Nơi “chống trả” thực phẩm bẩn

Trong khi an toàn thực phẩm đang là vấn đề không chỉ của cá nhân, địa phương hay một quốc gia nào mà là của toàn cầu thì việc xây dựng những bếp ăn chuẩn, mang tiêu chí sạch từ A đến Z là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết hiện nay, để không còn những trường hợp ngộ độc hoặc bất cứ liên quan nào đến thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trên cơ sở như vậy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), cụ thể là Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tài sản Dầu khí (PSA) đã nỗ lực để xây dựng mô hình bếp ăn như vậy cho hàng nghìn cán bộ, công nhân viên của ngành.

15.5981

Chọn lựa kỹ càng

Có thể nói, bước vào bất kỳ nhà ăn nào của PVN ở phía bắc thì đều rất giống với nhà ăn của một khách sạn 5 sao. Chưa nói đến hình thức, quy trình từ nhập nguyên liệu đến sơ chế, chế biến… được thực hiện một cách nghiêm ngặt hệt như vậy. Bếp ăn của PVN phải phục vụ lượng suất ăn lớn hơn nhiều - hàng nghìn người, lại cả bữa sáng lẫn trưa nên công bằng mà nói vất vả hơn nhiều, kỳ công hơn nhiều trong việc phục vụ. Và để làm được như vậy, bảo đảm nguồn nguyên liệu không những về lượng mà còn về cả chất, trong đó yếu tố an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản.

Đơn cử như chuyện chọn rau xanh, khu vực ngoại thành Hà Nội có bao nhiêu ruộng rau được coi là nơi cung cấp rau sạch cho nhiều nhà ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau sạch… PSA phải đến tận ruộng rau, sau đó trên cơ sở những gì nhà cung cấp “tiếp thị”, phân tích xem đúng hay sai, hợp lý hay bất hợp lý… rồi mới quyết định chọn. Trước khi chọn được nhà cung cấp rau sạch hiện nay là HTX Rau an toàn Đạo Đức ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội hiện nay, PSA đã “loại” rất nhiều nhà cung cấp “rau sạch” theo phương thức như vậy.

Ông Phạm Công Cần (bên phải) đi kiểm tra cơ sở giết mổ Thành Huân, nơi cung cấp thực phẩm cho PSA

Bởi như ông Phạm Công Cần, Tổng quản lý Ban Quản lý Tòa nhà Viện Dầu khí cho biết: “Có những nhà cung cấp rau sạch “tiếp thị” rất… hoành tráng. Nhưng khi xuống thực tế tại ruộng rau của họ mới thấy những gì họ nói là không đúng, là “quảng cáo”. Cụ thể, có một nhà cung cấp cũng ở Đông Anh, sau khi nghe họ giới thiệu ruộng rau của họ rất lớn, đủ các loại, bảo đảm đều đặn số lượng cung cấp cho PSA, chúng tôi mới đi khảo sát tại ruộng thì thấy quả là ruộng rau của họ rộng thật. Nhưng rộng đến độ làm chúng tôi nghi ngờ với số lượng người có hạn, phương thức quản lý cũng chưa phải là tối ưu, vậy thì làm sao họ bảo đảm được nguồn rau của họ là sạch, là an toàn thực sự. Cho nên chúng tôi không chọn nhà cung cấp này”.

Còn với nhà cung cấp rau sạch hiện nay - HTX Rau an toàn Đạo Đức, bên cạnh việc kiểm tra thực tế 20ha đất đang trồng khoảng 70 chủng loại gồm các loại rau, củ, quả… cùng với chứng nhận của các cơ quan chức năng như Sở Y tế Hà Nội, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn với 4 tiêu chí: Hàm lượng nitơrat, vi khuẩn gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng kim loại nặng trong nước và đất, PSA đã kiểm tra sản phẩm của họ bằng thiết bị riêng và sau khi cho kết quả an toàn, PSA mới quyết định chọn nhà cung cấp này.

Tuy nhiên, khi đã lựa chọn được như vậy, không có nghĩa PSA “buông xuôi” hay thả lỏng công tác quản lý nguồn nguyên liệu mà mỗi năm khoảng 2 tháng/lần, PSA lại tổ chức đoàn xuống tận địa bàn kiểm tra nhưng không hẹn trước nhằm bảo đảm tính ngẫu nhiên, khách quan kết quả kiểm tra nhà cung cấp. Ngoài ra, những đơn vị nào trong PVN có đề nghị kiểm tra nguồn thực phẩm chế biến tại nhà ăn của PSA, như Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) vẫn thường làm hiện nay chẳng hạn nhằm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ của họ, PSA lại tổ chức cho đi khảo sát thực tế nơi cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm.

