“Nuôi con bằng sữa mẹ” cho đúng cách

Nghe có vẻ vô lý, nhưng trên thực tế, không phải người mẹ nào cũng biết “nuôi con bằng sữa mẹ” đúng cách đạt hiệu quả tối ưu nhất.

15.6009

Cho bé bú ngay khi vừa chào đời

Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt, để tận dụng nguồn sữa non rất giàu dinh dưỡng và chất diệt khuẩn. Chất lỏng có màu vàng nhạt này rất giàu chất đạm cũng như các kháng thể, vitamin A và bạch cầu. Kháng thể này không chỉ bảo vệ bé rất tốt trong 6 tháng đầu mà còn giúp bé khỏi bị các bệnh nhiễm trùng đến khi cai sữa.

Cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt, tác động vào đầu ti, kích thích dạ con co lại, thúc đẩy nhau thai sớm ra ngoài. Dạ con co lại còn giúp mẹ sớm lấy lại thân hình mảnh mai khi xưa.

Cho bé bú sớm cũng là kiểm tra phản xạ bú của bé khi vừa chào đời. Những động tác mút của bé cũng là cách tốt nhất để gọi sữa nhanh về sau sinh.

Bao nhiêu lâu lại cho bé bú một lần?

Điều này tùy thuộc nhu cầu của từng bé và khả năng tiết sữa của mẹ. Khi nào bé đói, dĩ nhiên mẹ cho bé ti. Nhưng không phải lúc nào bé hơi khóc một chút, mẹ lại cho bé ti ngay. Như vậy sẽ tạo cho bé thói quen ăn uống lắt nhắt, không thành bữa, mệt cả mẹ và con. Tuy nhiên, thời gian giữa hai lần bú không quá hai giờ.

Mẹ lưu ý, sau khi cho bé bú 2 – 3 lần, bé vẫn chưa đi tè lần nào, chứng tỏ bé bú chưa đủ no. Tốt nhất trước mỗi cữ bú, mẹ nên uống một cốc nước ấm để khơi thông tuyến sữa cho bé.

Mẹ cũng phải ăn kiêng

Kiêng không phải để mẹ giữ eo. Kiêng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé vì “Mẹ ăn gì, con bú nấy”.

Trước hết, mẹ phải ăn nhiều để tiết ra đủ lượng sữa cho con bú. Thành phần các loại thức ăn của mẹ phải đa dạng đảm bảo cung cấp cho bé đủ các loại dưỡng chất để bé phát triển.
 

Mẹ phải tẩm bổ để tiết ra nhiều sữa cho con bú

Nên ăn các loại rau củ quả, thức ăn tươi để giúp bé tiêu hóa tốt. Bổ sung thêm các loại phô mai, váng sữa, uống sữa để cung cấp cho bé đủ lượng canxi. Chú ý lượng dầu mỡ trong bữa ăn hàng ngày của mẹ. Vì trong 2 năm đầu đời, bé cần một lượng lớn chất béo để phát triển.

Không nên ăn các gia vị cay, nóng như ớt, hạt tiêu, hay một các loại dưa, cà muối, măng chua ngâm dấm, các loại nộm, thịt bò khô... cho dù đó là những món ăn mẹ rất thích. Nếu thèm quá, chỉ nhấm nháp một chút thôi. Vì những món ăn đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sữa tiết ra. Bé bú vào cũng sẽ bị nóng, đau bụng, khó tiêu.

Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ không nên ăn các loại trai, hến, ốc, cua đồng... để tránh khi lớn lên bé dễ bị lạnh bụng và đau bụng.

Các đồ uống như rượu, thuốc lá, cà phê, trà mạn đặc, mẹ nên tuyệt đối tránh trong thời gian cho con bú.

Mẹ uống thuốc, phải ngừng cho con bú?

Điều này không hoàn toàn chắc chắn. Tùy theo sức khỏe và loại thuốc mẹ uống để xem xét nên tiếp tục cho con bú hay phải ngừng tạm thời.

Thông thường, khi mẹ bị cảm mạo hoặc sốt, không cần phải ngừng cho con bú. Vì lượng sữa và chất lượng sữa mẹ tiết ra vẫn bình thường. Lưu ý, mẹ cũng chỉ nên dùng các loại thuốc hạ sốt hay thuốc cảm có nguồn gốc thảo mộc.

Nếu mẹ bị viêm họng, viêm phổi..., mẹ nên khám bác sỹ và hỏi về các loại thuốc điều trị dành cho người đang cho con bú. Không nên tự ý ở nhà uống thuốc ý mình hoặc nghe người khác mách nhỏ.

Chỉ trong trường hợp mẹ bị bệnh nặng, phải dùng các loại thuốc đặc trị, nên tạm dùng cho con bú. Trong thời gian đó, hàng ngày, mẹ vẫn nên vắt sữa ra đều đặn. Đến khi mẹ khỏi bệnh, sữa vẫn có thể tiết ra bình thường và mẹ cho bé bú trở lại.

Có nên dùng máy vắt sữa “làm việc” thay cho bé?
 
Máy vắt sữa hiện nay được rất nhiều mẹ sử dụng

Nhiều mẹ cho rằng dùng máy vắt sữa sẽ giúp vắt được nhiều sữa hơn, lại không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp vốn có của mình. Điều này hoàn toàn sai lầm. Bởi không một dụng cụ hay máy móc nào có thể hút được nhiều sữa như đôi môi của bé. Sữa được sản xuất ra nhiều hay ít là tùy thuộc vào nhu cầu của bé.

Tuy nhiên, nếu mẹ quá nhiều sữa, bé bú không hết, cũng nên dùng máy, vắt chỗ sữa thừa giúp mẹ không bị căng nhức. Sữa không phun tia mạnh làm cho bé sợ. Nếu sữa mẹ tiết ra ít quá, bé chán bỏ bú, việc vắt sữa sẽ kích thích cơ thể mẹ tiết ra nhiều sữa hơn.

Với mẹ đi làm ở xa, không về cho con bú buổi trưa, việc vắt sữa rất tiện lợi. Mẹ có thể vắt sữa ra, bảo quản trong tủ lạnh cho con uống.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của mẹ là cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi, duy trì lượng sữa tiết ra nhiều và giàu chất dinh dưỡng cho bé, ít nhất đến khi bé được một tuổi.

NamHải

(Tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]