Những sai lầm thường gặp khi cứu người đuối nước

Những cách giải quyết vội vã, sai cách khi gặp người đuối nước dễ gây nguy hiểm cho tính mạng nạn nhân và cả người cứu…

15.6027

Mỗi năm, nước ta có khoảng 6.000 người tử vong vì đuối nước. Các tai nạn đuối nước xảy ra quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa hè. Trong tháng 5, Nghệ An đã xảy ra 11 vụ đuối nước làm 20 người tử vong. 4 vụ đuối xảy ra tại Quảng Nam khiến 6 người tử vong trong vòng 7 ngày (25/5-1/6). Khi gặp người đuối nước, nhiều người còn lúng túng, dẫn đến những cách xử lý sai lầm, gây nguy hiểm cho tính mạng của người bị nạn và chính mình.

Bỏ mặc nạn nhân

Nhiều người thấy tai nạn đuối nước thì bỏ đi, coi như không phải chuyện của mình. Hoặc vì có người ứng cứu nên họ không muốn tham gia nữa. Điều này hết sức sai lầm, sự vô tâm lúc này sẽ ảnh hưởng xấu đến tính mạng, chưa kể đến sự dằn vặt lương tâm về sau. Nếu không thể xuống cứu, bạn nên tri hô cho nhiều người đến giúp đỡ, càng nhiều người hỗ trợ sẽ tăng cơ hội cứu sống cho nạn nhân.

Tai nạn đuối nước thường xuyên xảy ra, nhiều nhất vào mùa hè (Ảnh minh họa: Internet)

Vội vã nhảy xuống

Ngày 27/2, trong khi bơi lội cùng nhau, Trương Thị Thùy V. (16 tuổi, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) phát hiện em gái bị trượt chân vào hố sâu nên vội vã nhảy xuống cứu. Tuy nhiên, do không biết bơi nên bị đuối nước. Thấy vậy, Nguyễn Nhật V. (17 tuổi, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) và Nguyễn Ngọc Quốc V. đi cùng tiếp tục nhảy xuống theo nhưng đều bị nước nhấn chìm. Cuối cùng Lương Huỳnh N. xuống nhưng chỉ cứu được Quốc V và em gái V.

Việc vội vã nhảy xuống vô cùng nguy hiểm, ngay cả với người biết bơi. Lúc này, tâm lí của người trên bờ thường hoảng loạn nên việc nhảy xuống chỉ là một hành động nhất thời. Lúc này,  người cứu dễ bị nước và nạn nhân kéo chìm nếu không có phương tiện hỗ trợ (phao, dây,…)

Cố gắng một mình cứu nhiều người

Tháng 3/2015, khi phát hiện 3 người đuối nước trên biển Lăng Cô, anh Trần Trọng Tâm (20 tuổi, thị trấn Lăng Cô huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã nhảy xuống ứng cứu và đưa được hai người lên bờ. Nhưng khi bơi ra cứu người thứ 3 thì anh bị sóng biển đánh mất tích còn nạn nhân cũng tử vong.

Một khóa học cứu người đuối nước sẽ giúp đảm bảo tính mạng cho cả người bị nạn và người cứu (Ảnh minh họa: Internet)

Việc cứu người hoàn toàn nên làm, song bạn cũng đừng xem nhẹ mạng sống của chính mình. Để cứu nhiều người bằng cách trực tiếp bơi ra sẽ khiến bạn nhanh mất sức. Chỉ một chút sơ sẩy, bạn có thể bị đuối nước theo. Bạn nên tri hô để có sự hỗ trợ của nhiều người, cứu nạn nhân qua dây, phao…

Không giữ ấm

Nhiều người giữ nguyên quần áo của nạn nhân khi lên bờ vì ngại động chạm. Việc này sẽ khiến thân nhiệt của nạn nhân bị giảm nhanh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của họ. Bạn nên tìm cách cởi bỏ quần áo ướt rồi thay trang phục khô hoặc lấy chăn đắp cho nạn nhân. Đảm bảo thân nhiệt sẽ giúp tim và phổi khoẻ mạnh.

Không đưa nạn nhân đi cấp cứu

Trong khi đuối nước, nạn nhân có thể hít vào phổi một lượng nước lớn. Dù nạn nhân có thể tự thở thì lượng oxy trong phổi cũng chỉ bằng1/4 so với bình thường do các phế nang tổn thương, không thể trao đổi oxy.

Sau vài tiếng đồng hồ, phổi tổn thương nghiêm trọng, đe doạ tính mạng. Đặc biệt, các biến chứng diễn ra rất nhanh, dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Y học gọi đây là trường hợp 'chết đuối trên cạn'. Vì thế, sau khi đuối nước, nạn nhân cần tự mình hoặc nhờ người đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ, đặc biệt là phổi.

Không hô hấp nhân tạo

Với những nạn nhân ngất xỉu, hô hấp nhân tạo vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo tính mạng cho họ. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ mặc nạn nhân trên bờ đợi nhân viên y tế đến xử lý. Việc này có thể khiến nạn nhân bị tử vong. Ở mức nhẹ hơn, não sẽ thiếu oxy và để lại những di chứng xấu.

Vì vậy, khi thấy người bất tỉnh, bạn cần tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngay để tăng cơ hội sống sót. Để thực hành các thao tác sơ cứu đúng đắn, bạn nên tham gia một khoá học ngắn về cứu người đuối nước.

>> Xem thêm:

Thanh Nguyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]