Những thói quen không tốt của du khách Việt

Có sự khác biệt khá rõ nét giữa quan niệm về du lịch, cách ứng xử trong hoạt động du lịch giữa du khách quốc tế và người Việt.

0

Những thói quen không tốt của du khách Việt

Chị Thu Trang, phường Hồng Sơn, TP Vinh (Nghệ An) hồ hởi khoe về chuyến du lịch Trung Quốc do cơ quan tổ chức trong dịp hè năm nay. Chị đem ra nhiều tấm ảnh chụp tại Cố Cung, Di Hòa Viên, Vạn Lý Trường Thành… và hồ hởi: “May thật, nhân chuyến đi, mình mua được rất nhiều thuốc bổ quý. Ở bên đó mua hết chỉ 20 triệu đồng thôi, về Việt Nam thì đắt gấp mấy lần, mà có tiền cũng khó lòng mua được”. Vốn là người có đọc lịch sử Trung Quốc, tôi hỏi chị “Vạn Lý Trường Thành xây từ năm nào, để làm gì?”, thì chị cười xòa: “Ôi dào, thuyết minh viên có nói, nhưng chị đâu để ý ba chuyện đó làm gì cho mệt”. Rồi chị tỏ ra tiếc rẻ vì bên đó nhiều hàng hóa mẫu mã đẹp, lạ, giá rẻ bất ngờ mà không đủ tiền để mua.

Nhận xét về sự khác biệt giữa du khách nước ngoài với du khách Việt Nam, anh Lê Văn Thành, Giám đốc một công ty du lịch nói: “Có sự khác biệt rất lớn, có thể nói là trái ngược giữa du khách nước ngoài và du khách Việt Nam, không phải về mức thu nhập, cách tiêu tiền, mà quan niệm về cách ứng xử trong quá trình du lịch”.

Từ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực du lịch lữ hành, anh Thành cho biết, khách nước ngoài họ rất có ý thức ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự, vệ sinh, bảo vệ môi trường, trong khi khách người Việt thì thường tùy tiện, bừa bãi. Khách của chúng ta đi đâu là gây ồn ào, xả rác lung tung, tự ý bẻ hoa, vin cành, viết vẽ bậy, sờ mó hiện vật… mặc dù hướng dẫn viên luôn nhắc nhở. Đến khách sạn, cả một khăn tắm lớn, tẩy trùng sạch sẽ thì du khách chúng ta đem chùi chân, rồi nam giới thì tổ chức đánh bài ăn tiền, sát phạt gây ầm ĩ trong phòng, sáng mai 4-5 giờ sáng là thức dậy nói chuyện ầm ĩ. Đó là những cách ứng xử mà người nước ngoài họ rất dị ứng, khó chịu.

Du khách nước ngoài, nhất là du khách Âu - Mỹ, trước khi đến nơi nào họ tìm hiểu rất kỹ về nơi đó, không chỉ về lịch sử, văn hóa, luật pháp mà còn cả về giá cả, khoảng cách đường đi… nên nếu hướng dẫn viên (HDV) mà hời hợt là họ có ý kiến ngay. Trong khi đó, du khách Việt Nam thì hầu như đi du lịch theo cảm tính, không tìm hiểu gì về nơi sẽ đến, thường là thấy nơi nào nhiều người đi thì cũng rủ nhau đi. Đến nơi, trong khi du khách nước ngoài họ chăm chú nghe thuyết minh, hỏi han, ghi chép, tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử, văn hóa… thì du khách Việt chỉ tham quan theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, lớt phớt, không đọng lại điều gì sâu sắc. Hầu như không có chuyện du khách người Việt ghi chép, tìm hiểu về các địa điểm tham quan.

Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, HDV du lịch thường dẫn du khách trong nước đi Trung Quốc, du khách Việt Nam thường có cảm giác choáng ngợp trước những công trình đồ sộ, hoành tráng của Trung Quốc. Rất ít người có ý thức tìm hiểu, học hỏi mà chủ yếu quan tâm đến chuyện mua sắm. Mua sắm cũng không tỉnh táo, không tính toán kỹ mà chủ yếu mua theo cảm tính, thường mua thuốc chữa bệnh theo quảng cáo của các nhân viên tiếp thị, giá rất đắt nhưng không biết hiệu quả ra sao; hoặc mua sắm đồ điện tử, quần áo vì ham rẻ, nhưng chất lượng rất “trời ơi”. Có những người mua theo kiểu sĩ diện hão, thấy người ta mua mà mình không mua gì thì thấy lép vế, nên rút ví mạnh tay chi, dù không có nhu cầu về hàng hóa.

“Nhiều khi tôi thấy tiếc cho du khách, rất ít khi có cơ hội đi du lịch nước ngoài nhưng lại rất lãng phí tiền bạc cho những món hàng vô bổ. Trong khi đó, giả sử bỏ ra vài ba trăm ngàn đồng để xem bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật… thì từ chối”, anh Hiếu tâm sự.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên, theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Nghệ An, là do thói quen ứng xử tự do, có phần tùy tiện của người Việt, sâu xa hơn là vấn đề dân trí, trình độ văn minh, văn hóa trong ứng xử của nhiều người. Đối với đa số người phương Tây, đi du lịch là một dịp để khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, họ chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi, lên kế hoạch trước cả năm. Trong khi đó, đa số người Việt đi du lịch theo kiểu ngẫu hứng, và với quan niệm đơn giản du lịch là đi chơi, thư giãn, “đổi gió”, thậm chí là đi tiêu tiền, “chưa hết tiền thì chưa về”.

Để khắc phục những bất cập trong thói quen du lịch của người Việt, các công ty lữ hành, các khu du lịch cần có những giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn du khách. Trước mỗi chuyến du lịch, các công ty lữ hành cần tổ chức họp đoàn, phổ biến nội quy và căn dặn du khách những điều cần lưu ý. Trong hành trình du lịch phải bám sát, nhắc nhở khách thường xuyên. Các khu du lịch cần hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin để không những đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách mà còn góp phần định hướng, gợi mở nhu cầu tìm hiểu, khám phá cho du khách, hướng đến thay đổi quan niệm về du lịch cho người dân.
 


Sưu tầm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]