Những thói quen kỳ quái của người nổi tiếng: Tật hay bệnh?

Người Pháp dùng từ "toc", "tic" hay "manies" để chỉ các dạng hành động không bình thường của những người nổi tiếng như nhà văn, nghệ sĩ, vận động viên, học giả… Xâm nhập "Thế giới ngầm" của các ngôi sao, đôi khi có những ngạc nhiên làm không ít người… ngẩn ngơ!

0

Những tật lạ "nho nhỏ"

Người ta kể rằng, nhà khoa học Louis Pasteur không bao giờ bắt tay một người lạ mà lại không rửa tay thật sạch sau đó. Có lẽ do phải tiếp xúc với đủ loại vi trùng và vi khuẩn trong phòng thí nghiệm nên Pasteur rất sợ đụng chạm... da thịt với người khác. Theo lời Adrien Loir - cháu nội của ông, Pasteur đã bị thất cử vào Thượng viện Pháp năm 1876 là do không chịu... bắt tay bất kỳ một ai! Ông có một hậu duệ cũng "hấp dẫn" không kém trong thế kỷ 20 là ông hoàng nhạc pop Michael Jackson. Danh ca người Mỹ này sợ vi trùng hơn cả... sợ ma. Mỗi ngày Michael rửa tay không biết bao nhiêu lần và rửa rất kỹ càng. Còn mỗi lần tắm là phải mất nhiều giờ đồng hồ để kỳ cọ cơ thể. Ra phố luôn mang khăn che mặt đã tẩm chất sát trùng. Thỉnh thoảng anh lại chui vào một phòng được thiết kế đặc biệt, chứa một loại ôxy tinh khiết để tẩy rửa buồng phổi mà theo anh là đã đầy bụi bặm.

Rất nhiều người nổi tiếng khác cũng từng được biết đến là có những thói quen "kỳ quái". Như tay đua xe thể thức I Jean Alesi của Pháp không bao giờ bước lên xe đua từ cửa bên trái. Buổi sáng thì không bao giờ đặt chân phải xuống đất trước. Còn nhà văn D.V. Cauwelaet - người từng đoạt giải Goncuort văn học thì trước khi ngồi vào bàn viết dứt khoát phải mặc vào người bộ đồ thể thao mà ông thích và luôn bắt đầu bằng loại giấy trắng 60g, kế đến là loại giấy 80g và sau cùng là loại 90g. Bút dùng để khởi đầu bao giờ cũng là bút Pilot, sau đó ông dùng một loại bút riêng cho mỗi nhân vật trong truyện, chẳng hạn Parker cho Jean, Mont Blanc cho Helene, Cross cho bà quản gia Maric, Sherffer cho lão hành khất... Trong thời gian viết chưa xong, ông chỉ ăn cam, xà lách và ngũ cốc. Được hỏi tại sao ông luôn chính xác trong các "trò điên nho nhỏ" như vậy thì Cauwelaert trả lời tỉnh queo: "Để lấy ngẫu hứng".

Nhà soạn nhạc Erik Satie lại có một sở thích sưu tầm hết sức lập dị. Khi ông qua đời, người thân khám phá trong phòng ngủ của ông một bộ sưu tập... cổ áo sơ mi, nhiều hộp xì gà chứa hàng trăm tờ giấy ngay ngắn trên đó ông viết đầy các khẩu hiệu hay phương châm hết sức khó hiểu. Và nữa, nhiều thư từ ông nhận được nhưng không bao giờ mở ra.

Văn hào nổi tiếng Emile Zola của Pháp thì suốt đời bị các con số ám ảnh. Ông chỉ bước ra khỏi nhà bằng bước chân trái đầu tiên và luôn đếm số bậc cầu thang, số đèn đường, số xe ngựa chạy qua. Trước khi bước lên xe, ông hay... cụng đầu vào đèn đường để lấy may. Mỗi tối trước khi đi ngủ, ông hay dò dẫm bàn ghế hoặc kéo ngăn tủ vài chục lần. Trên bàn làm việc của ông có vẻ hỗn độn nhưng đó là một loại "hỗn độn hết sức trật tự", món nào ra món đó!

Nhà triết học Soren Kierkegaard (Đan Mạch) cũng lập dị không kém, ông chỉ cảm thấy thoải mái khi bầu không khí bao quanh đầy mùi nước hoa. Nhiệt độ trong phòng làm việc của ông phải luôn được giữ ở... 13,75oC. Ông không bao giờ uống hai tách trà cùng một kiểu, mỗi lần uống là phải thay loại tách khác!

Thiên tài dương cầm Giesnn Gould cũng là bậc dị nhân. Khi chơi đàn, ông phải ngồi trên một cái ghế do chính ông vẽ kiểu, để cho mũi của ông gí sát vào phím đàn. Trước mỗi buổi trình diễn hay ghi âm, ông đều nhúng ngập hai bàn tay vào một chậu nước ấm. Khi trình diễn ở bất kỳ đâu và với bất kỳ đối tượng nào, ông cũng chỉ mặc một kiểu áo khoác, quần rộng ống, găng tay len, khăn quàng cổ và mũ sùm sụp!

