Nỗi niềm nghệ thuật sắp đặt

SKĐS - Trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay, “nghệ thuật sắp đặt “ có lẽ là cụm từ khá quen thuộc, nhưng vẫn là một khái niệm mới mẻ và không dễ được công chúng tiếp nhận.

15.6102

Trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay, “nghệ thuật sắp đặt “ có lẽ là cụm từ khá quen thuộc, nhưng vẫn là một khái niệm mới mẻ và không dễ được công chúng tiếp nhận. Ngay cả với nhiều họa sĩ, những người vốn quen thuộc với tư duy tạo hình trong không gian hai chiều, không phải ai cũng thành công với nghệ thuật sắp đặt. Những họa sĩ dấn thân vào lĩnh vực này rất hiếm, các cuộc triển lãm sắp đặt vì thế mà ngày càng thưa thớt.

Chuyện buồn hậu triển lãm

Từ đầu năm 2015 đến nay, hiếm thấy cuộc triển lãm sắp đặt nào để lại nhiều dấu ấn, cho đến khi “8m²” của Nguyễn Thế Sơn xuất hiện. Đây là một cuộc triển lãm sắp đặt ảnh mà tác giả đề cập tới những hậu quả cá nhân của nền công nghiệp hóa thời bao cấp ở Việt Nam. Người ta rời bỏ ruộng đồng lên thành phố để tìm kiếm việc làm và sống hàng năm trời trong không gian chật hẹp, điều kiện sống khó khăn. Dự án ghi lại những góc nhỏ nhặt nhất trong không gian sống chật chội đó và tác giả muốn mượn hình ảnh những đồ vật sinh hoạt thường ngày của các công nhân ở đây để tự chúng cất lên tiếng nói. Tác phẩm này lần đầu tiên được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Hành trình Việt Nam xanh” diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Viện Goethe giới thiệu lại tác phẩm này trong một triển lãm cá nhân với phiên bản mở rộng diễn ra nửa cuối tháng 8/2015.

Khi ngắm nghía các tác phẩm sắp đặt, chắc hẳn không ít người xem thắc mắc: những tác phẩm này sẽ đi đâu, về đâu?

Trước đó, vào năm 2014, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã tham gia đoàn khảo sát của dự án “Hành trình Việt Nam xanh”, đi đến các khu công nghiệp phía Nam để được sống thử cuộc sống của những người nông dân đã rời bỏ ruộng đồng lên thành phố. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã quyết định dùng nghệ thuật nhiếp ảnh để ghi lại những góc nhỏ nhặt nhất trong không gian sống 8m2 thông qua các vật dụng sinh hoạt thường ngày. Thời gian trước đó, Nguyễn Thế Sơn từng khiến giới thưởng ngoạn trầm trồ với triển lãm sắp đặt Nhà mặt phố tại Viện Goethe. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của tác giả về sự xuống cấp về mặt thẩm mỹ của những ngôi nhà mặt phố. Có thể khẳng định, Nguyễn Thế Sơn là tên tuổi khá nổi bật trong giới nghệ thuật sắp đặt Việt Nam hiện nay. Chỉ tiếc, những họa sĩ chịu dấn thân với nghệ thuật sắp đặt như Nguyễn Thế Sơn không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít.

Khi ngắm nghía các tác phẩm sắp đặt, chắc hẳn không ít người xem thắc mắc: những tác phẩm này sẽ đi đâu, về đâu? Đây cũng chính là vấn đề nan giải mà có lẽ bản thân các tác giả cũng chưa tìm được phương án hợp lý. Một họa sĩ sau khi triển lãm tác phẩm sắp đặt độc đáo của mình, đó là 200 cái bếp than tổ ong xếp thành hình đồng hồ cát, đã phải... phá bỏ gần hết. Dù tiếc hùi hụi công sức của mình và bạn bè, nhưng nếu không phá bỏ thì khi triển lãm kết thúc, tác phẩm cũng chẳng có chỗ mà chứa. Đáng nói hơn, nhiều tác phẩm sắp đặt sau khi kết thúc đợt triển lãm, tác giả đã nhận được ngay một số lời đề nghị “xâu xé” tác phẩm.  Người thì xin hai tấm phản tròn rộng 1,65m về làm phản... ngồi uống nước. Hai chiếc bình y tế to làm đồng hồ cũng được... xin về để làm bình đựng rượu. Một người nữa thì rắp ranh đống gỗ con tiện về để làm cầu thang nhà... Tác giả đành ngậm ngùi, thôi thì coi như tác phẩm của mình đã “có nơi an nghỉ”. Thế mới thấy sự sống của một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đích thực quá ngắn ngủi!

Biết phải làm sao?

Nói chung, loại hình nghệ thuật vẫn được cho là “mới mẻ” này tại Việt Nam đã có được sự ủng hộ của người làm nghề, tuy sự ủng hộ còn dè dặt, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cần trân trọng sự dấn thân, sáng tạo của các nghệ sĩ làm sắp đặt, trình diễn. Thiết nghĩ, họ đang cần một điều kiện làm việc tốt hơn, sao cho xứng đáng với tâm huyết và công sức của họ. Công chúng cũng không nên nghĩ nghệ thuật sắp đặt là điều gì đó quá xa lạ với truyền thống của người Việt. Trong khung cảnh xã hội đang biến đổi nhanh, chỉ một vài năm nữa, những loại hình nghệ thuật mới sẽ bắt kịp xu thế của đời sống hiện đại. Và chính nó chuẩn bị cho cái nhìn, cho mĩ cảm của công chúng đối với nghệ thuật đương đại.

Một nhà phê bình nghệ thuật từng nói, trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, có thể thấy một số khuynh hướng nghệ thuật sắp đặt ở ta đã bùng phát, sáo mòn và mỏi mệt cùng lúc. Không biết đến bao giờ phương thức sáng tạo đa năng và tiện lợi này mới khởi sắc trở lại? Giới họa sĩ chỉ biết cảm thán: buồn cho nghệ thuật sắp đặt nhưng chưa biết phải làm sao!

Việt Sơn

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]