Những phương pháp chữa bệnh lạ trên thế giới

Để chữa bệnh, người ta dùng nhiều cách miễn là có hiệu quả. Trong đó, nhiều phương pháp chữa bệnh kỳ lạ đã được áp dụng trên thế giới như chữa bệnh bằng động vật, côn trùng.

15.6042

Để chữa bệnh, người ta dùng nhiều cách miễn là có hiệu quả. Trong đó, nhiều phương pháp chữa bệnh kỳ lạ đã được áp dụng trên thế giới như chữa bệnh bằng động vật, côn trùng. Người ta không chỉ dùng các bộ phận của cơ thể chúng, qua chế biến hoặc chiết xuất các hoạt chất có trong đó, mà còn dùng các vật sống để điều trị.

 Chữa bệnh bằng cá.

Ở nông thôn nước ta, nhiều người nhất là trẻ em, khi bị ghẻ lở, thường thích ra tắm sông để nhờ cá mương rỉa rói các chỗ ngứa ngáy, vừa dễ chịu, vừa mau khỏi. Tương tự tại nhiều suối nước nóng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển cách này. Loài cá Chinchiyu sẵn sàng và thích thú làm nhiệm vụ dọn dẹp sạch sẽ những vùng da chết trên cơ thể, giúp da sáng đẹp, làm mau lành những bệnh ngoài da. Cách này không gây đau đớn mà còn tạo cảm giác khoan khoái.

Ong

Nọc ong có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh như thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, huyết áp cao, hen phế quản, suy nhược thần kinh... có kết quả tốt. Ngoài cách dùng các sản phẩm của ong, một số thầy thuốc còn dùng trực tiếp ong chữa bệnh (apicotherapie) như cho ong châm một số huyệt trên người. Mỗi lần ong đốt nọc tiết ra trung bình 0,3 – 0,4mg.

Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý làm thử nghiệm trước tình trạng dị ứng với nọc ong, vì nọc này có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là các phản ứng và hội chứng dị ứng, nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ với tỷ lệ tử vong rất cao. Nước Mỹ là nơi nuôi nhiều đàn ong nhất (15 triệu đàn) nên có số người tử vong do bị ong mật đốt khá cao, tỷ lệ chết do những tai biến ong đốt là 12%, xuất huyết giảm tiểu cầu 12%, phù thanh quản hay gặp nhất (50% bị rối loạn hệ hô hấp).

Nhện

Ở Brazil có loài nhện tên là Phoneutrianigriventer, nọc độc nhẹ không gây chết người, nhưng qua nghiên cứu, các nhà y học Mỹ và Brazil phát hiện một điều thú vị, lôi cuốn họ vào những cuộc thử nghiệm khoa học tỉ mỉ. Các nạn nhân bị loài nhện này châm chích, đặc biệt là các quý ông cảm thấy “của quý” xuất hiện những cơn cương cứng liên tục, kéo dài. Có nhận xét, nọc nhện này hấp dẫn hơn viagra (thuốc chữa nhược dương) vì thuốc không làm hài lòng khoảng 1/3 nam giới có chứng rối loạn cương thể yếu hay trung bình do tính chất chỉ là trợ thủ cho tính cương. Còn nọc nhện gần giống như một thuốc cương dương tráng kiện, qua theo rõi thấy nó làm tăng đáng kể áp suất máu trong dương vật và giải phóng oxyd nitric nhiều hơn.

Bọ cạp

Đông y gọi là toàn yết (toàn bộ con bọ cạp) và yết vĩ (đuôi bọ cạp). Bọ cạp có tên khoa học là Lychas mucronatces Fabr, nọc bọ cạp là hỗn hợp protein có hoạt tính sinh học cao (protein chiếm tới 92% trong dịch nọc bọ cạp). Độc tố trong nọc là hợp chất tự nhiên, liều lượng ít sẽ kích thích thần kinh, tăng cường hoạt động tim mạch, liều lượng cao có thể gây tử vong hoặc liệt cơ quan. Dùng ở liều hợp lý, có tác dụng chữa các chứng rối loạn thần kinh, tay chân run rẩy ở người già. Bọ cạp qua chế biến (rang hoặc rán trên 85oC) hoặc ngâm trong rượu cồn thì không gây độc và được coi là món ăn khoái khẩu  vì mang lại sức khỏe như Hercules. Nhiều nơi còn bán bọ cạp sống dùng để ngâm rượu, chữa các bệnh đau nhức xương khớp.

