Những tai biến khi chăm sóc cuống rốn

Cuống rốn hiện diện ở trẻ sơ sinh ngay khi chào đời và thường rụng sau sinh từ 1 đến 2 tuần. Chăm sóc rốn không đúng sẽ làm cuống rốn lâu rụng, nhiễm trùng hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ nếu đắp rốn bằng sái á phiện.

15.6061

Ngộ độc sái á phiện gây ngưng thở

 

Bé trai Châu Trần T. T., 17 ngày tuổi, vào bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 do ngưng thở, tím tái. Sau khi được cấp cứu hô hấp, bé được cho thở máy. Người nhà cho biết bé sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh là 3kg. Sau sinh, bé khỏe mạnh, bú tốt, được băng rốn rất kín, nhưng cuống rốn còn ướt, chưa rụng.

 

Khi khám bệnh, bác sĩ ghi nhận ngoài tình trạng hôn mê, ngưng thở, còn có dấu hiệu đồng tử co nhỏ. Chân rốn của bé được đắp bằng chất thuốc màu đen, ngoài ra không phát hiện được dấu hiệu bệnh lý ở các cơ quan khác. Hỏi kỹ bệnh, mẹ bé mới cho biết theo lời mách bảo của người quen, bà đắp cuống rốn bé bằng sái á phiện để làm khô rốn.

 

Sau đó, thấy bé tím tái, không thở nên đưa ngay đến BV địa phương, được chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh và chuyển đến BV Nhi Đồng 1. Bé được chẩn đoán là ngộ độc sái á phiện nên được tiêm ngay thuốc kháng độc là Naloxone, sau tiêm bé bắt đầu tự thở lại nhưng phải tiếp tục thêm 5 liều duy trì nữa bé mới thở đều, hồng hào và tỉnh táo hơn.

 

Các kết quả xét nghiệm cho thấy không có dấu bệnh lý ở các cơ quan tim, phổi, máu, não. Xét nghiệm định tính morphin trong nước tiểu cho kết quả dương tính. Sau 7 ngày điều trị, bé hồi phục nhưng còn di chứng não do thiếu oxy. Bé được xuất viện và tiếp tục tái khám theo dõi.

 

Đây là một trường hợp ngộ độc nặng ở trẻ sơ sinh do đắp rốn bằng sái á phiện. Qua trường hợp này đã cho thấy một số vấn đề như sau:

 

(1) Thân nhân không biết cách săn sóc rốn cho trẻ sơ sinh nên đã nghe theo lời mách bảo không đúng.

 

 (2) Ngộ độc sái á phiện khó chẩn đoán sớm vì người nhà thường giấu giếm, không nói rõ chất thuốc đã đắp vào rốn trẻ.

 

(3) Ngộ độc sái á phiện rất nặng, gây tử vong nhanh hoặc để lại di chứng não suốt đời.

 

Trẻ em có thể  ngộ độc sái á phiện qua đường miệng, qua da, cuốn rốn và rốn

 

Nghiên cứu tại BV Nhi Đồng 1 - TPHCM cho thấy ngộ độc sái á phiện xảy ra ở trẻ em từ 5 ngày đến 5 tháng tuổi. Nguyên nhân sử dụng sái á phiện cho mục đích điều trị bệnh như săn sóc rốn (62,5%) hoặc cho trẻ uống khi tiêu chảy (37,5%). Đắp rốn ở trẻ sơ sinh thường dùng trong những trường hợp rốn ướt, nhiễm trùng rốn, chồi rốn, có khi để làm ấm bụng.

 

Trẻ sơ sinh bị ngộ độc sái á phiện là những trẻ ở nông thôn (100%), có thân nhân không biết cách chăm sóc rốn. Nghiên cứu cho thấy những cách chữa trị này là do theo lời mách bảo, mà không qua hướng dẫn của nhân viên y tế. Mặc dù những trẻ này đều được cứu sống nhưng có 25% các trường hợp để lại di chứng não.

 

Những biện pháp phòng tránh

 

Biện pháp dự phòng tích cực là tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng cách chăm sóc đúng chân rốn và rốn trẻ sơ sinh. Cũng cần thiết đưa vào chương trình huấn luyện cho các bà mẹ trong giai đoạn tiền sản. Nhân viên y tế, nữ hộ sinh, cô đỡ vùng sâu, vùng xa, nông thôn hướng dẫn cho các bà mẹ khi xuất viện sau sinh để giúp các bà mẹ tự tin khi chăm sóc rốn, tránh những biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

 

Cách chăm sóc cuống rốn và rốn trẻ sơ sinh

 

Thực hiện theo các bước sau:

 

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

 

- Làm sạch cuống rốn bằng cồn 70độ: Nhẹ nhàng nâng cuống rốn lên, dùng bông gòn sạch tẩm cồn 70độ lau sạch từ dưới cuống rốn lên trên kẹp rốn. Cồn 70độ có tác dụng vừa làm khô, vừa để chống viêm nhiễm ở rốn.

 

- Giữ cuống rốn khô: Mặc tã và áo, không băng kín rốn để giúp làm khô rốn.

 

- Thực hiện chăm sóc rốn mỗi ngày 1 - 2 lần và ngay sau khi rốn bị nhiễm bẩn.

 

- Sau khi cuống rốn rụng, sẽ có một ít dịch ướt ở rốn, tiếp tục chăm sóc rốn cho đến khi rốn khô và phần rốn lành hoàn toàn (khoảng 2 ngày sau).

 

Lưu ý:

 

- Không đắp lên rốn bất kỳ chất gì như tiêu, tỏi, sữa, đất, tro bùn, sái á phiện.

 

- Không băng kín rốn.

 

- Không cắt lễ da quanh rốn.

 

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nhiễm trùng rốn:

 

+ Chảy mủ, tiết dịch hôi, da quanh rốn sưng đỏ.

 

+ Chảy máu rốn.

 

+ Rốn còn rỉ nước sau khi cuống rốn đã rụng hơn 2 ngày.

 

Theo BS. CK2. Nguyễn Thị Kim Thoa

BV. Nhi Đồng 1 - TP HCM/Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]