Những nhà hát có kiến trúc độc đáo trên thế giới

Nếu có thể đi vòng quanh thế giới để nghe opera, bạn hãy ghé qua những nhà hát opera tuyệt đẹp này nhé. Bởi chúng không chỉ được coi là thánh đường nghệ thuật, mà còn là những công trình kiến trúc độc đáo, ngoạn mục của nhân loại. Tweet

0

Nhà hát Sydney, Úc

Nhà hát có hình vỏ sò này có thể là công trình nổi tiếng nhất trong nửa cuối thế kỉ 20. Nhà hát là biểu tượng của Opera và cũng là biểu tượng của Australia. Công trình này chứng kiến cuộc đấu tranh của kiến trúc sư Đan Mạch, Jorn Utzon, người giành được hợp đồng thiết kế năm 1957 và sau đó từ bỏ dự án trước khi nó hoàn thành năm 1973.

Nhà hát Quả cầu của Shakespeare - London

Nhà hát Quả cầu (Globe) ban đầu được xây dựng bởi Công ty của Shakespeare trong năm 1599, nhưng đã bị phá hủy bởi trận hỏa hoạn năm 1613. Một bản sao của nhà hát này được xây dựng vào năm 1997, chỉ cách vài mét so với di tích ban đầu, sử dụng những tư liệu lịch sử để xây dựng. Mặc dù gần như giống hệt nhau về hình dáng bên ngoài so với phiên bản gốc, nhà hát 857 chỗ ngồi mới có nhiều tính năng hiện đại hơn hẳn, bao gồm cả vòi phun nước trên mái nhà.

Có một chi tiết đặc biệt được giữ nguyên so với kiến trúc ban đầu của nhà hát năm 1599, đó là mái nhà được lợp bằng cỏ tranh. Đây là công trình duy nhất được cho phép lợp mái bằng chất liệu này ở thủ đô nước Anh, kể từ sau trận hỏa hoạn khủng khiếp 1666.

Nhà hát Salle Richelieu, Paris, Pháp

Nhà hát nổi bật bởi chiếc cầu thang lớn được gắn bằng các bức tượng bán thân của các nhân vật nổi tiếng trong quá khứ. Tuy nhiên, hiện nay những bức tượng bán thân của nhà soạn kịch Pháp Corneille đã khá mòn vì nhiều người tin rằng chạm vào nó sẽ mang lại may mắn.

Giáo sư Jan Clarke thuộc Liên đoàn Quốc tế về Nghiên cứu Nhà hát cho biết, nhà hát này cũng giống như một bảo tàng sống, chứa các đối tượng, hiện vật, tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc ghi lại quá trình lịch sử của sân khấu Pháp, trong đó chiếc ghế bành mà cố diễn viên nổi tiếng Jean-Baptiste Poquelin sử dụng trong vở 'Le Malade Imaginaire" chỉ vài giờ trước khi qua đời.

Nhà hát Balboa, San Diego, Mỹ

Nhà hát Balboa được xây dựng vào năm 1924 và được đặt tên theo tên nhà thám hiểm Tây Ban Nha Vasco Nunẽz de Balboa - người châu Âu đầu tiên khám phá ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên sau đó công trình bị rơi vào cảnh hoang phế, phải đến năm 2002 mới được khôi phục trong một cuộc trùng tu quy mô lớn. Theo đó, một bản sao của nhà hát được dựng lên, mô phỏng con tàu của Vasco. Với khoản kinh phí trùng tu khổng lồ 26 triệu đô la Mỹ, nhà hát đã được khôi phục từ một vùng đất bị bỏ hoang trở thành một không gian biểu diễn sang trọng với một thác nước được hoạt động từ bên trong.

Nhà hát Bayreuth Festspielhaus, Đức

Nhà soạn nhạc tài ba Richard Wagner đã trực tiếp giám sát xây dựng nhà hát này để trình diễn những tác phẩm của mình. Đến nay những vở opera của ông vẫn được trình diễn trong dịp kỉ niệm hàng năm. Một điểm lạ ở tòa nhà làm bằng gỗ và gạch đơn sơ này là bạn chỉ có thể nghe được âm thanh mà không thấy sự có mặt của dàn nhạc. Nhiều khán giả có khi phải mất 5 đến 7 năm mới có được vé xem biểu diễn tại nhà hát này.

