Nước tương chứa chất gây ung thư: “Ém nhẹm” suốt sáu năm

Vụ nước tương có chất 3-MCPD gây ung thư không phải là mới, nhưng người tiêu dùng đã thật sự lo ngại khi lần đầu tiên biết được danh sách các cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD gây ung thư vượt mức cho phép (1mg/kg) của Bộ Y tế.

109.2138

Ngành y tế phát hiện chất 3-MCPD có trong nước tương từ khi nào và vì sao đến tận bây giờ mới công bố?

 

Đã phát hiện 3-MCPD từ 2001

 

Lật lại hồ sơ chưa đầy đủ mà phóng viên có được mới thấy rằng việc nước tương có chứa chất 3-MCPD đã được ngành y tế TPHCM phát hiện và biết rất rõ từ cuối năm 2001. Cụ thể, tháng 11/2001, qua xét nghiệm 15 mẫu nước tương, dầu hào tại địa bàn TP thì tất cả các mẫu đều có hàm lượng 3-MCPD gấp 23-5.644 lần mức cho phép. Tháng 12/2001, xét nghiệm tiếp 10 mẫu thì có 9 mẫu vượt mức cho phép, trong đó có mẫu gấp hơn 6.000 lần.

 

Năm 2004, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP thực hiện giám sát hàm lượng 3-MCPD 41 mẫu nước tương thì phát hiện 33 mẫu có 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong 33 mẫu này có sáu mẫu có hàm lượng 3-MCPD cao khủng khiếp, từ 11.100-18.244 mg/kg, tức cao gấp 11.000-18.000 lần mức cho phép; sáu mẫu có hàm lượng 3-MCPD rất cao,  từ 6.260-8.659 mg/kg; và 21 mẫu có hàm lượng 3-MCPD cao vượt giới hạn  từ  2,1-4.936 mg/kg.

 

Năm 2005, viện này khảo sát tiếp 137 mẫu từ nhiều nơi gửi tới xét nghiệm. Qua đó phát hiện hơn 100 mẫu có hàm lượng 3-MCPD từ 2,0 -9.743 mg/kg, cao hơn mức cho phép từ hai đến gần chục ngàn lần. Quí 3 năm 2005, Sở Y tế TPHCM gửi mẫu nước tương của 30 cơ sở sản xuất đến Viện Vệ sinh y tế công cộng TP kiểm nghiệm, phát hiện 20 cơ sở có sản phẩm nước tương có chất 3-MCPD cao gấp từ vài lần đến vài ngàn lần mức cho phép. Tại Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP, trong năm 2005 cũng tiến hành phân tích 38 mẫu và phát hiện 21 mẫu có hàm lượng 3-MCPD cao hơn mức qui định.

 

Ngay từ tháng 3/2007, sau khi báo chí lên tiếng về việc “ém nhẹm” thông tin liên quan đến kết quả kiểm định nước tương tại TPHCM, thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản gửi thanh tra Sở Y tế TPHCM đề nghị báo cáo kết quả cụ thể, đồng thời công bố các cơ sở có vi phạm chất lượng cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mãi gần hai tháng sau, đến ngày 7/5 vừa qua, thanh tra Sở Y tế TPHCM mới gửi báo cáo với Bộ Y tế về đợt kiểm tra 11 cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn.

Năm 2006, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP tiếp tục phát hiện 28/135 mẫu gửi tới xét nghiệm có hàm lượng 3-MCPD vượt quá giới hạn cho phép ở mức từ 1,19-3.029 mg/kg. Kết quả phân tích 245 mẫu nước tương của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM trong hai năm 2005-2006 cũng cho thấy có bảy mẫu vượt trên 1mg/kg, trong đó có một mẫu cao đến 1.700mg/kg. Cũng trong năm 2006, Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP phân tích tiếp 24 mẫu và phát hiện chín mẫu có

 

3-MCPD vượt giới hạn, trong đó có mẫu cao tới 1.944mg/kg. Ngoài ra, giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM trong năm 2006 trên 20 mẫu cũng phát hiện tám mẫu có 3-MCPD vượt mức cho phép.

 

Bỏ mặc người tiêu dùng

 

Trừ hai bản danh sách các cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD cao quá mức cho phép trong hai năm 2005 và 2007 vừa được công bố, các kết quả kiểm nghiệm mẫu của những cơ sở sản xuất nước tương khác trong nhiều năm qua đều không được công bố. Các cơ sở này là ai? Vi phạm bao nhiêu lần, có bị xử lý không, xử lý thế nào? Không ai biết, trừ ngành y tế!

