Những sai lầm thường gặp khi chăm trẻ mắc bệnh hô hấp

Dân trí Sự thay đổi thất thường của thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh hô hấp phát triển, tấn công cơ thể non nớt của trẻ. Bác sĩ cảnh báo, cách chăm sóc sai lầm của phụ huynh khiến nhiều bệnh nhi bị biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

15.5622

Cha mẹ vô tình làm khổ con nhỏ

Ngồi bên giường bệnh, luôn tay phe phẩy chiếc quạt gió cho cậu con trai Trần Văn B. (3 tuổi) điều trị tại khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1, đang trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, thi thoảng lại ho sù sụ từng cơn, chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú) không giấu nổi lo lắng.

 

Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1

Nói về bệnh tình của con, người mẹ bùi ngùi: “Bình thường thằng bé rất khỏe mạnh và hiếu động. 5 ngày trước do thời tiết oi bức nên buổi tối tôi mở máy lạnh ở nhiệt độ thấp, nhưng ngủ quên nên không điều chỉnh. Sáng tỉnh giấc thấy thằng bé không đắp chăn, chân tay lạnh ngắt. Buổi chiều, bé đi học về thì bắt đầu ho, sốt, tôi mua thuốc về cho uống nhưng không đỡ. 2 ngày sau bé nằm li bì, tôi đưa con đến bệnh viện thì bác sĩ cho biết cháu đã bị viêm phổi nặng”.

Một ca bệnh khác là bệnh nhi 2 tuổi, ngụ tại Long An đang phải cấp cứu, điều trị tích cực do bị viêm mủ màng phổi. Qua khai thác bệnh sử từ gia đình, trước khi vào viện cháu bị ho, sốt nên người hàng xóm cho đơn thuốc được bác sĩ kê khi con chị ta bị bệnh hô hấp. Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc theo toa của bác sĩ cho bệnh nhân khác, bệnh của bé ngày càng nặng, lúc này gia đình mới chuyển đến bệnh viện thì bệnh nhi đã rơi vào tình trạng biến chứng viêm mủ màng phổi.

ThS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay: Tình trạng viêm mủ khiến màng phổi bệnh nhi bị dính, nguy cơ áp xe phổi, điều trị kéo dài và gặp nhiều khó khăn, có thể trẻ sẽ phải can thiệp phẫu thuật. Nếu qua được nguy kịch, bệnh nhi sẽ đối mặt với di chứng như lép ngực, vẹo cột sống, hen suyễn… Quá trình điều trị không thể giải quyết được những ổ mủ tồn tại sâu trong phổi khiến trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh, tái phát bệnh rất cao.

“Hội chứng” lạm dụng kháng sinh

Khu vực Nam Bộ đang trong cao điểm mùa mưa, đồng thời cũng là mùa của bệnh hô hấp. Tại 2 bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM, mỗi ngày có hàng nghìn trẻ đến khám, số trẻ bệnh nặng phải điều trị nội trú tại mỗi bệnh viện khoảng 300 ca một ngày. BS Anh Tuấn chia sẻ, qua thực tế điều trị, chúng tôi ghi nhận nhiều sai lầm thường gặp ở phụ huynh khiến bệnh của con trẻ trở nên nguy hiểm hơn.

 

Khi trẻ có biểu hiện bệnh, phụ huynh nên đưa bé đi khám và điều trị kịp thời

Dẫn chứng cho vấn đề trên, BS Tuấn cho hay, thông thường khi bệnh nhi bị sốt phụ huynh cần phải cho bé mặc đồ thoáng mát, dùng khăn ướt lau người cho trẻ kết hợp sử dụng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, quan niệm sai lầm, sợ trẻ bị trúng gió nên cha mẹ lại mặc nhiều áo cho bé. Trẻ bị mặc nhiều áo, phụ huynh không quan sát được tình trạng co lõm lồng ngực khi bé khó thở. Nguy hiểm hơn, nếu bị ho, khó thở kèm theo sốt, thân nhiệt tăng cao nhưng bị các lớp áo giữ lại sẽ khiến trẻ sốt cao hơn, nguy cơ dẫn tới co giật.

“Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh lý nói chung và bệnh hô hấp nói riêng đang là một vấn nạn. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mua kháng sinh không kê toa cao hàng đầu trền toàn cầu.

Sử dụng kháng sinh nhưng không có chỉ định của bác sĩ hoặc kê toa kháng sinh trong những trường hợp chưa cần thiết đều nguy hại, nhẹ thì bị tác dụng phụ, phản ứng thuốc, nặng sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn”, BS Tuấn khuyến cáo, "Nếu không phải bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thì không nên dùng kháng sinh. Chỉ sử dụng kháng sinh trong các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, nhưng phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ".

Bên cạnh các vấn đề trên, tập quán kiêng ăn uống như kiêng tôm, cua, thịt bò đặc biệt là kiêng uống sữa sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ suy kiệt. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào về việc ăn uống các thức ăn trên sẽ khiến bệnh hô hấp ở trẻ nặng hơn hoặc khó điều trị hơn. Chỉ nên kiêng cử trong trường hợp trẻ bị dị ứng với thức ăn, nếu loại trừ nguyên nhân trên thì trẻ vẫn có thể ăn uống bình thường thậm chí cần bồi bổ tốt hơn để tăng sức đề kháng.

BS Tuấn cũng khuyến cáo, mỗi trẻ đều có tình trạng bệnh và cơ địa khác nhau vì thế phụ huynh tuyệt đối không dùng toa thuốc của bé này để cho bé kia uống. Khi trẻ bị ho khan, ho có đàm, sốt cao liên tục 2 ngày trở lên kèm theo khó thở, ngủ li bì, bỏ ăn, bỏ bú, nôn ói… phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Vân Sơn

Email: [email protected]

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]