Nọc bọ cạp: Chất độc hữu ích?

Khoa học đang gạn đục khơi trong, lần tìm những tính năng dược học trị bệnh cứu người từ loài bọ cạp rất kinh sợ này.

0

Độc như bọ cạp

Bọ cạp là loại động vật ăn thịt có kích thước khoảng từ 9mm - 20cm, là loại động vật kỳ dị nhất trong các loại kỳ dị. Thông thường, các loài động vật ăn thịt sẽ phải có sức mạnh to lớn và thể xác vượt trội. Nhưng bọ cạp tuy là động vật ăn thịt, nhưng kích thước lại chỉ đáng hàng bé xíu và có một cơ thể toàn xương. Những đặc tính kỳ lạ này của bọ cạp do sự thích nghi tự nhiên sinh tồn tạo nên.

Chất độc của bọ cạp có sức mạnh đặc biệt

Điều mà người ta chú ý nhiều đến động vật xương xẩu và có hình thù nổi bật với cái đuôi cong vút luôn ở trên cao không phải là to hay nhỏ, đẹp hay xấu mà chính bởi chất độc của nó. Chất độc của bọ cạp có sức mạnh siêu nhiên, có thể làm tê liệt con mồi với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần một chút chất độc tiết ra từ đuôi của bọ cạp cũng đủ khiến con mồi tê dại và ngoan ngoãn nằm im để nó... ăn thịt.

Chất độc chủ đạo trong nhóm các chất độc của bọ cạp đó là chất chlorotoxin. Người ta đã thử nghiệm và thấy rằng, chlorotoxin thực là một chất cực độc. Đây là một chất ngấm nhanh vào cơ thể và có tác dụng ức chế kênh vận chuyển clo qua màng tế bào, làm tê liệt và rối loạn hoàn toàn hệ vận động. Thời gian bị tê liệt phụ thuộc vào liều lượng chất độc này được chích vào cơ thể.

Với con người, chất độc của bọ cạp cũng không phải là ngoại lệ. Người ta cảnh báo rằng, cứ chừng 10.000 người bị bọ cạp đốt thì có khoảng 3 người bị chết không cấp cứu được. Mỗi năm có khoảng 2.000 người bị thiệt mạng, phải cấp cứu hay phải nhập viện vì bọ cạp tấn công.

Một nốt chích của bọ cạp có thể tiết ra 2,5ml chất độc chlorotoxin. Liều lượng này đủ làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, gây sốt cao, đau mức độ nặng, co giật, tê liệt, hôn mê và cuối cùng là chết khi cơ hô hấp không còn cử động. Phần nhiều bệnh nhân bị đốt đều bị liệt chân tay và ngừng thở dẫn đến tử vong.

Niềm hy vọng cho nhân loại

Tuy độc là vậy, nhưng giới khoa học lại đang tìm được những điểm đáng quý của bọ cạp. Lần tìm những biện pháp gạn đục khơi trong, các nhà khoa học đã mở ra con đường ứng dụng đầy thú vị cho con người từ chất độc của chúng.

Một trong các ứng dụng đó là dùng chất độc đối chọi với căn bệnh ung thư. Bệnh ung thư luôn là một thách thức với chúng ta. Niềm mong mỏi tìm ra loại thuốc có thể tận diệt gốc gác khối u sẽ có ý nghĩa cứu thế hàng triệu sinh linh trên thế giới. Chính chất chlorotoxin cực độc ở trên đã đóng góp phần mình vào ước vọng đầy nhân đạo trên.

Chlorotoxin là một chuỗi peptid gồm 36 axit amin. Chất độc này được chiết xuất từ bọ cạp và lần đầu tiên được chứng minh rằng nó có tác dụng ức chế kênh vận chuyển clo qua màng tế bào. Công trình nghiên cứu được một nhà độc chất học tên là DeBin tiến hành khi tác giả đang làm việc tại Trường Y Harvard (Hoa Kỳ). Vào năm 1991, DeBin đã tiêm chất độc này vào chuột và quan sát hiện tượng biến đổi điện thế màng tế bào của tế bào biểu mô đại tràng chuột. Kết quả thu được, điện thế màng tăng lên đạt - 20mV, trong khi bình thường là - 90mV. Điều này do sự ức chế kênh clo gây ra. Sự biến đổi này kéo dài chừng 6 giây. Như vậy, sự ức chế bệnh clo này là tương đối mạnh và rất có ý nghĩa lâm sàng.

Vì trong bệnh u não người ta quan sát thấy rằng, các khối u tế bào thần kinh đệm, một loại u cơ bản của não có khả năng di căn đến vượt trội. Loại ung thư thần kinh này luôn làm các nhà ngoại khoa thất bại vì họ không thể nào bắt giữ tất cả tế bào ung thư khi chúng di căn. Thực tế, khi các nhà ngoại khoa phẫu thuật thì khối ung thư tế bào thần kinh đệm đã lách qua hàng rào máu não và di căn xa rồi.

Nhưng đặc điểm của sự di căn này rất cần tới sự hoạt động của kênh điện thế clo. Mà điều thú vị là người ta đã thấy rằng các kênh vận chuyển clo trên màng tế bào thần kinh đệm lại rất nhạy cảm với chlorotoxin và rất dễ bị chất này bắt giữ và ức chế. Nếu sự gắn kết chất độc này với tế bào ung thư não thành công thì tế bào ung thư sẽ bị ức chế khả năng di căn và chúng ta hoàn toàn có thể tiêu diệt được.

Điều này đã được một nhà ung thư học chứng minh trên hình ảnh chụp huỳnh quang năm 1998. Ông tên là Soroceanu, một nhà nghiên cứu ung thư học (Hoa Kỳ). Ông đã tiêm chất cholotoxin với liều thích hợp vào cơ thể động vật thực nghiệm và quan sát đường đi của chlorotoxin. Kết quả thu được là chất này gắn rất đặc hiệu và rất chặt chẽ với tế bào ung thư thần kinh đệm trong khi đó bỏ qua các mô khác như não, tủy sống, ruột, tim, phổi... Điều này tạo sự đặc hiệu trong điều trị.

Trước những bằng chứng được tìm ra, chlorotoxin đang được nghiên cứu ứng dụng thành thuốc trị ung thư và dần dần được ứng dụng trong y học. Như vậy, với sức mạnh tìm tòi của con người, chúng ta đã làm được nhiều điều tưởng như không thể. Biến một loài cực độc thành một loài cực hữu ích. Điều này luôn là quy luật đúng của y học vì một lý tưởng phụng sự con người.

AloBacsi.vn
Theo BS Yên Lâm Phúc - Sức khỏe & Đời sống


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]