 

Ai cũng biết tất cả kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước tương từ các đơn vị kiểm nghiệm đều được báo cáo về Sở Y tế TP và Bộ Y tế. Chính vì vậy mà cách đây hai năm Bộ Y tế đã có quyết định số 11 về việc qui định hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào không được quá 1mg/kg. Rõ ràng Sở Y tế TP, Bộ Y tế đều biết rất rõ người dân đang hằng ngày ăn phải loại thực phẩm có chứa chất độc hại.

 

Thế nhưng, nước tương có chất 3-MCPD vượt mức qui định gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Vì sao nhiều năm qua những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân vẫn dửng dưng, giấu nhẹm thông tin để mặc người tiêu dùng phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh ung thư từ những loại nước tương không an toàn? Đây là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục.

 

Ngành y tế TP sẽ xử lý những cơ sở sản xuất nước tương vi phạm các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào? Tại sao thời gian qua Sở Y tế TPHCM không công khai thông tin tên các cơ sở sản xuất nước tương có hàm lượng 3-MCPD cao quá mức cho phép? Ông Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP - khẳng định quan điểm của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng cũng không làm thương tổn doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không vi phạm. Còn những cơ sở vi phạm, hoặc vi phạm nhiều lần thì quan điểm của sở là không bao che.

 

Thời gian qua, mỗi khi phát hiện cơ sở nào vi phạm, sở đều có xử phạt. Tuy nhiên, luật có những bất cập mà nhiều khi ngành y tế không thể làm khác được. Có những cơ sở vi phạm nhiều lần, ngành y tế rất bức xúc, rất muốn đóng cửa nhưng không thể vì luật qui định rất rõ họ sai phạm thế nào thì mới đóng cửa được.

 

Còn vấn đề vì sao vừa qua chưa công khai thông tin thì ông Dũng cho rằng không phải ngành y tế không muốn công bố mà phải xem lại qui định, vì có thể nếu công bố không đúng luật lệ thì không khéo ngành y tế lại bị khiếu nại. Liệu những lời giải thích này có đủ sức thuyết phục người dân?

 

Thị trường từ chối nước tương “đen”

 

Thông tin về nước tương có hàm lượng 3-MCPD cao quá mức cho phép đã làm người tiêu dùng hoang mang. Nhiều loại nước tương nằm trong “danh sách đen” đã được các siêu thị thu hồi.

 

Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, trưởng phòng quảng cáo khuyến mãi hệ thống Saigon Co-op, khẳng định: toàn bộ 21 siêu thị trong hệ thống của Co-op Mart ở 14 tỉnh và thành phố đều đã đưa toàn bộ các loại nước tương có vi phạm xuống khỏi kệ bày bán, đồng thời gửi thông báo đề nghị nhà cung cấp thu hồi hàng. Bà Tuyền cho biết Co-op Mart bị “dính” hai nhà sản xuất là Trường Thành và Nam Dương.

 

Tại hệ thống siêu thị Maximark, sản phẩm nước tương của Nam Dương và Lam Thuận, hai nhãn hiệu bị liệt vào “bảng cấm”, đã lần lượt bị đưa xuống kệ trong sáng hôm qua.

 

Chuỗi hệ thống siêu thị Big C khu vực phía Nam cũng chuẩn bị trả hàng cho “khổ chủ” khi “hung tin” nước tương có chứa hàm lượng chất gây ung thư được tiếp nhận vào đầu giờ sáng 24/5.

 

Ngay buổi sáng 24/5, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra rất hoang mang trước thông tin nước tương có hàm lượng 3-MCPD cao quá mức cho phép. Thông tin nhiều sản phẩm nước tương chứa chất gây ung thư đã thật sự đảo lộn bữa cơm của nhiều gia đình.

 

Không khí ở các chợ có vẻ trầm lặng hơn, các sạp bán tạp hóa vẫn chưa có động tĩnh gì, các sản phẩm nước tương của Nam Dương, Nosafood, Lam Thuận... được bày bán như thường. Một số sạp hàng tạp hóa nắm được thông tin “lặng lẽ” giấu hàng, khi có người hỏi mua mới lấy ra, nhưng cũng “tư vấn nhẹ”: “Chị chọn nước tương Maggi hay Chin-su cũng được, ít có hại hơn”.

 

Trong khi đó, tại các sạp ở chợ Bến Thành (Q.1) nhiều mặt hàng nước tương trong “danh sách đen” vẫn được bày bán. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương không giấu được vẻ lo lắng hàng sẽ bị thu hồi, làm sao để “chạy” hết hàng trong kho... Tương tự, tại các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, tiểu thương vẫn bán các sản phẩm nước tương.

 

Theo T. Hà, N. Bình, V. Nghi

Tuổi Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]