Những tác dụng không mong muốn khi điều trị loãng xương

Nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, thuốc tích tụ chọn lọc ở các vị trí tiêu xương đang hoạt động, alendronat gây ức chế sự hoạt động các hủy cốt bào.

15.6
Khi điều trị bằng alendronat có thể làm tăng đáng kể khối lượng xương ở xương cột sống, cổ xương đùi và mấu chuyển. Ở phụ nữ mãn kinh từ 40 trở lên bị loãng xương (được xác định là có khối lượng xương thấp, ít nhất là 2 độ lệch chuẩn dưới trung bình của thời kỳ trước mãn kinh), điều trị alendronat làm giảm đáng kể số lần gãy đốt sống sau 3 năm dùng thuốc.
 
Mật độ chất khoáng ở xương tăng rõ sau 3 tháng điều trị bằng alendronat và còn tiếp tục trong suốt quá trình dùng thuốc. Tuy nhiên sau 1 - 2 năm điều trị, nếu ngừng liệu pháp  alendronat thì không duy trì được sự tăng khối lượng xương.

Thuốc được sử dụng điều trị và dự phòng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương hoặc cho người mong muốn duy trì khối lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương sau này. Thuốc còn dùng dự phòng và điều trị loãng xương do dùng corticosteroid....

Mặc dù trong các nghiên cứu lâm sàng, các phản ứng có hại do dùng thuốc thường nhẹ và nói chung không cần phải ngừng thuốc. Tuy nhiên, cần chú ý với những tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa của thuốc.

Đã có báo cáo về các biến cố ở thực quản như viêm thực quản, loét thực quản, trợt thực quản, đôi khi kèm với chảy máu ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc này. Trong  một số trường hợp, những biến cố này bị nặng phải nằm viện.
 
Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc này nếu thấy có triệu chứng khó nuốt, nuốt đau hoặc đau xương ức..., người bệnh phải ngừng thuốc và gặp thầy thuốc ngay để xử trí kịp thời. Nguy cơ mắc biến cố nặng về thực quản gặp nhiều hơn ở những người bệnh nằm ngay sau khi uống thuốc và hoặc không nuốt viên thuốc với một cốc nước đầy và/hoặc vẫn tiếp tục uống thuốc này sau  khi đã thấy những triệu chứng của kích ứng thực quản.

Thuốc có thể kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa trên và khả năng làm cho bệnh xấu đi. Cần thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh có bệnh lý đang hoạt động về đường tiêu hóa  như các bệnh thực quản, viêm dạ dày, viêm tá tràng hoặc loét...

Để thuốc dễ hấp thu phải uống thuốc với nhiều nước (khoảng 200ml), không dùng nước khoáng để uống thuốc. Uống thuốc ít nhất 30 phút trước khi ăn, uống hoặc dùng thuốc khác. Ngay khi cả uống thuốc với nước cam hoặc cà phê thì sự hấp thu của thuốc cũng đã giảm rõ rệt.
 
Không ngậm hoặc nhai viên nén khi uống và người bệnh tránh nằm trong ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc để thuốc vào dạ dày dễ dàng và giảm tiềm năng kích ứng thực quản. Không nên uống thuốc vào lúc đi ngủ hoặc trước khi dậy trong ngày. Cần bổ sung calci và vitamin D nếu lượng hằng ngày trong khẩu phần ăn không đủ.      

Theo DS. Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]