Nối thành công hai bàn tay đứt lìa

Dân trí Trong lúc làm việc, anh N.V.Đ (18 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) bị lưỡi dao của máy cắt giấy sập xuống, cắt đứt lìa hai bàn tay của nạn nhân.

15.5902

Vụ tai nạn xảy ra chiều ngày 5/9 và ngay sau khi tai nạn, bệnh nhân N.V.Đ được chuyển đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu cùng với hai bàn tay đứt lìa được bảo quản bằng đá.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết đứt lìa bàn tay không còn chảy máu nhiều vì đã được sơ cứu nhưng bệnh nhân trong tâm trạng hoảng loạn. Ngay khi kiểm tra tình trạng bệnh nhân và hai bàn tay đứt lìa được mang theo, các bác sĩ quyết tâm nối hai bàn tay cho người bệnh.


Bàn tay của bệnh nhân sau hơn 12h được ghép đã có dấu hiệu sống lại. Ảnh: BS cung cấp.

“Bệnh nhân còn quá trẻ, chỉ mới 18 tuổi nếu bị mất đi vĩnh viễn đôi bàn tay sẽ trở thành người tàn phế, không tự chăm sóc, nuôi sống được bản thân mình, vì thế chúng tôi càng quyết tâm nối tay cho chàng trai này”, bác sĩ kíp phẫu thuật của Khoa Phẫu thuật - tạo hình - hàm mặt (BV Việt Đức) nói.

Sau 8 tiếng phẫu thuật, đến 2h sáng ngày 6/9, kíp phẫu thuật đã nối thành công hai bàn tay của bệnh nhân. Và đến chiều nay (6/9) tay của bệnh nhân đã có dấu hiệu của sự sống, hồng ấm trở lại.

“Tay bệnh nhân ấm lại cho thấy nó đã được nuôi dưỡng, là tín hiệu đáng mừng nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị khoảng 1 tuần nữa mới có thể đánh giá chắc chắn chức năng sống của 2 bàn tay”, một bác sĩ nói.

Trước ca bệnh này, bệnh viện Việt Đức đã từng nối thành công nhiều trường hợp đứt rời tay, da đầu, dương vật, bàn chân… Mới đây nhất là bàn chân đứt rời của bé 3 tuổi ở Thái Bình đã hoàn toàn sống lại dù bàn chân này đã rời cơ thể 10 tiếng đồng hồ, trong đó có 1 tiếng bàn chân ngâm hoàn toàn dưới nước sông. Hay ca nối bàn tay gần đứt từ bọng tay cho bé gái là nạn nhân vụ cướp tiệm vàng tại Bắc Giang.

Các bác sĩ khuyến cáo: “Khi không may bị tai nạn, người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào sau đó lại cho vào nilon đựng nước, sau đó mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với đã gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%.

Tú Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]