Những nhà khoa học điên

Newscientist, một trong các tờ báo khoa học có tiếng trên thế giới ngày 21-11-2006 đưa tin một người Mỹ đã tự chế tạo được lò PUNH (lò phản ứng nhiệt hạch) loại nhỏ. Người được bạn bè gọi là “nhà khoa học điên” ấy tên là Thiago Olson, 17 tuổi, đang học phổ thông trung học ở Detroit

15.5739
Cậu đã bỏ ra hai năm vào việc chế tạo lò PUNH ngay tại ga-ra ô tô của bố mình. Thiết bị gồm một số bộ phận của máy X-quang chụp tuyến vú (mammogram machine). Olson bơm deuterium vào một buồng chân không và tạo ra điện thế cao 40.000 v nhằm bắt các hạt nhân lại gần nhau và kết hợp thành helium – tương tự quá trình sinh năng lượng trên mặt trời. PUNH là lò phản ứng tổng hợp hai loại hạt nhân nhẹ deuterium và tritium thành hạt nhân nặng helium. Quá trình này giải phóng ra một năng lượng cực lớn. Lò PUNH nếu kiểm soát được thì sẽ có thể phát ra nguồn điện vô cùng lớn; nó cũng an toàn hơn do không thải ra các chất phóng xạ; nguyên liệu deuterium và tritium lại có nhiều gần như vô tận trên trái đất. Bởi vậy nhà máy điện dùng lò PUNH được coi là giải pháp cung cấp năng lượng tốt nhất cho loài người trong tương lai, khi mọi khoáng sản (kể cả uranium) đều cạn kiệt. Nhưng việc thực hiện PUNH kiểm soát được lại cực kỳ khó khăn. Hiện chưa có lò PUNH đích thực nào được xây dựng. Công trình của Olson thật gây ấn tượng, nhưng nó không là công trình đầu tiên. Olson chỉ đứng thứ 18 trong số những người say mê tự làm lò PUNH trên thế giới. Năm 1997, Richard Hull ở Richmond bắt đầu tự làm một lò PUNH sau khi xem kỹ sư điện tử kiêm nhà viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Tom Ligon biểu diễn mẫu lò ông tự làm. “Trong khoảng một tháng, tôi chế tạo xong một lò PUNH” – Hull kể. Năm nay 62 tuổi, ông đang làm mẫu lò thứ 5. Hằng năm ông đều mời các nhà khoa học quan tâm vấn đề này gặp nhau. Các nhà khoa học điên coi công việc của mình là một thú tiêu khiển ấy liên hệ với nhau trong tổ chức gọi là Câu lạc bộ Neutron có tới hơn 100 người trên khắp thế giới. Họ thường xuyên post các kết quả nghiên cứu lên mạng để trao đổi. Các lò PUNH a-ma-tơ dựa trên nguyên lý bản thiết kế hồi thập niên 60 của nhà phát minh truyền hình Philo Farnsworth. Phần chính của lò là một quả cầu thép nhỏ xung quanh quấn đầy dây điện và các ống thí nghiệm. Hiện nay năng lượng phát ra từ những cái gọi là lò PUNH ấy vẫn còn nhỏ hơn năng lượng nó tiêu thụ. Nói cách khác, còn lâu chúng mới có thể phát ra điện..

Chính quyền Mỹ hiện nay chưa can thiệp vào công việc của các nhà khoa học điên này, vì thấy các thiết bị của họ chưa thể gây nguy hiểm cho người khác. Vả lại ở Mỹ, từng có nhiều phát minh của các a-ma-tơ đã đem lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật rất lớn.

Nguyễn Hải Hoành
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]