Sau mấy cơn bão vừa qua ruộng rau cung cấp cho PSA cũng gặp khó khăn. Ông Phạm Công Cần đã cùng chúng tôi xuống thực tế tại ruộng rau của HTX Rau an toàn Đạo Đức thì quả là, nhiều nơi ruộng bị ngập, úng làm rau không lên được hoặc bị nát, su hào phải thu hoạch khi còn non rồi vứt bỏ v.v… Nhưng với phương châm, sức khỏe của cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí là trên hết nên PSA đã linh hoạt trên cơ sở: lựa chọn những cái có thể trong số những thứ không thể… Và đó là lý do vì sao 1.600 suất ăn hiện nay (gồm cả bữa sáng và bữa trưa) tại hai nhà ăn ở Tòa nhà Viện Dầu khí và Tòa nhà Charmvit, nơi Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) làm việc vẫn bảo đảm cả về lượng và chất.

Cần có cách kiểm tra riêng

Tương tự, với nguồn cung cấp thịt lợn, bò… sạch PSA cũng lựa chọn như vậy, chỉ khác là PSA không nhập trực tiếp từ người làm ra sản phẩm như rau mà thông qua các lò mổ. Bởi chỉ có các lò mổ mới có thể đáp ứng yêu cầu của người nhập là chỉ lấy hàng theo từng loại thịt đã pha sẵn chứ không lấy nguyên con. Trong khi các trại chăn nuôi chỉ “xuất” cả con. Ví dụ, thịt lợn PSA nhập của cơ sở giết mổ Thành Huân, ở Thanh Vân, Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội. Cơ sở này đã có “truyền thống” giết mổ gần 30 năm nay và hiện chuyên nhập lợn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Charoen Pokphand Việt Nam (CP Việt Nam), một trong những công ty chăn nuôi gia súc lớn nhất miền Bắc. Mặc dù, vẫn biết các cơ sở cung cấp thịt lợn có “thương hiệu” như vậy nhưng PSA vẫn có những cách riêng kiểm tra nguồn cung cấp thực phẩm để bảo đảm rằng, thịt mình đang lấy là thịt sạch.

Ông Phạm Công Cần tâm sự: “Thường xuyên PSA phải cử cán bộ cùng với chủ cơ sở giết mổ xuống tận trang trại chăn nuôi CP Việt Nam để tận mắt chứng kiến lợn ở đây được chăn nuôi như thế nào. Nhưng chỉ riêng việc họ xuất hàng cũng đã cho thấy quy trình chăn nuôi của họ thực sự cho thực phẩm sạch. Bởi đối với người đến lấy hàng, nếu vào tận nơi nuôi lợn, buộc phải tắm và sát trùng giày dép, thay quần áo của mình bằng quần áo của họ mới được vào”. “Hay…”, ông Cần nói tiếp: “…Khi xe chở lợn vào cổng trang trại, phải sát trùng bánh xe và toàn xe 1 lần. Vào khu vực bắt lợn phải tiếp tục sát trùng như vậy một lần nữa sau đó mới được bắt lợn và ra về”.

Với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt ấy, ông Cần khẳng định: “Chắc chắn họ sẽ cho ra lò những con lợn đảm bảo cả về lượng và chất”. Quả thực, lợn của CP Việt Nam được chăn nuôi bằng thức ăn do chính họ nghiên cứu sản xuất ra, không được ăn thức ăn nào khác và tính từ khi nuôi đến lúc lợn xuất chuồng, khoảng hơn 8 tháng. Với khoảng thời gian này, ông Cần cho rằng, không thể là lợn “tăng trọng”.

Tuy nhiên, ông Cần vẫn thỏa thuận với lò mổ Thành Huân, mặc dù không phải do ăn thức ăn tăng trọng mà thịt lợn hôi (thịt lợn hôi do tuyến hạch, mồ hôi của con lợn) nhưng nếu hôm nào nhập phải nguyên liệu ấy hoặc bị chảy nước, PSA sẽ trả lại cơ sở giết mổ và phải đổi thịt lợn khác bảo đảm chất lượng. Nhưng, ông Cần cũng cho biết, rất ít lần phải đổi thịt lợn như vậy.

Với 2 cách lựa chọn nguồn thực phẩm cơ bản trên đây, có thể thấy PSA bên cạnh nỗ lực giữ gìn “thương hiệu” và phương châm “tận tay, tận tâm” của mình còn vì sức khỏe của con người nói chung, của cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí nói riêng để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc liên quan đến thực phẩm bẩn. Đó cũng là hành động nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời góp phần giải quyết triệt để đối với vấn đề an toàn thực phẩm rất bức xúc hiện nay.

Tú Anh - Mạnh Kiên

Nguồn:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]