"Nung chín" khối u chữa ung thư gan

Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đang điều trị khá thành công cho các bệnh nhân ung thư gan bằng kỹ thuật nhiệt cao tần.

0

Ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn thế giới với hơn 600.000 ca tử vong mỗi năm. Châu Á là nơi có tỷ lệ mắc viêm gan B khá cao nên ung thư gan lại càng phổ biến.

Điều trị nhanh, không đau

Ứng dụng kỹ thuật đốt sóng cao tần, đầu tiên các bác sĩ dùng máy siêu âm để xác định vị trí khối u. Sau đó, máy đốt nhiệt đưa một cây kim đặc biệt vào đo diện tích khối u. Ðầu kim được kiểm soát bởi năng lượng tần số cao và làm nóng những mô ung thư ở xung quanh. Tiếp đến, máy phóng ra luồng điện cao tần có thể lên tới 1.000 độ C để nung chín khối u, khiến nó bị hoại tử và biến thành nang nước. Thời gian chữa trị kéo dài không quá một giờ. Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân sẽ ít bị đau đớn, có thể chữa trị cho bệnh nhân có khối u lớn, ít rủi ro.
 

TS.BS Lê Thành Lý đang siêu âm xác định vị trí khối u.

Tiến sĩ Lê Thành Lý, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Gan mật, cho biết kỹ thuật này đã được ứng dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 5 năm nay, điều trị các trường hợp ung thư tế bào gan có kích thước nhỏ hơn 3 cm và cho kết quả rất đáng khích lệ, nâng tỷ lệ sống lên trung bình 24 tháng. Ngay năm đầu tiên triển khai kỹ thuật nhiệt cao tần, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được 50 ca với tỷ lệ sống sau một năm là 96% và không xảy ra tai biến.

Hiệu quả chuyên môn cao

Theo bác sĩ Lý, thực tế phương pháp này rất kinh tế, vừa tiết kiệm chi phí vừa ít rủi ro vì mức độ xâm lấn cơ thể ít. Bởi trước đây, để điều trị được những biến chứng hoặc trường hợp giai đoạn cuối ung thư gan khi khối u vỡ ra thì bắt buộc phải mở ổ bụng bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân ung thư gan được phẫu thuật, còn phần lớn ở tình trạng không thể tiến hành phẫu thuật. Vì vậy, điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần là rất hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Thành Lý cho biết thêm, đối với các tế bào gan có kích thước lớn hơn 3 cm hoặc là có nhiều tổn thương, có 2 - 3 khối ung thư trong gan hoặc những trường hợp ung thư tế bào gan phát triển giai đoạn cuối có biến chứng vỡ trong ổ bụng thì ngoài kỹ thuật trên, bệnh viện còn ứng dụng chụp động mạch xóa nền để điều trị.
 
Kỹ thuật này sẽ giúp cho các bác sĩ nhìn rõ được nhánh động mạch tổn thương và ứng dụng kỹ thuật xóa nền để thông mạch, tiếp cận những mạch máu để làm tắc mạch một cách có chọn lọc. Trong khoảng hơn 5 năm nay, bệnh viện đã thực hiện cho khoảng hơn 4.000 bệnh nhân. Kết quả đã khống chế sự phát triển của các tế bào ung thư gan và kéo dài được tuổi thọ cho người bệnh.
 
Để ngày càng nhiều người được tiếp cận với kỹ thuật này, Bệnh viện Chợ Rẫy đang xúc tiến những hoạt động hỗ trợ cho bệnh nhân. Hiện bệnh viện đã thành lập Đơn vị Y xã hội để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trung bình mỗi năm chi khoảng 6 - 7 tỷ đồng hỗ trợ phẫu thuật, điều trị, ăn uống, đi lại.
 
Theo Báo Đất Việt
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]