Nuôi bệnh “không chính quy”

Ban đầu chỉ vì cái cảm thương, giúp đỡ, “vần công” trong khi chăm sóc người nhà bệnh tật. Rồi “vần công” thành khoán khi một trong hai đối tác có hoàn cảnh khó khăn hơn.

0

Cứ thế, qua thời gian nghề nuôi bệnh hình thành với muôn sắc thái. Và gì thì gì, nghề này đang dần trở thành cứu cánh cho không ít người kể cả người thuê và được thuê.

Một người nuôi bệnh cả nhà được nhờ

Thực ra, trong các trường y có chuyên ngành điều dưỡng – mới hình thành khoảng chục năm trở lại đây. Những người học nghề này có nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân sau mổ, đẻ… như tiêm thuốc, cho uống thuốc… Đó là chính quy.

Còn “điều dưỡng không chính quy” sẽ phục vụ các nhu cầu cá nhân của bệnh nhân. Người nuôi bệnh “không chính quy” nhiều người tưởng cũng như ôsin (giúp việc nhà – PV). Thực tế không phải vậy.

Nếu như ôsin làm việc có thời gian cụ thể thì nghề nuôi bệnh gần như mọi cái không cụ thể. Bởi nghề này đòi hỏi cái tình rất nhiều mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Và chính cái tình của người nuôi bệnh đôi khi đem lại cho họ nhiều điều bất ngờ, kể cả đổi đời.

Câu chuyện của chị Thế – một “nguyên nuôi bệnh thuê” sẽ khiến không ít người bất ngờ và thán phục. Chị đến với nghề nuôi bệnh rất tình cờ. Số là năm 2012 khi đang giúp việc cho một chủ nhà ở quận Tân Bình, trong một lần vào BV Thống Nhất (Tân Bình) đưa cơm cho gia chủ đang nằm viện, cám cảnh một cụ già giường bên muốn đi tiểu nhưng không ai giúp.

Thấy tội, dẹp bỏ mắc cỡ chị giúp cụ già đi tiểu. Ai ngờ khi đang giúp cụ thì con cụ vào thấy và cảm ơn. Tưởng vậy là xong nhưng khi ra chưa tới cổng bệnh viện thì thấy con cụ già đuổi theo, thuyết phục giúp cô ấy nuôi cha.

Thấu hiểu tâm trạng của người con thương cha nhưng quá nhiều việc phải làm. Trình bày lý do, chủ nhà ủng hộ vì đó là việc tốt. Kể từ ngày trở thành người nuôi bệnh, chị Thế đã ngày đêm cận kề bên cụ ông. Có lẽ do xuất phát từ tình cảm mà không phải vì tiền, dần dà cụ ông đã nhận chị Thế là con nuôi và cô con gái một hai nhận chị là chị em.

Sau ba năm được chị Thế tận tình chăm sóc, cụ ông vẫn không thể qua khỏi vì tuổi giá sức yếu cộng với bệnh tiểu đường ngày càng biến chứng. “Ngày cụ mất tôi buồn như cha mình mất vậy. Tưởng thế là quay lại với nghề giúp việc nhà. Ai ngờ, sau khi cụ ông mất được ba tuần, một buổi chiều cô con gái của người quá cố tìm về tận quê tôi ở Long An trao số tiền hơn 400 triệu đồng; và nói của cụ ông dặn gửi tôi xây nhà, kiếm nghề buôn bán, ổn định cuộc sống”, chị Thế vẫn chảy nước mắt khi nhớ lại.

Giờ chị Thế đã là chủ một quán cơm bình dân – không đâu bình dân hơn – ở một xóm lao động nghèo thuộc quận Bình Tân.

Không phải ai cũng may mắn như chị Thế khi hành nghề nuôi bệnh, nhưng qua hỏi thăm, hầu hết người làm nghề nuôi bệnh đều trả lời sống khoẻ với nghề. Chẳng thế mà giờ đây, tại các bệnh viện lớn ở TPHCM người hành nghề nuôi bệnh ngày càng nhiều và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Sống khoẻ nhưng lo!

Thu nhập sống khoẻ nhưng hỏi chuyện những người nuôi bệnh nhất là nuôi bệnh hiểm nghèo, không ít gương mặt người hiện lên nỗi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm.

“Ngày nào cũng tiếp xúc với người bị lao nên tôi cũng ngán lắm, nhưng chủ nhà này trả lương rất hậu hĩ nên cố làm để kiếm tiền chuộc lại hai công đất dưới quê rồi nghỉ”, chị Hồng, một người hành nghề nuôi bệnh, nói. Nỗi lo của chị Hồng không thừa, bởi ai đó đã từng tới những khoa lao, khoa lây của các bệnh viện sẽ thấy người bị bệnh này hay khạc nhổ vì ho.

Theo đó, để giữ vệ sinh, người nuôi bệnh phải đưa thau, bô tới hứng cho người bệnh. Tuy đưa đồ hứng nhưng do bệnh nhân không kiểm soát được cơn ho nên nhiều khi đờm nhớt từ miệng bệnh nhân bay đầy vào quần áo người nuôi bệnh. Nhìn đã thấy sợ!

Mặc dù nghề nuôi người bệnh không có trong danh mục các nghề lao động được bảo hộ, được tổ chức đào tạo, nhưng do nhu cầu của xã hội, nghề này đang tồn tại một cách khách quan. Vì vậy, ước mong của không ít người làm nghề nuôi bệnh là được các cơ quan chức năng, mà trước tiên là các bệnh viện nơi họ hành nghề hỗ trợ và hướng dẫn họ khi phải chăm sóc những bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo Trường Thành - Thế giới tiếp thị/ Nông thôn ngày nay
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]