Nổi tiếng trên blog giống như 'làm dâu trăm họ'

Nhiều người vẫn lừng danh trên Internet dù họ không xinh đẹp, không hát hay, không nhiều tiền… và thậm chí chẳng ai biết họ là ai. Hai blogger Việt Andre và OnlyU đã chia sẻ bí quyết thành công cũng như họ đã được và mất gì khi nổi tiếng.

15.5566

Andre bắt đầu viết blog từ cuối năm 2006 và được mọi người biết đến qua những entry sắc sảo, có tầm nhìn rộng, được đăng lại trên chuyên trang blog của các báo. Trong khi đó, OnlyU cùng với Tắc Kè, Trọng An… lại là điển hình của "công nghệ copy/paste" thông tin nóng, scandal, trào lưu tuổi teen... và nhiều người coi những trang web cá nhân dạng này như một "tờ báo blog".

Andre: 'Cộng đồng hóa trang web cá nhân'

Andre năm nay 21 tuổi và đang du học ở New Zealand. Ảnh avatar blog.

Hồi mới lập blog, mình thắc mắc sao có nhiều người viết hay và nổi tiếng đến vậy. Mình rút ra là cần xác định được mục tiêu rõ ràng, phải đặt những mối quan hệ lên hàng đầu và xem mình phù hợp kiểu người đọc nào. Mỗi blog đều có giá trị nhất định nếu như chủ nhân của nó tự tin khẳng định bản thân qua những nội dung được truyền tải. Nói cách khác, blog là nơi lưu trữ và thể hiện cái tôi - một "cái tôi chừng mực" đủ để người đọc nhận biết bạn là ai.

Hồi đầu, các bài viết của mình chỉ mang tính chia sẻ nhưng về sau, mình thường nói đến những chủ đề mà đông người quan tâm. Mình từng nghiện blog, mà nghiện thì đương nhiên dành rất nhiều thời gian cho nó (giờ cai rồi). Cái được nhất khi làm blog là mình có thể tâm sự một cách thoải mái, kết bạn và được nhiều người quan tâm. Nổi tiếng ở thế giới thật hay ảo cũng là thước đo đánh giá công sức bạn gây dựng nên hình tượng của mình - một quá trình không hề dễ dàng, vì vậy, không có lý do gì để nói nó không có ý nghĩa cả. Còn mất gì ư? Xem ra bất cứ cái gì cũng là vấn đề thời gian mà thôi...

Blog của mình thu hút lượng truy cập cao chủ yếu nhờ vào các mối quan hệ, như với báo chí hay giữa những blogger để tôn kéo nhau lên. Ngoài ra, cách mình viết đủ khiến người ta tò mò, nói cách khác là đánh vào thị hiếu nhưng không bắt chước.

Còn bây giờ, mình thấy để nổi tiếng trên blog thì dễ dàng quá. Người ta cứ theo công thức: Nhào nặn thông tin nơi khác về trộn thêm một tí scandal là hút khách. Nói chung, để lập một trang web cá nhân "chuyên nghiệp", bạn cần xác định nó sẽ không còn riêng tư nữa mà đi theo hướng cộng đồng hóa từ mặt nội dung cho đến hình thức. Kỹ năng ngoại giao cơ bản cũng cần thiết để giúp bạn liên kết tới một bộ phận blogger và họ sẽ là khách tiềm năng thường xuyên ghé trang của bạn.

Quan trọng hơn, bạn cần đầu tư nhiều thời gian cho nó. Tôi biết một blogger có số pageview lên đến hàng triệu nhưng luôn phải chịu sức ép từ phía người đọc. Ngày nào không viết bài là anh ta bị giục liên hồi. Có đợt cao điểm phải viết 3-4 bài mỗi ngày bởi một entry vừa đăng lên đã có cả trăm comment (nhận xét) và ngay lập tức họ cảm thấy đề tài đó đã cũ.

OnlyU: Triết lý 'giàu vì bạn'

Ngoài Yahoo 360, OnlyU còn có blog phụ onlyu.tk nên tránh được hiện tượng nhái thương hiệu - cũng là một - khi blog bị khóa. Ảnh chụp màn hình.

Cuối 2007, trong một lần tình cờ viết blog trở lại, tôi nhận thấy đây là nơi chia sẻ tâm tư, kiến thức và khả năng liên kết bạn rộng lớn… Ban đầu, tôi vẫn viết về bản thân xen kẽ những chủ đề mang tính xã hội, giải trí. Khi thấy cộng đồng quan tâm, tôi mới tập trung xây dựng blog theo hướng "làm dâu trăm họ" nhằm trao đổi các vấn đề nóng của giới trẻ.

Nói về việc OnlyU đã làm gì để mọi người biết đến thì quả thật rất khó vì đó là cả một quá trình nên tôi chỉ nêu 2 điểm chính. Thứ nhất, người ta có câu "giàu vì bạn", muốn vậy phải "chọn bạn mà chơi" nên việc đầu tiên tôi thực hiện là thay đổi danh sách bạn bè. Có lẽ friendlist của tôi chủ yếu là các blogger đình đám, ngôi sao nổi tiếng, "hot girl", "hot boy"... với lượng truy cập lớn nên tôi cũng được thơm lây ít nhiều.

Thứ hai, điều quan trọng nhất với một blog là nội dung entry. Chuyện này cũng giống như khi bạn vào một nhà hàng, nếu món ăn không ngon, dịch vụ không chu đáo… chắc bạn sẽ không ghé thăm lại. Doanh nhân Trương Gia Bình từng chia sẻ ba bài học: "Không đam mê không có đỉnh cao. Kỹ năng là tuyệt đối quan trọng. Muốn giữ đẳng cấp phải thực tập hàng ngày". Điều này áp dụng sang blog tôi cảm thấy tương đối đúng.

Nổi tiếng trên blog chưa thực sự tạo áp lực cho tôi. Có điều, nhiều hôm chưa kịp đăng bài mới, một số người thúc giục, số khác còn phao tin OnlyU bị hack, OnlyU bỏ blog, OnlyU bị bắt… Cứ như thế, dù bận hay không, hôm nào tôi cũng phải cố gắng soạn ít nhất một entry mới.

Tôi mê blog giống như ham chơi vậy nhưng tôi chia thời gian theo tỷ lệ 80/20 dựa trên "quy luật Pareto" (Quy luật nỗ lực tối thiểu). Theo đó, tôi chỉ dành 20% thời gian online cho blog và 80% cho các vấn đề khác. Trong quỹ thời gian cho blog, việc đi lang thang chiếm 20% còn 80% cho blog OnlyU. Tất nhiên, quy tắc 80/20 có thể đổi thành 70/30 hay 90/10 tùy theo từng thời điểm nhất định.

Có những lúc quá ham mê, blog đã ảnh hưởng tới công việc, mối quan hệ ngoài đời, thậm chí cả tình cảm, tiền bạc… của tôi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi ít nhiều khi tôi sắp xếp thời giờ theo nguyên tắc trên.

Thế nào là một blogger chuyên nghiệp
(trích từ blog Andre)

1. Quan hệ blog

Điều quan trọng nhất trong con đường chuyên nghiệp hóa là thiết lập các mối quan hệ blog. Đây là vấn đề rất nan giải và khó thực hiện với khá nhiều blogger.

Thứ nhất, tạo dựng mối quan hệ không hề đơn giản, chúng ta không thể làm quen qua mấy câu chào hỏi vu vơ ngoài quick comment (nhận xét nhanh) mà bạn phải tập cho mình thói quen theo dõi, đọc nội dung blog của họ và bình luận một cách chân thành. Chỉ vài lần như vậy thôi họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bạn đối với họ và đến đây thì kết bạn không còn là vấn đề nữa.

Thứ hai, khi bạn nổi tiếng thì quan hệ blog lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lúc này blog của bạn nhận được cả sự yêu mến cũng như ghen ghét, đả kích. Sự nhã nhặn, bình tĩnh và khéo léo luôn là lựa chọn số một nếu không blog bạn sẽ mất đi hình tượng đẹp trong mắt người khác.

Thứ ba, bạn cần thể hiện sự quan tâm đến những "khách ruột". Nếu có thời gian, bạn nên theo dõi blog của họ thường xuyên, trả lời các quick comment để tránh bị mạng tiếng là "kiêu", "chảnh"...

2. Thương hiệu blog

Thương hiệu thể hiện tên tuổi cũng như vị thế nhất định của một blogger chuyên nghiệp trong cộng đồng. Có rất nhiều cách để tạo dựng thương hiệu riêng nhưng đều có chung một điểm là cả nội dung và hình thức đều được theo hướng cộng đồng (public) hóa.

Một cách hiệu quả khác là dùng cái "sắc" có sẵn của bạn, nhất là những bạn gái xinh đẹp. Những avatar dễ thương luôn lôi cuốn được sự chú ý của mọi người, thu hút nhiều comment làm quen...

3. Công nghệ lăng xê - PR

Bạn có quan hệ càng rộng thì cơ hội quảng bá blog bạn càng cao. Bạn có thể nhờ một blogger có tiếng viết entry về bạn. Cách này rất hiệu quả vì họ lăng xê rất nhanh qua lượng khách truy cập trang của họ. Ngoài ra, bạn có thể trao đổi banner, feed hoặc đặt đường link ở blogroll...

Nhiều người đi 'khoan cắt bê tông' bằng những lời mời chào giật gân để câu khách cho blog của mình. Ảnh chụp màn hình.

Hoặc bạn tự lăng xê bản thân mình bằng nhiều entry chất lượng, sau đó bạn có thể đi spam quảng cáo hoặc gửi tin nhắn. Điều này gây phiền toái đối với một số người nhưng cũng sẽ có nhiều blogger tò mò tìm đến và giới thiệu cho bạn bè (hiệu ứng lan truyền). Spam đôi khi cũng là chiêu thức PR blog hiệu quả. Bạn cũng nên gia nhập liên minh các blog nổi tiếng hoặc tham gia hoạt động có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng.

4. Văn hóa và bản quyền blog

Một blogger chuyên nghiệp là người có văn hóa giao tiếp với những entry không quá thiển cận, không nhìn nhận vấn đề dưới con mắt quá chủ quan. Nên khéo léo và điềm đạm trước những dèm pha có chủ ý của những blogger khác. Đối với bài viết sưu tầm, bạn nên ghi rõ nguồn gốc để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Tôn trọng bản quyền cũng là cách bạn tôn trọng chính mình.

Hải Nguyên

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]