 Michael Jackson - ông vua nhạc pop sợ vi trùng hơn sợ ma.
Căn bệnh nhiều người mắc

Tất cả những người nổi tiếng có sở thích hay thói tật "nho nhỏ" trên đều được thiên hạ gán cho chung một cái tên là "chập mạch" hay đơn giản chỉ là những người đó lắm tài nên nhiều tật. Thực ra, đây là một thể bệnh khá phổ biến trong y khoa, có tên là rối loạn tâm thần ám ảnh (RLTTAA). Người ta có cảm giác bệnh gặp nhiều ở những người nổi tiếng nhưng thật ra ở những người bình thường cũng không hiếm. Chỉ có điều, ở những người nổi tiếng, bệnh khó giấu giếm và dễ bị để ý hơn mà thôi.

Bác sĩ Alain Sautiraud - chuyên gia về RLTTAA nhận xét: Tất cả mọi người đều bị ám ảnh hay có những thói quen nho nhỏ nào đó. Đây là chuyện rất bình thường. Còn nạn nhân bị RLTTAA có những ám ảnh lớn hơn, lâu hơn và bị dằn vặt nhiều hơn rất rõ. Tuy nhiên đây không phải là dạng bệnh hiếm thấy vì nó đứng hàng thứ 4 sau bệnh trầm uất, bệnh sợ hãi vô cớ và nghiện ma túy".

Theo các chuyên gia tâm thần, Bệnh RLTTAA được biểu lộ do các ám ảnh trở về thường xuyên ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Để xua đuổi sự đe dọa này, bệnh nhân có một loạt động tác theo thói quen có thể kéo dài nhiều giờ, đôi khi rất kỳ lạ và làm xáo trộn đời sống gia đình cũng như hoạt động xã hội của người đó. Thí dụ, người thì suốt ngày rửa tay và lau chùi tất cả những vật dụng có thể chứa... vi khuẩn. Có người cứ đếm đi đếm lại số bậc của cầu thang, số nhà rồi rút ra một con số hên cho mình. Một số người lại thích nhặt nhạnh tất cả giấy vụn ngoài đường về nhà làm bộ sưu tập hay sắp xếp đồ đặc trong nhà mỗi ngày một lần và không bao giờ vừa ý! Còn bệnh sợ nhầm lẫn (thường xảy ra ở đàn ông) cứ liên tục kiểm tra, không phải vài lần mà hàng trăm lần một việc họ đã làm xong. Một chuyên gia tin học của một công ty lớn ở Pháp có thói quen kiểm soát kết quả công việc ông ta làm, rồi cả công việc của thuộc cấp, rồi lại kiểm soát lại các kiểm soát của mình khiến toàn bộ hoạt động của cơ quan ông điều khiển bị đình trệ. Một thanh niên trẻ luôn sợ mắc phải tội lỗi nên suốt ngày quỳ cầu nguyện...

Người bị RLTTAA thường đã biểu hiện các triệu chứng bất thường ngay từ khi còn trẻ. Hiện nay khoa học vẫn chưa vén được bức màn bí mật của căn bệnh kỳ lạ và đa dạng này. Nhiều chuyên gia cho là chất sérotonine, một hoạt chất ở não có nhiệm vụ tác động lên nhiều hành vi như khôi hài, tính tình, cảm giác, nhịp tim... đã bị trục trặc. Người ta cũng nghi ngờ rằng bệnh có yếu tố di truyền vì bệnh nhân thường có cha mẹ cũng bị trục trặc nho nhỏ nào đó về thần kinh. Nhưng dù chưa biết rõ căn nguyên song khoa học có thể trị bệnh RLTTAA một cách khá hữu hiệu như dùng thuốc chống trầm cảm kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng lại là thuyết phục được bệnh nhân đi gặp các bác sĩ chuyên khoa. Thường bệnh nhân RLTTAA ý thức rất rõ các hành vi kỳ dị của mình nhưng họ có khuynh hướng che giấu mọi người xung quanh vì mặc cảm hoặc đơn giản là sợ người ta nghĩ mình bị... chập mạch. Dù bệnh RLTTAA là dạng bệnh có thể đưa đến dạng trầm uất nặng hơn song đây không phải là bệnh điên. Bác sĩ Hantouche chuyên gia về RLTTAA khuyên người thân xem bệnh nhân là một người bệnh bình thường và phải xem chừng các triệu chứng. Cần phải tỏ ra cứng rắn nhưng không được tàn bạo để ngăn chặn các "hành vi kỳ quái" của bệnh nhân. Nên tạo mỗi liên hệ trong sáng, cảm thông để giảm sự lo lắng mặc cảm cho bệnh nhân, có như vậy bệnh nhân mới ý thức họ không cô đơn và quyết tâm trị bệnh.

                       Trung Kiên (Theo Pigaro Magazine)

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]