gửi phản hồi về bài viết tới tác giả theo địa chỉ [email protected][email protected].
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]