Sinh ra và lớn lên trên quê hương của nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, bà Đan may mắn được người bác ruột, vốn là một thợ đúc đồng có tiếng của làng truyền nghề, nên chẳng bao lâu, bà đã có thể tự kiếm sống bằng nghề đúc đồng. Lớn lên, bà lại làm dâu họ Nguyễn Văn, dòng họ nổi tiếng nghề đúc đồng ở ngôi làng này.

Tuy nhiên, duyên nghiệp với nghề đúc đồng của bà cũng phải trải qua nhiều thăng trầm. “Đã là cơ duyên thì khó dứt, lăn lộn kiếm sống với đủ thứ nghề, cuối năm 1990, gia đình tôi lại quay về với nghề tổ” - bà Đan cho biết.

Và cũng năm này đã đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp gây dựng nghề đúc đồng của bà Đan, khi bà nhận đặt đúc những mặt hàng tinh xảo đầu tiên. Bà Đan cho biết, dù mới bước trở lại với nghề, song bà đã táo bạo nhận một đơn hàng khó. Đó là một mẫu tượng chân đèn thế kỷ 17 với nhiều tiểu tiết tinh xảo mà gia đình bà Đan chưa bao giờ dám hình dung về một chiếc khuôn phù hợp. Khó khăn đó càng đòi hỏi người thợ phải tính toán cho thật hợp lý, bởi, chỉ một sơ suất trong tỉ lệ đồng - thiếc, một sơ suất trong làm khuôn là có thể bị hỏng.

Như dự đoán, trong lần đúc đầu tiên, mẫu hàng đã bị hỏng. Phải đến lần thứ hai, bà Đan mới hài lòng về tác phẩm. Gây được tiếng vang trong hợp đồng đầu tiên, cơ sở của bà Đan tiếp tục được nhiều bạn hàng tìm đến. Theo bà Đan, để đúc được thành công một sản phẩm, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu cực nhọc. Nếu không đủ kiên nhẫn chắc khó theo.

Bà Đan bảo, chẳng biết những chiếc lư hương, đèn đồng vàng bóng được bày bán ngoài chợ người ta làm như thế nào, pha chế ra sao mà giá thành lại “mềm” thế, chứ để đúc được một tác phẩm nghệ thuật đẹp cùng thời gian thì kỳ công lắm. Ví như đúc một cái chuông 50-70cm thì phải dùng thứ đồng đỏ nguyên chất trộn với thiếc cũng nguyên chất chứ không thể lẫn một tí kim loại nào khác. Điều đặc biệt là nữ nghệ nhân này đã nắm được kỹ thuật đúc chuông sao cho tiếng chuông trong, ngân xa, rung động lòng người.

Với những đóng góp cho nghề đúc đồng quê hương, năm 1999, bà Ngô Thị Đan được Chương trình nghệ thuật Đông Dương - Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã Việt Nam tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Năm 2009, bà được UBND TP.Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân.