Những sai lầm thường gặp khi vệ sinh nhà bếp

Bạn dọn hoài mà căn bếp vẫn chưa sạch như ý? Cùng kiểm tra những sai lầm mà các nàng nội trợ hay mắc phải khi vệ sinh nhà bếp để khắc phục ngay nhé!

0

Bạn hì hụi vệ sinh nhà bếp hằng ngày mà căn bếp của bạn vẫn có cảm giác không được sạch sẽ? Có thể bạn đang làm sai phương pháp nên hiệu quả không như ý. Hãy điểm qua những sai lầm có thể gây ra điều này nhé!

Cho quá nhiều bát đĩa vào máy rửa chén

Cho quá nhiều vào rổ máy rửa chén sẽ làm giảm khả năng làm sạch của máy

Cho quá nhiều bát đĩa, dụng cụ bếp vào rổ máy rửa chén sẽ làm giảm khả năng làm sạch từng vật dụng của máy. Hãy xếp ngay ngắn chén đĩa, muỗng đũa vào các vị trí đã định sẵn trên máy, đừng cố tiết kiệm rửa hết đống bát đĩa trong một lần.

Dùng nước rửa chén lau rửa thớt

Vệ sinh thớt bằng dung dịch tẩy rửa dành riêng cho vật dụng này

Với thớt gỗ, nước rửa chén và xà phòng không đủ để làm sạch, đặc biệt với những thớt sử dụng để chế biến đồ sống. Bạn nên ngâm thớt trong dung dịch tẩy trắng rồi rửa sạch để hạn chế chất bẩn, vi khuẩn bám sâu vào vết cắt trên mặt thớt.

Không vệ sinh vòi rửa, nắm cửa

Lưu ý vệ sinh tay nắm cửa ra vào, cửa tủ lạnh, vòi nước… hằng ngày

Các khu vực bạn chạm tay vào nhiều nhất trong ngày như vòi nước, nắm cửa tủ, cửa bếp… là những nơi chứa vi khuẩn tiềm ẩn, dễ lây lan nếu bạn không chú ý lau chùi thường xuyên. Bạn chỉ cần xịt nước tẩy rửa chuyên dụng cho bếp vào các khu vực này và dùng khăn lau sạch những vùng thường chạm tay nhiều để loại bỏ vi khuẩn.

Không vệ sinh mọi bộ phận của máy pha cà phê

Rửa tất cả các bộ phận của máy pha cà phê ngay sau khi sử dụng

Nếu bạn ghiền cà phê và uống hằng ngày vào mỗi buổi sáng thì không nên chỉ rửa bình đựng hay ly cà phê, như vậy vẫn chưa đủ sạch hoàn toàn. Bạn nên chùi rửa mọi bộ phận có thể tháo rời với máy pha cà phê, hoặc các bộ phận rời nếu sử dụng phin qua nước nóng để đảm bảo vệ sinh, giúp cà phê của bạn không bị ám mùi khó chịu do vết bẩn lâu ngày để lại.

Xịt thẳng chất tẩy rửa lên đồ nội thất

Không nên xịt thẳng dung dịch lau chùi lên nội thất đồ gỗ

Việc xịt thẳng chất tẩy rửa lên đồ gỗ, bàn ghế nội thất sẽ khiến bụi bẩn hòa cùng với chất tẩy trở nên khó chùi rửa hơn đồng thời cũng thu hút nhiều bụi bẩn hơn. Hãy xịt dung dịch vào khăn lau rồi mới dùng nó để lau chùi nhé.

Dùng đi dùng lại một chiếc giẻ lau

Khăn lau chùi nên được thay mới thường xuyên

Bạn thấy việc chùi rửa trở nên khó khăn hơn bình thường. Nguyên nhân có thể xuất phát từ chính chiếc giẻ lau được tái sử dụng nhiều lần làm bề mặt lau chùi không được sạch lại khiến lây lan vi khuẩn khắp mọi nơi. Hãy thay giẻ lau trong bếp ít nhất mỗi tháng một lần nhé.

Sử dụng chổi lông gà để phủi bụi

Dùng chổi lông gà càng khiến vấn đề vệ sinh nhà bếp thêm trầm trọng hơn

Chiếc chổi lông gà chỉ khiến bụi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Bạn nên sử dụng giẻ lau (tốt nhất là khăn lau sợi microfiber) để bụi bẩn được lấy đi một cách dễ dàng.

Quên  lau rửa thùng rác

Thường xuyên lau rửa thùng rác để hạn chế tất cả nguyên nhân gây mùi khó chịu

Nếu bếp của bạn có mùi khó chịu mà bạn không biết từ đâu, hãy kiểm tra thùng rác của mình. Mùi từ cặn bẩn bám trên thùng rác lâu ngày không được lau rửa sẽ khiến căn bếp của bạn có mùi, tạo cảm giác không sạch sẽ.

Không vệ sinh miếng rửa chén

Vệ sinh thường xuyên miếng rửa chén để vi khuẩn không có cơ hội sinh sôi

Bạn nên thay miếng rửa chén mỗi tháng một lần và diệt khuẩn chúng vài ngày một lần bằng cách để miếng rửa chén ướt vào lò vi sóng trong một phút. Thao tác này sẽ giúp góp phần đảm bảo vệ sinh cho chén bát bạn dùng để ăn hằng ngày.

Sửa ngay những thói quen sai lầm này ngay bây giờ, bạn sẽ tiết kiệm kha khá thời gian và công sức vệ sinh nhà bếp mỗi ngày đấy.

Thảo Nguyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]