Nụ hôn người chồng chăm vợ bị ung thư xương

Không may mắn, chị mắc căn bệnh ung thư xương đã di căn khi tuổi chưa đến 30. Nhưng chồng là chỗ dựa, là nơi bình yên của chị sau mỗi đợt truyền hóa chất.

15.7927
Vợ chồng anh Cương, chị Ngân.

Hạnh phúc chớm nở vội tàn

Câu chuyện của anh Doãn Văn Cương (1987) và chị Đặng Kim Ngân (1987) quê tại Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội lay động nhiều người bởi tình yêu anh dành cho người vợ không may mắn của mình. Với chị Ngân, tình yêu của người chồng dành cho chị đã khiến chị cố gắng vượt qua những nỗi đau về thể xác vì hóa chất, vì phẫu thuật.

Bài hát “Về đâu mái tóc người thương” anh Cương hát tặng vợ khiến cả khán phòng lặng thinh. Trong một buổi liên hoan dành cho các bệnh nhi bị ung thư của bệnh viện K3 tại Hà Đông, Hà Nội, anh Cương đã cất lời bài hát gửi tới người vợ không may mắn của mình. Lời bài hát như khắc sâu thêm nỗi đau của anh chị. 

Chị Ngân với cái đầu trọc lóc không còn nước mắt để rơi thêm nhưng ai cũng thấy giọng chị nghẹn đắng, chị không thể nói nên lời và cố tránh đi ánh mắt nhìn mọi người, không nhìn thẳng vào chồng để tránh giọt nước mắt rơi xuống. Có lẽ với chị, chỉ im lặng để giấu đi nỗi đau của vợ chồng mình.

Anh Cương kể hai vợ chồng anh quen nhau từ 9 năm trước. Khi ấy, họ làm thêm cho một quán ăn ở Hà Nội. Tình yêu bén duyên và nên vợ thành chồng. Dù gia đình khó khăn, công việc làm nông nhưng anh Cương vẫn dành trọn vẹn tình yêu cho người vợ. Đến nay, tình cảm của anh dành cho chị càng ngày càng lớn.

Anh chị hạnh phúc khi sinh được 2 cô con gái đầu lòng. Đến năm 2014, chị Ngân sinh thêm được 1 bé trai kháu khỉnh. Hạnh phúc tưởng chừng trọn vẹn với gia đình bé nhỏ của họ. Nào ngờ bệnh tật đã khiến gia đình nhỏ của anh Cương liêu xiêu trước gió bão.

Giọng không giấu được cảm xúc tiếc nuối vì căn bệnh quái ác của vợ, anh Cương chỉ còn biết dùng tình yêu để cùng vợ trải qua nỗi đau bệnh tật. Từ tháng 12/2014, một lần chỉ quay người lại nhặt với đôi dép bị rơi, chị Ngân bị gãy xương đùi. Anh Cương đưa vợ đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện, bác sĩ giới thiệu lên Bệnh viện Xanh Pôn. Bác sĩ chẩn đoán chị bị gãy xương bệnh lý và phải cắt bỏ một bên chân.
 
Tưởng chừng mất đi chân đã là quá đủ cho cặp vợ chồng trẻ, một thời gian sau chị Ngân lại bị chẩn đoán ung thư đã di căn vào xương. Lúc này, vợ chồng anh chỉ biết ôm nhau khóc. Từ khi nhận án bệnh ung thư, anh cùng với chị đi hết bệnh viện K1, K2 rồi lại sang K3. Ở bất cứ đâu, người ta cũng thấy anh dành cho vợ thứ tình yêu thật lạ kỳ. Anh chăm sóc không rời xa vợ nửa bước, từ tắm giặt đến bón cho vợ ăn. Mỗi lần vợ đau, anh ước mình có thể đau giúp vợ. Mỗi lần chị khóc, anh lại lau nước mắt và động viên vợ.

Anh Cương tâm sự, bệnh ung thư đã di căn không thể điều trị khỏi mà chỉ kéo dài thời gian sống cho chị Ngân. Mỗi lần vào hóa chất, chị Ngân yếu thêm một tí. Lần nào cũng phải cấp cứu. Chỉ nghĩ đến quãng thời gian gần vợ đang ngắn lại, anh Cương không biết giấu cảm xúc đó đi đâu. Bông hồng anh gửi tới vợ kèm lời nhắn đã có anh ở bên, anh sẽ làm đôi chân cho em. Nhưng dường như tình cảm đó vẫn chưa đủ để ông trời đoái thương đến chị Ngân.

Lấy niềm vui đón nhận nghiệt ngã

Ở viện, anh không chè thuốc như nhiều người đàn ông khác. Thích uống nước chè, anh mua một cốc vào phòng ngồi cùng chị. Hết đợt điều trị, anh đưa vợ về nhà. Những ngày đó, ai thuê gì anh làm đấy, từ khuân vác gỗ cho đến thợ xây, phá dỡ nhà cửa. Anh cố gắng kiếm tiền để đưa vợ đi chữa bệnh. Các con gửi ông bà nhưng anh Cương bảo mình không thể để ông bà già chăm sóc 3 cháu nhỏ mãi, nên anh cố gắng từng phút, từng giờ cho vợ, cho con.

Nửa tháng nay, anh Cương đưa vợ về nhà nghỉ ngơi. Vài ngày nữa, anh đưa vợ lên bệnh viện khám lại. Anh Cương buồn bã “Chắc vợ em không điều trị nữa đâu. Vợ chồng em đã bàn bạc với nhau rồi. Tốn kém lắm mà bệnh không đỡ được. Giờ nhà em đã nợ nần chồng chất lại còn ba cháu nhỏ. Cháu lớn mới 7 tuổi, cháu nhỏ 16 tháng tuổi”.

Những ngày này, anh Cương ở bên cạnh vợ. Anh trân trọng thời gian còn được ở bệnh chị. Khi quyết định không tiếp tục điều trị nữa, anh Cương bảo đó là quyết định khó khăn nhất với anh. Nếu tiếp tục truyền hóa chất, sức khỏe của chị Ngân yếu lắm, lần nào truyền cũng cấp cứu. Anh chỉ thấy vợ đang yếu dần. Những khoảnh khắc của gia đình, anh chỉ biết quay phim, chụp hình lại để làm kỷ niệm. Những lúc vợ chồng buồn lại mở ra xem rồi cười với nhau hạnh phúc. Với anh Cương “khoảnh khắc bên nhau là nghị lực để tôi vượt qua những vất vả, đau thương và nghiệt ngã phía trước”.

Không kêu than nghèo khó, không than thở thương các con, ông bố này đang cố làm vơi đi nỗi đau của gia đình này. Họ chỉ còn những nụ cười, những phút giây hạnh phúc ở bên nhau. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau để đón nhận cái chết, cách chị Ngân chiến đấu với bệnh tật và chấp nhận sự thật, lấy niềm vui để quên đi đau đớn cũng khiến người khác mủi lòng.

Người đàn ông ấy hát bài “Về đâu mái tóc người thương” với những câu hát “Bên nhau sao tình xa vạn lý cách biệt mấy sơn khê. Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu. Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu. Đường phố muôn màu sao thiếu em. Về đâu làn tóc xõa bên rèm. Lầu vắng không người song khép kín. Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá rơi thềm” vang lên bất chợt cả khán phòng lặng đi.

Phương Thúy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]