Nỗ lực thu ngắn khoảng cách trên - dưới

Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đứng chân tại tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội hơn 1 giờ ôtô chạy và đang đảm đương nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cả vùng Đông Bắc rộng lớn.

31.199

Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đứng chân tại tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội hơn 1 giờ ôtô chạy và đang đảm đương nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cả vùng Đông Bắc rộng lớn. Chính vì lẽ đó, công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Cứu chữa nhiều ca khó

Mới đây, anh Đồng Quang Trung (19 tuổi, ở xóm Đào Bá Quyên, Sông Công, Thái Nguyên) khi tham gia giao thông bằng xe máy do không làm chủ được tay lái đã để xe lao vào con trâu đi ngược chiều, xe thì đổ còn cả ngực hứng trọn chiếc sừng trâu xuyên thấu ngực vào tim. Được người dân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da xanh tái, khó thở và tưởng như không còn cách nào cứu chữa. Ngay lập tức, anh được các thầy thuốc mổ cấp cứu và lấy ra trong ngực anh 1.500ml máu, cả máu tươi và máu cục. Kiểm tra thấy vết rách tĩnh mạch và tâm nhĩ phải do sừng trâu đâm vào, vết thương tim được xử lý và anh được truyền trên 2.000ml máu cùng nhóm. Sau 2 ngày cấp cứu, sức khỏe anh dần hồi phục. Nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời và được đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao đầy trách nhiệm. Cùng sự phối hợp nhịp nhàng từ Đơn nguyên cấp cứu - Khoa Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tim mạch lồng ngực - Trung tâm Huyết học và Truyền máu, anh đã được cứu sống. Gặp anh Trung, khi chuẩn bị ra viện, anh nói: “Giờ đây được tỉnh táo về nhà mới thấy được công sức của thầy thuốc. Gia đình khi gặp em trong viện, ai cũng lo lắng và tưởng như không còn gặp lại được nữa nhưng với tay nghề cao của các bác sĩ đã giúp em trở lại với cuộc sống”.

Bệnh nhân Trung bị sừng trâu đâm xuyên tim đã được cứu sống kịp thời.

Trường hợp của anh Trung là một trong rất nhiều ca bệnh khó mà Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cứu sống. Từ những ca bệnh này đã khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ bác sĩ trong viện.

Không chỉ đào tạo và nâng cao tay nghề cho cán bộ của bệnh viện là bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn, bệnh viện còn tổ chức khai giảng các lớp đào tạo cho tuyến dưới như đào tạo điều dưỡng Hồi sức cấp cứu và Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó lớp điều dưỡng Hồi sức cấp cứu có thời gian đào tạo 3 tháng, lớp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện có thời gian đào tạo 2 tháng. Tham gia khóa đào tạo có 40 cán bộ y tế là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của 14 tỉnh khu vực phía Bắc. Tính đến thời điểm này, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức được 47 khóa đào tạo theo Đề án 47&930 với tổng số 736 cán bộ tuyến huyện, tuyến tỉnh trong khu vực tham gia các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thuộc Đề án 1816 của Bộ Y tế cho Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên. Kỹ thuật được hỗ trợ sau chuyển giao là cắt amidal gây mê theo phương pháp ANCE. Dưới sự hướng dẫn, giám sát của kíp phẫu thuật Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, nhóm cán bộ nhận chuyển giao kỹ thuật của cơ sở đã thực hiện thành công phẫu thuật cắt amidal theo phương pháp ANCE cho 2 bệnh nhân. Thành công này một lần nữa khẳng định hiệu quả của Đề án 1816 trong việc hỗ trợ phát triển chuyên môn cho tuyến dưới, người dân được điều trị kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.

Hướng tới sẽ ghép thận vào năm 2015

Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên vừa có chương trình làm việc đoàn chuyên gia về lĩnh vực ghép tạng của Bệnh viện Quân y 103 do PGS.TS. Hoàng Mạnh An - Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn nội dung chính về việc chuyển giao công nghệ ghép thận cho bệnh viện.

Ghép tạng là thành tựu nổi bật nhất của y học trong thế kỷ 20, mở ra cơ hội sống cho những người bị suy tạng giai đoạn cuối. Ngày 4/6/1992, Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam và từ đó đến nay bệnh viện đã tiến hành thành công 173 ca. Phát huy thành tựu của ghép thận, bệnh viện luôn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam (ghép gan năm 2004, ghép tim năm 2010, ghép đa tạng tháng 3 năm 2014). Cùng với việc phát triển các lĩnh vực ghép tạng tại bệnh viện và để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Bệnh viện đã tiến hành chuyển giao công nghệ ghép thận cho 12 trung tâm ghép tạng trên cả nước gần đây nhất là Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội. Bệnh viện Quân y 103 đã chia sẻ kinh nghiệm ghép thận của bệnh viện đồng thời hướng dẫn quy trình các khâu chuẩn bị cho ghép thận như: chuẩn bị nguồn cho và nhận thận, cơ sở vật chất phục vụ cho ghép thận và công tác chỉ đạo ghép, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ghép thận cũng như các thủ tục có liên quan đến ghép thận… Bệnh viện Quân y 103 cam kết chỉ đạo các cơ quan chức năng và đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực ghép thận của bệnh viện phối hợp hướng dẫn cho cơ quan chức năng và đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên chuẩn bị tốt mọi mặt cho quá trình tiến hành ghép thận.

PGS.TS. Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tiếp thu toàn bộ những chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ ghép thận đồng thời cũng xác định quyết tâm với sự hướng dẫn, giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia ghép tạng Bệnh viện Quân y 103 trong năm 2015, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên sẽ thực hiện được ca ghép thận đầu tiên.

Lê Hoàng

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]