Nhưng 4.300 chưa phải là con số cuối cùng, bởi nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số 4.300 của hiện tại sẽ thành 25.000 người chết mỗi năm ở tương lai.

Nói bom, ở chỗ đây là những cái chết yểu. Gắn kèm chi phí y tế “khổng lồ” đối với ngân sách nhà nước và “tán gia bại sản” đối với những nạn nhân - nhân dân.

Nói bom, là vì lượng chất thải khí như sunfat, nitrat hay lưu huỳnh dioxit (SO2), oxit nitơ (NOx), carbon dioxit (CO2), thủy ngân, thạch tín… ngoài việc gây ra mưa axit, hủy hoại những dòng suối, những cánh rừng, gây hại cho mùa màng, đất đai, còn có thể lan rộng trong phạm vi hàng trăm kilomet khiến những người tiếp xúc với chúng bị phá hủy tim mạch, đường hô hấp, hệ thần kinh, tăng nguy cơ ung thư phổi, đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp truyền nhiễm chết người...

Nói bom, vì đây là những tình trạng, những con số được đưa ra trong một hội thảo khoa học của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và dựa trên báo cáo của ĐH Harvard - mà ngay cái tên đã là một sự đảm bảo! 

Nhưng vấn đề lại ở chỗ đây rất có thể sẽ lại một quả bom xịt. Tức là mọi việc ngay ngày mai sẽ lại rơi tõm vào im lặng, chẳng hạn cho đến khi con số 25.000 người chết yểu mỗi năm không còn là nguy cơ nữa.

Thực tế cho thấy đã có không ít các “quả bom xịt” dẫu là có không ít cảnh báo tình trạng cuộc sống của người Việt đang bị đầu độc.

Chất tạo nạc - khiến ngay cả con heo cũng không thể đứng nổi - liên tục được cảnh báo. Và sau đó là những ứng phó nhất thời kiểu “lên cơn trách nhiệm”, kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

100.000 tấn thuốc trừ sâu các loại mỗi năm vào Việt Nam qua đường chính ngạch trong sự thờ ơ và bất lực của cơ quan quản lý, khiến người dân giờ đây có khi phải tự bảo vệ bằng cách mua một cái thùng xốp trồng rau trên ban công.

Cả thế giới khua chiêng gõ trống báo động việc hàng dệt may của Trung Quốc chứa hàm lượng chất gây ung thư formaldehyde cao quá mức cho phép. Riêng tại Việt Nam, quần áo, vải sợi Trung Quốc vẫn tràn ngập mà có tài thánh, có thông thái đến mấy người dân cũng không thể nhận biết sản phẩm nào đã được kiểm tra hay chưa, có an toàn không!

Chúng ta không thiếu cảnh báo về những “quả bom” hiểm họa. Nhưng vấn đề ở chỗ, đối với những “quả bom” này, phải có sự kiểm tra, xử lý hay ít nhất là trả lời cho người dân đối với những hiểm họa đang đe dọa cuộc sống của họ.