Nhà hát Teatro Amazonas (Manaus, Brazil)

Cuối thế kỷ 19, người Brazil hân hoan với số tiền kiếm được từ cơn sốt cao su và tuyên bố sẽ xây dựng một nhà hát trong thành phố nằm giữa rừng mưa này. Công trình kiến trúc màu hồng tuyệt đẹp được xây dựng với những nguyên liệu nhập khẩu từ Ý, Pháp và Scotland. Công trình này mất đến 15 năm để hoàn thành với những vật liệu được thu thập từ nhiều nơi trên thế giới. Ngói dùng để lợp mái nhà được nhập từ vùng Alsace, Pháp; cầu thang và các cột chống được làm bởi các nghệ nhân Ý, vật liệu để xây dựng bức tường thép được mua từ Glasgow.

Nhà hát Quốc gia Noh (Tokyo)

Không hề được xây dựng từ những vật liệu quen thuộc như xi măng và thạch cao, nhà hát Noh của Nhật Bản được xây dựng từ gỗ của một cây bách có tuổi thọ lên tới 400 năm. Sân khấu có thể nhìn thấy từ 3 hướng khác nhau và hàng ghế khán giả trải dài với hình dạng cánh quạt.

Mặc dù mang đậm dấu ấn truyền thống, song cơ sở vật chất của Nhà hát cũng được trang bị những công nghệ hiện đại. Mỗi chỗ ngồi của khán giả có hệ thống phụ đề cá nhân, có thể được thay đổi từ tiếng Nhật sang tiếng Anh và ngược lại. Noh (có nghĩa là “kỹ năng”, “tài năng”) cũng là tên gọi của một loại hình nhạc kịch truyền thống của Nhật Bản.

Nhà hát Teatro Olimpico, Vicenza, Ý

Nhà hát từ thời Phục hưng này do kiến trúc sư người Italy, Andrea Palladio thiết kế và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Teatro Olimpico được xem như một kiệt tác kiến trúc. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những bậc thềm bằng đá hoa cương nguyên bản khiến bạn có cảm giác những con phố như lùi lại phía sau.

Nhà hát Bolshoi, Moscow

Nhà hát Bolshoi là một nhà hát lịch sử ở Moscow, Nga, được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Joseph Bové, nơi đây được dùng để biểu diễn ballet và opera. Đây cũng là nơi quy tụ những vở ballet và nhạc kịch nổi tiếng, công trình kiến trúc từ thế kỉ 19 này nằm gần điện Kremlin và Quảng trường Đỏ. Đây đã từng là địa điểm tổ chức cuộc họp của các nhà lãnh đạo Xô viết. Chính tại nơi này, vào năm 1922, Liên bang Xô viết đã ra đời và trong suốt thời kì nắm quyền, Stalin đã tham dự màn mở đầu của tất cả các tiết mục. Tòa nhà đồ sộ có màu vàng và đỏ này được mở cửa trở lại vào năm 2011 sau thời gian dài trùng tu.

Nhà hát Minack (Cornwall, Anh)

Nhà hát Minack bên bờ biển Cornwall của Anh từ lâu vốn nổi tiếng là một trong những rạp hát ngoài trời bằng đá, đẹp và thơ mộng nhất thế giới. Với tầm nhìn hướng ra biển và những cơn sóng gầm rú có thể làm khán giả mất tập trung, nhưng bên cạnh đó cũng là “gia vị” thêm vào khiến cho vở kịch thêm hấp dẫn.

Nhà hát là “đứa con tinh thần” của Rowea Cade, người đã quyết định biến khu vườn của mình thành một rạp hát địa phương. Vào năm 1932, Cade cùng với người làm vườn của mình đã kéo hàng tấn đá từ bãi biển phía dưới và tạo ra một nhà hát cố định, mở cửa để chào đón công chúng.

Theo Báo Xây Dựng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]