Đỉa

Được ứng dụng trong y khoa từ thiên kỷ II trước Công nguyên. Trong số 800 loài đỉa còn lại hiện nay thì loài Hirudo medicinales được coi là trợ thủ đắc lực trong một số lĩnh vực của y khoa. Loài này dài khoảng 7 – 9cm, thân hình màu xanh phớt và các sọc dọc màu đỏ và đen, với một giác hút ở mỗi đầu. Đỉa hút máu nhờ 3 hàm quanh miệng của nó. Đỉa giữ số máu hút được trong một ống tiêu hóa có tính giãn nở cao. Đỉa chỉ buông con mồi khi đã hút máu no nê. Chứng tích nêu lên việc dùng đỉa chữa bệnh từ xa xưa là các bức bích họa trên ngôi mộ cổ của một viên thư lại Ai Cập, tên là Userhat, chết năm 1308 trước Công nguyên, thể hiện cảnh một bác sĩ đang dùng những con đỉa áp lên trán một bệnh nhân. Đỉa, ở thế kỷ 21 vẫn được y học hiện đại sử dụng. Liệu pháp đỉa (Leech therapy) được áp dụng:

- Gây tê quanh vết thương (do hoạt chất có trong nước bọt của đỉa).

- Làm gia tăng lượng máu lưu thông, ngăn ngừa tình trạng đông máu.

- Làm giảm đau: Qua thử nghiệm, có so sánh đổi chứng với một số người bị viêm khớp gối. Nhận thấy, những người được cho đỉa bám vào đầu gối đau, thời gian khoảng 1 giờ thì sau 3 ngày đã thấy giảm đau, hiệu quả kéo dài 4 tuần lễ, không có phản ứng phụ hay viêm nhiễm, còn nhóm áp dụng liệu pháp thông thường không đạt hiệu quả trên.

- Trong phẫu thuật thẩm mỹ, đỉa rất có hiệu quả trong việc nối lại các phần có thể bị tách rời do tai nạn hay một nguyên nhân nào khác, như ghép ngón tay (chân) bàn tay (chân), tai, mũi, núm vú... Đặc biệt có ích khi dùng đỉa nối các tĩnh mạch vì nó quá nhỏ hoặc do máu đông làm nghẽn mạch (nhờ chất hirudin có trong nước bọt đỉa, tác dụng chống đông máu).

Kiến đen

Trong một y văn cổ, cách đây 2000 năm, có ghi lại việc dùng kiến đen trong phẫu thuật. Hiện nay tại Nam Mỹ, loài kiến đen khổng lồ Eciton brucelli rất được ưa dùng trong việc khâu các vết thương ở bụng.

Dòi

Đàn dòi, từ loài nhặng xanh có tên khoa học là Lucilia sericata được dùng trong y khoa, chúng được đựng trong các túi vải nhân tạo với thức ăn đủ cho chúng không chết. Nó được sử dụng trong phẫu thuật các bộ phận của cơ thể người khi bị hoại tử. Nó chui rúc trong vết thương, làm sạch bong mọi tế bào đã chết. Nhìn dòi tiết ra hợp chất làm giảm độ acid, làm thay đổi môi trường sống của vi khuẩn và dịch tiêu hóa của dòi có tính năng khử khuẩn đặc biệt nên dòi đạt hiệu quả cao hơn kháng sinh. Chúng tác động cả với các loại khuẩn đã kháng lại kháng sinh và khi mức nhiễm khuẩn ở vết thương càng nhiều thì nồng độ hợp chất diệt khuẩn càng đậm đặc. Để ngăn dòi không phát triển thành nhặng nên bác sĩ cứ sau 3 ngày lại thay đàn dòi mới. Nhờ dòi, đã giúp cho ngành phẫu thuật sinh học hồi sinh. Hiện nay, đã hoàn thiện thành công phương pháp nuôi cấy dòi tiệt trùng nên đã loại bỏ được khả năng gây nhiễm bệnh. Dòi liệu pháp đã được ứng dụng ở Anh, Mỹ, Itxraen, đặc biệt được ưa chuộng ở Đức. Ở nước này, một túi nilon 100 con dòi đã được tiệt trùng, có giá bán 124 D mác. 

Phạm Tiếp

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]