Nội lực vượt trội

5 tháng đầu năm 2003, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của ta đạt mức tăng trưởng 7,1%. Trong tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, lại bị ảnh hưởng của SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng) đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là cả một sự nỗ lực của cả nước.

15.6009

Tuy nhiên, kết quả trên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kế hoạch năm 2003 (GDP tăng 7-7,5%). Giữ vững nhịp độ tăng trưởng trên và tăng chút ít để bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ kế hoạch năm 2003 phải tiếp tục huy động mọi nguồn vốn (trong nước, ngoài nước) cho đầu tư phát triển.

Chủ trương và mong muốn là vậy, song thực tế ra sao? Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta không bằng các năm trước mặc dù ta đã cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn trước. Lý do? Kinh tế thế giới chưa phục hồi. Nếu như 5 năm trước đây tỉ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án của nước ta chiếm 70% thì vài năm gần đây, tỉ lệ này là 50/50. Hiện nay trong nhiều dự án, phần vốn trong nước chiếm đến 70%. Nguồn vốn trong nước, tức nội lực đang vượt trội bù đắp vào chỗ thiếu hụt của nguồn đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy mà kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao (chỉ sau Trung Quốc).

Nguồn vốn trong nước đang vượt trội sẽ còn vượt trội hơn một khi có chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Cú đột phá của Luật Doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện (2000-2003) với kết quả đạt được gấp hơn 3 lần chín năm trước đó (1991-1999) là cơ sở cho phép ta tin tưởng như vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy tối đa mọi nguồn nội lực vẫn phải liên tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn bên ngoài. Phải đi bằng cả hai chân - nội lực và ngoại lực - nền kinh tế của ta mới có thể phát triển nhanh, ổn định, bền vững.

Minh Lê
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]