Nội soi khớp vai: Những ưu điểm vượt trội

Cùng với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị y khoa thì các kỹ thuật từ chuyên ngành nội soi cũng phát triển nhanh chóng. Sau thành công của điều trị nội soi khớp gối, thay khớp háng nhân tạo thì nội soi khớp vai cũng đã được ứng dụng thành công tại một số bệnh viện góp phần giảm thiểu kinh phí điều trị.

15.6107

Cùng với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị y khoa thì các kỹ thuật từ chuyên ngành nội soi cũng phát triển nhanh chóng. Sau thành công của điều trị nội soi khớp gối, thay khớp háng nhân tạo thì nội soi khớp vai cũng đã được ứng dụng thành công tại một số bệnh viện góp phần giảm thiểu kinh phí điều trị. Xin giới thiệu với bạn đọc về kỹ thuật tiên tiến này và những ưu điểm vượt trội.

Nội soi khớp vai điều trị những bệnh lý gì?

Vị trí gai xương (mũi tên).

Khớp vai là một trong những khớp quan trọng, đây là khớp nối chi trên với thân người giúp chi trên thực hiện các động tác mong muốn. Khi xuất hiện bất kỳ tổn thương nào tại khớp vai có thể gây đau nhức, lỏng lẻo, trật khớp vai tái đi tái lại, cứng khớp hay mất chức năng khớp vai, người bệnh không thực hiện được những sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, nội soi khớp vai được thực hiện đối với những tổn thương khớp vai do chấn thương và cả những tổn thương do bệnh lý mạn tính. Theo ThS. Vũ Hải Nam - Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 19-8, bệnh viện đầu tiên tại miền Bắc thực hiện kỹ thuật này thì những tổn thương khớp vai do chấn thương như rách sụn viền trên, rách chóp xoay, đứt gân cơ nhị đầu, trật khớp vai tái hồi thường gặp sau khi bị chấn thương và hay gặp ở vận động viên bóng chuyền, tennis...; những tổn thương do bệnh lý như hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai, thoái hóa khớp cùng đòn, viêm khớp vai hoặc rách chóp xoay cũng hay gặp ở người  từ 40 tuổi trở lên. Đối với mỗi bệnh lý cũng như với từng trường hợp cụ thể của người bệnh, các bác sĩ sẽ có những cách thức điều trị khác nhau, chẳng hạn như:

- Nội soi khâu lại chóp xoay khi bị rách chóp xoay hay khâu lại sụn viền và bao khớp trong điều trị sau khớp vai tái diễn hoặc khâu lại sụn viền trên sau khi bị rách sụn viền trên.

- Nội soi "mài gai xương" với trường hợp chèn ép dưới mỏm cùng vai: đây là bệnh lý gây đau và hạn chế vận động do các "gai" xương chẹn vào gân trong khớp vai. Nội soi sẽ "mài" các "gai" xương này, làm rộng khoang dưới mỏm cùng, lấy đi nguyên nhân gây chèn ép làm giảm đau...

Ưu điểm vượt trội của nội soi khớp vai

Nội soi khớp vai vừa là một phương tiện để chẩn đoán xác định cuối cùng vừa là một phương pháp điều trị can thiệp. Khi thực hiện nội soi khớp vai để điều trị những tổn thương vùng vai, các bác sĩ sẽ phải rạch 3 đường nhỏ như lỗ cài khuy trên da, một đường để đưa ống soi có gắn camera truyền hình ảnh lên màn hình tivi, ống soi này giúp đánh giá chính xác mức độ và hình thái tổn thương, hai đường khác để đưa dụng cụ chuyên dụng vào. So với mổ mở, khi thực hiện nội soi điều trị bệnh lý khớp vai, bác sĩ có thể phát hiện, điều trị được hết tổn thương, ngay cả khi người bệnh tiến hành chụp Xquang hay chụp MRI không phát hiện được. Nội soi khớp vai còn giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, giảm đau, ít biến chứng và đặc biệt giảm tổn thương cấu trúc khớp vai khi mổ mở là một trong những nguyên nhân gây hạn chế vận động vùng vai.

Sau nội soi khớp vai cần chú ý gì?

Những bệnh lý hay chấn thương vùng khớp vai nếu được mổ mở có thể để lại sẹo to hoặc gây biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh, đặc biệt bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn sau mổ. Đây là một trong những nguyên nhân gây hạn chế vận động khớp vai sau này. Nội soi khớp vai có thể khắc phục nhược điểm này, ít biến chứng hơn và người bệnh có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, đối với người bệnh nội soi khớp vai vẫn cần chú ý bất động tay khoảng 4-6 tuần (tùy loại tổn thương), sau đó luyện tập nhẹ nhàng nhằm khôi phục vận động khớp vai bình thường. TS. Phạm Quang Cử - Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, cùng với nội soi khớp gối, thay khớp háng nhân tạo, nội soi khớp vai là một trong những thành công tiếp theo của viện. Thời gian thực hiện một trường hợp nội soi khoảng từ 2 đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ với chi phí khoảng 10 triệu đồng (nếu mời bác sĩ nước ngoài chi phí có thể lên đến 80-100 triệu đồng), phụ thuộc vào mức độ tổn thương và kỹ thuật điều trị.

Tận dụng ưu thế của nội soi khớp vai, trong tương lai, các bác sĩ sẽ mở rộng ứng dụng của phương pháp này nhằm điều trị thêm những bệnh lý của khớp vai, mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh được điều trị khỏi, ít tốn kém.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]